Cải cách thủ tục hành chính - Dấu ấn nổi bật trong nhiệm kỳ 2016-2021 của Chính phủ

Cải cách thủ tục hành chính là khâu đột phá, lấy nhân dân làm trung tâm, hướng vào sự hài lòng của người dân, tiết kiệm, đơn giản, gọn nhẹ.

 

Một trong những dấu ấn nổi bật của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 là cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Kết quả này thể hiện rõ nét trên ba khía cạnh, đó là cắt giảm thực chất thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, danh mục sản phẩm, hàng hóa kiểm tra chuyên ngành; xây dựng và vận hành các hệ thống thông tin nền tảng của Chính phủ điện tử; đổi mới lề lối làm việc trong các cơ quan hành chính nhà nước và công tác chỉ đạo, điều hành dựa trên dữ liệu số.

Một nhiệm kỳ 3 đợt sóng cải cách

Nhiệm kỳ 2016-2021 hoàn toàn không có các chủ trương, giải pháp như mở rộng kích cầu, tăng tài khóa, tăng đầu tư công, khai thác thêm tài nguyên để tăng trưởng; mà các giải pháp tập trung vào cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Trong giai đoạn này đã cắt giảm, đơn giản hóa gần 3900 điều kiện kinh doanh, hơn 6700 danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành, giúp tiết kiệm tới 6300 tỷ đồng mỗi năm. Tháng 5/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68 về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025. Đây là chương trình cải cách có phạm vi bao phủ rộng nhất từ trước đến nay.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Phó chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ đánh giá “Đây là một nhiệm kỳ Chính phủ với một dấu ấn, là một nhiệm kỳ 3 đợt sóng cải cách”.

Năm 2016, đợt sóng cải cách đầu tiên là phá bỏ hàng ngàn giấy phép con, lần đầu tiên chúng ta quy định điều kiện kinh doanh chỉ có thể được quy định trong luật chứ không thể được quy định trong thông tư.

Đợt sóng thứ hai là khi Chính phủ đưa ra chương trình rà xét, đơn giản hóa và cắt giảm ít nhất 50% các điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính, kiểm tra chuyên ngành. Và bây giờ là đợt sóng cải cách thứ ba khi chúng ta đang khởi động Nghị quyết 68, phải cắt giảm, đơn giản hóa tiếp theo 20% các quy định về kinh doanh.

Trong nhiệm kỳ 5 năm qua, chất lượng cung cấp dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp được nâng cao với số lượng hồ sơ, thủ tục hành chính được xử lý trực tuyến hơn 6000 dịch vụ. Đặc biệt, với việc tích hợp hơn 2700 dịch vụ công lên Cổng dịch vụ công quốc gia đã giúp tiết kiệm hơn 8100 tỷ đồng mỗi năm.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính Văn phòng Chính phủ khẳng định: “Về cải cách thủ tục hành chính, chúng ta đã thực thi được các phương án đơn giản hóa gần 5000 thủ tục hành chính và Chính phủ điện tử đưa vào 4 nền tảng rất quan trọng trong mối quan hệ giữa người dân với Chính phủ là cổng dịch vụ công quốc gia, quan hệ giữa Chính phủ với Chính phủ thông qua hệ thống văn phòng Chính phủ cabinet, tiết kiệm được khoảng 14.800 tỷ đồng một năm”.

59/63 địa phương thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh

Hiện các bộ, ngành, địa phương đã hoàn thành việc kiện toàn bộ phận một cửa các cấp để giải quyết thủ tục hành chính, trong đó 59/63 địa phương thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh. Điều này không chỉ góp phần giảm bớt những rườm rà hành chính không đáng có cho người dân, doanh nghiệp mà còn là bước đột phá trong hiện đại hóa nền hành chính.

Theo GS.TS Ngô Thành Can, Học viện Hành chính Quốc gia, dấu ấn nổi bật trong nhiệm kỳ công tác của Chính phủ là cải cách thủ tục hành chính. Chúng ta đang thực hiện chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2011- 2020 với 6 nội dung cơ bản là: cải cách về thể chế, cải cách về thủ tục hành chính, cải cách tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, cải cách tài chính công và hiện đại hóa nền hành chính. Trong đó, chúng ta coi cải cách thủ tục hành chính là khâu đột phá, lấy nhân dân làm trung tâm, hướng vào sự hài lòng của người dân, tiết kiệm, đơn giản, gọn nhẹ.

“Thủ tục hành chính nằm trong tiến trình cải cách hành chính nói chung và cũng là việc làm cần thiết khi xây dựng nhà nước liêm chính, kiến tạo, hành động để phục vụ nhân dân. Dần dần, cơ chế xin- cho sẽ không còn đất sống. Cán bộ, công chức trong bộ máy công quyển hướng vào phục vụ nhân dân, vì người dân và đa số hiểu rằng, tất cả quyền lợi và lương bổng của họ đều xuất phát từ nguồn thuế của dân. Nhưng ở đây, chúng ta cũng phải khẳng định vai trò rất lớn của Chính phủ và các bộ, ngành đã tạo nên kết quả nổi bật của công tác cải cách thủ tục hành chính”- ông Ngô Thành Can lưu ý.

Chuyển dần dịch vụ công sang cho doanh nghiệp và xã hội thực hiện

Thủ tục hành chính lâu nay được nhiều người ví von: Hành là chính, vì gây ra nhiều phiền hà, rắc rối, mất quá nhiều thời gian, công sức của người dân, doanh nghiệp. Nhưng đến thời điểm này có thể nói, những thủ tục hành chính không cần thiết, rườm rà, phức tạp, gây phiền toái đã được loại bỏ, mang lại thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp. Tình trạng người dân phải giao dịch trực tiếp với cán bộ, công chức, cơ chế xin- cho, nhũng nhiễu, vòi vĩnh đã giảm hẳn.

Những năm gần đây, đa phần những chỉ số hài lòng người dân khi đến làm việc tại cơ quan công quyền đều trên 80%, đặc biệt năm 2020, con số này là hơn 84 %. Đặc biệt, người dân rất hài lòng với cung cách phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức với những khẩu hiệu “4 xin” gồm: Xin chào, xin phép, xin cảm ơn, xin lỗi hay “4 luôn” gồm: luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn thấu hiểu, luôn giúp đỡ… Tuy nhiên, theo Phó Giáo sư Ngô Thành Can, một số thủ tục liên quan đến đất đai, thuế, hải quan, giáo dục ... cần cải thiện hơn nữa. Chính phủ cũng cần phản ứng nhanh hơn. Chẳng hạn như trong công tác xuất nhập khẩu khi xảy ra dịch bệnh Covid-19. Những hành vi tham nhũng, nhũng nhiễu, lệch chuẩn cũng cần phải được xử lý ngay tức thời.

GS.TS Ngô Thành Can, Học viện Hành chính Quốc gia

Để công tác cải cách hành chính trong năm 2021 cũng như trong giai đoạn 5 năm tới thực sự tạo ra được những đột phá mạnh hơn, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Thành Can nhấn mạnh: Sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác cải cách thủ tục hành chính phải “ngấm” xuống các cấp quản lý bên dưới. Thứ hai, chúng ta cần phải có một hệ thống hành pháp mạnh hơn, minh bạch thông tin, phân cấp, phân quyền từ Trung ương đến địa phương. Cùng với đó là tiếp tục tinh gọn bộ máy. Chừng nào bộ máy Chính phủ và các cơ quan Trung ương, địa phương gọn nhẹ mới hướng được đến hiệu lực, hiệu quả. Bên cạnh đó, cũng cần chuyển dần dịch vụ công sang cho doanh nghiệp và xã hội thực hiện. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực, phát triển đội ngũ cán bộ, công chức đủ về số lượng và đảm bảo chất lượng, đảm bảo tính chuyên nghiệp cũng cần được quan tâm hơn nữa. Cuối cùng là đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử trong thời gian tới./.

Thu Huyền/VOV1

 

Bình luận

    Chưa có bình luận