Kinh tế 2020 - nhiều dư địa để kỳ vọng

Nhìn lại bức tranh toàn cảnh kinh tế 10 tháng năm 2020 có thể thấy rằng, Việt Nam đã trải qua gần một năm cực kỳ khó khăn...

 

Nhìn lại bức tranh toàn cảnh kinh tế 10 tháng năm 2020 có thể thấy rằng, Việt Nam đã trải qua gần một năm cực kỳ khó khăn và tiếp tục khó khăn trong những tháng kế tiếp. Chỉ tính riêng tháng 4/2020, chỉ số giá tiêu dùng CPI đã xuống đến đáy với mức tăng -1,54%. Mức tăng chỉ số công nghiệp 9 tháng cũng chỉ đạt 2,7%, thấp nhất kể từ năm 2013. Nhiều sản phẩm công nghiệp tăng trưởng thấp, thậm chí âm, như điện sản xuất, xi măng, sắt thép thô, dầu thô khai thác, khí hóa lỏng, bia, đường kính... Giải ngân vốn đầu tư công, đầu tư trực tiếp nước ngoài, vận tải hàng không, du lịch... đều không đạt kỳ vọng.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm trong 10 năm tới là chưa đủ

Đó là so sánh thuần túy về con số và so sánh với chính mình. Nhưng nhìn rộng ra, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành, kinh tế thế giới suy sụp, đạt được mức tăng trưởng dương là nỗ lực rất lớn từ Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, đến từng người kinh doanh và người tiêu dùng - vừa nỗ lực chống dịch hiệu quả, vừa đảm bảo sản xuất kinh doanh.

Như vậy, kỳ vọng kinh tế Việt Nam 2020 vẫn đạt mức tăng trưởng khá, dù không bằng mục tiêu đề ra đầu năm - khi chưa có dịch. Tuy nhiên, cùng với dịch bệnh thì năm nay chúng ta còn phải đối phó với thiên tai diễn biến phức tạp. Trong bối cảnh đó, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng như trong Báo cáo Việt Nam 2035 rằng GDP bình quân đầu người đạt tối thiểu 18.000 USD; tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ chiếm trên 90% GDP; tỷ trọng đóng góp của kinh tế tư nhân trong GDP chiếm tối thiểu 80%... là một thách thức lớn, cho dù các chuyên gia kinh tế kỳ cựu đều cho rằng, cần đặt mục tiêu cao để khơi dậy khát vọng, nhìn rõ dư địa để kỳ vọng.

Mục tiêu cao kích thích khát vọng lớn, nhưng mọi việc phải bắt đầu từ những “chuyện thường ngày”. Chúng ta cần tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính để giảm chi phí về thời gian và tiền bạc cho người dân và doanh nghiệp; tăng tính liên kết trong cộng đồng doanh nghiệp, kích thích khối doanh nghiệp tư nhân phát triển bằng những chính sách mở, thiết thực. Điều quan trọng là những chính sách đó sau khi được ban hành phải nhanh chóng được triển khai vào cuộc sống, không để mãi tình trạng luật chờ nghị định hoặc chính sách hỗ trợ doanh nghiệp mang những tiêu chí “trên trời”...

Người lao động không thể nằm ngoài công cuộc biến khát vọng thành hiện thực. Từng người lao động cần nỗ lực trau dồi kiến thức, tay nghề, nâng cao năng suất lao động và tăng khả năng thích nghi để có thể đón bắt được nhiều cơ hội.

Xin dẫn lời Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương: “Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm trong 10 năm tới là chưa đủ. Cần phải đặt cao hơn, để khơi dậy khát vọng. Đây là lúc đòi hỏi nghệ thuật điều hành để khơi nguồn, kích thích sự sáng tạo và quan trọng là thu hút những người giỏi tham gia”./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận