Mới đây, Chính phủ ban hành Nghị định 98/2020/NĐ-CP về Xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Ngay lập tức, “chạy Nghị định” trở thành cụm từ hot để những người kinh doanh hàng xách tay “xả kho” trên mạng xã hội Facebook - “chợ điện tử” lớn nhất Việt Nam hiện nay, bên cạnh những lý do quen thuộc như “lấy chồng nước ngoài”, “khách bom hàng”, “nhập dư”...
Không thể phủ nhận việc Facebook cùng các mạng xã hội khác như Shopee, Lazada, Tiki... lan rộng và hoạt động mạnh ở Việt Nam đã tạo cơ hội cho kinh tế số phát triển, kéo theo sự “ăn nên làm ra” của các ngành kinh tế khác như vận chuyển, giao nhận... Nhưng cùng với đó lại xuất hiện tình trạng nhiều người kinh doanh không nộp thuế, kinh doanh hàng nhập lậu, hàng hóa không đảm bảo chất lượng, thậm chí lừa đảo. Những vụ “lùm xùm” liên quan đến mua bán online xuất hiện thường xuyên. Thậm chí có những vụ lừa đảo lên đến con số chục tỷ đồng, như thông tin được lan truyền trên mạng xã hội Facebook về hai vụ nhận order (đặt hàng) nước hoa cao cấp của một cô gái nghi ở Long Biên, Hà Nội và order giày snicker của một cô gái trẻ 16 tuổi mới đây.
Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định: Cá nhân kinh doanh hàng nhập lậu sẽ bị phạt 500.000 đồng đến 50 triệu đồng, tùy giá trị hàng hóa nhập lậu. Còn tổ chức vi phạm kinh doanh hàng lậu sẽ bị phạt 1 triệu đến 100 triệu đồng. Hàng nhập lậu thuộc danh mục cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu hoặc là thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thuốc phòng bệnh và thuốc, nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn… phạt tiền gấp 2 lần số nêu trên.
Đây là quy định chặt chẽ và cần thiết để góp phần chấn chỉnh tình trạng ồ ạt kinh doanh cái gọi là “hàng xách tay” trên mạng xã hội nhưng không thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước và không phải người kinh doanh nào cũng đảm bảo chất lượng sản phẩm, thậm chí xảy ra tình trạng lừa đảo.
Đó là lý thuyết, còn trong thực tiễn để thực hiện hiệu quả Nghị định 98/2020/NĐ-CP thì các cơ quan quản lý Nhà nước cần rất nhiều công cụ để kiểm soát, phân định được những người kinh doanh “hàng xách tay”, mức độ vi phạm, giá trị hàng hóa... Trong đó, sâu sát nhất là chính quyền cơ sở, phải nắm được hoạt động của công dân trên địa bàn quản lý.
Cùng với đó, cần nghiên cứu phương thức để các hoạt động kinh doanh online đóng góp nhiều hơn cho ngân sách Nhà nước, bởi dù có nhiều bất cập, hoạt động mua bán trên mạng xã hội đã và đang góp phần đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, từ thực phẩm hàng ngày, chiếc dây chun buộc tóc đến hàng hóa xa xỉ. Đây là cách hiệu quả nhất để phát triển kinh tế số theo hướng chuyên nghiệp và hiện đại./.