Bãi rác Nam Sơn bị chặn, thủ đô Hà Nội “chìm” trong rác.
Đây không phải lần đầu tiên rác bị chặn và thành phố chìm trong rác, nhưng những lần rác ngập ngụa ngày càng sát gần nhau hơn.
Những lúc như vậy, người ta thường mơ về những dự án xử lý rác thải, tận dụng rác thải để chôn lấp, để tránh lãng phí tài nguyên từ rác, người dân Nam Sơn đỡ khổ và thành phố cũng giảm gánh nặng. Thế nhưng, có giải pháp chưa hẳn đã dễ triển khai.
Ông Vũ Đình Thịnh là một nhà khoa học đã nghiên cứu và sáng chế máy tái chế rác thải thành phân bón hữu cơ. Đáng chú ý là mẫu máy này nhỏ gọn hơn so với những dòng máy đang lưu hành trên thị trường vốn được nhập khẩu từ nhiều quốc gia. Máy tái chế rác nhập khẩu có công suất trên 10 tấn, trong khi máy Việt Nam sáng chế quy mô tái chế rác từ 5 tấn trở xuống, có cả mẫu dành cho gia đình với giá bán dự kiến 20 triệu đồng/chiếc, ngoài việc xử lý rác thải còn mang lại nguồn phân bón hữu cơ chất lượng có thể kinh doanh được. Chiếc máy này đã được thử nghiệm tại một khu xử lý rác thải ở Hà Nội, đồng thời được nhiều nhà khoa học ở Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam đánh giá cao và đang được đăng ký bằng sáng chế. Nếu sử dụng loại máy này trên diện rộng, lượng rác thải đổ về bãi rác Nam Sơn sẽ giảm đi đáng kể, đồng thời có phân bón an toàn, chất lượng cho sản xuất nông nghiệp sạch.
Nghe thì rất hấp dẫn, nhưng để đưa được chiếc máy hữu dụng đó ra thị trường lại là câu chuyện không đơn giản. Các nhà khoa học vốn không phải là người rành rẽ trong hoạt động kinh doanh nên rất cần sự nâng đỡ, chia sẻ của các doanh nghiệp theo hướng cùng có lợi. Tuy nhiên, doanh nghiệp lại chưa mấy mặn mà với sản phẩm này. Có doanh nghiệp chỉ muốn mua đứt với giá rẻ. Có doanh nghiệp sau một thời gian thử nghiệm đã nhăm nhe tìm cách ăn cắp công nghệ. Có những doanh nghiệp lớn do lĩnh vực kinh doanh quá rộng nên ngại đầu tư thêm... Và cứ như vậy, câu chuyện tìm kiếm sự liên kết giữa hai nhà - nhà kinh doanh và nhà khoa học - chưa thể kết thúc có hậu như lâu nay chúng ta mong đợi.
Liên kết kém là điểm yếu của doanh nghiệp Việt Nam. Không chỉ kém liên kết giữa các “nhà”, mà kém liên kết giữa các doanh nghiệp với nhau, khiến sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam thấp. Thế nên năm nào cũng có câu chuyện nhà nông tố doanh nghiệp không bao tiêu sản phẩm, doanh nghiệp tố nhà nông không thực hiện hợp đồng, người sản xuất than phiền người kinh doanh, người kinh doanh lại kêu ca người sản xuất. Và cũng chính sự thiếu liên kết đó dẫn tới tình trạng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bị chính doanh nghiệp trong cùng một ngành hàng phá giá, đi kèm với đó là giảm chất lượng. Nước ta đa phần là doanh nghiệp vừa và nhỏ, chỉ có liên kết mới giúp doanh nghiệp Việt Nam có đủ sức mạnh cạnh tranh trên thị trường quốc tế./