Ở vòng đàm phán lần thứ 9 vừa được bắt đầu này, EU và chính phủ Anh phải trả lời dứt khoát câu hỏi về kịch bản cuối cùng cho việc nước Anh ra khỏi EU (Brexit). Trên danh nghĩa chính thức, nước Anh đã ra khỏi EU từ cuối tháng Giêng năm nay, nhưng trong thực chất thì nước Anh sẽ hoàn thành chuyện Brexit khi thời gian quá độ chấm dứt vào ngày 31/12 tới như đã được thoả thuận giữa hai bên. Vấn đề còn lại mà hai bên phải xử lý là đàm phán về hiệp định hợp tác kinh tế, thương mại mới làm khuôn khổ cho quan hệ giữa hai bên ở thời sau Brexit. Cho tới hay, hai bên chưa kết thúc thành công được tiến trình đàm phán này. Họ phải chạy đua với thời gian vì EU còn cần thời gian không hề ngắn cho việc phê chuẩn hiệp định đạt được với Anh ở các nước thành viên. Thủ tướng Anh Boris Johnson đã đưa ra tối hậu thư cho EU là chậm nhất đến ngày 15/10 tới phải đạt được thỏa thuận cuối cùng, nếu không thì ông Johnson sẽ đưa nước Anh ra khỏi EU mà không cần đến bất kỳ thỏa thuận nào giữa hai bên cho mọi chuyện liên quan ở thời hậu Brexit. EU rất muốn tránh kịch bản tồi tệ nhất này, không phải trước hết vì hệ lụy của kịch bản ấy là nước Anh sau Brexit đối với EU chỉ còn không khác gì mọi thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) mà chủ yếu và trước hết vì Bắc Ireland. EU lo ngại rằng một khi Bắc Ireland bị tách biệt hoàn toàn ra khỏi những mối quan hệ đặc biệt với EU thì thỏa thuận hòa bình cho vùng này sẽ bị rạn vỡ.
Nhưng cho dù có làm găng với EU đến mấy thì ông Johnson cũng vẫn phải lưu ý thỏa đáng đến việc duy trì hiệu lực và giá trị của thỏa thuận hòa bình cho Bắc Ireland. Vì thế có thể dự liệu thấy là hai bên găng nhau để rồi đi vào thỏa hiệp với nhau chứ không phải để gò ép nhau bằng mọi giá. Phải đến thời khắc cuối cùng trước khi đàm phán đổ vỡ thì hai bên mới đi vào thỏa hiệp với nhau. Kịch bản Brexit tồi tệ nhất tuy không thể bị loại trừ, nhưng nhiều khả năng sẽ không xảy ra./.
Ngân Hà