Giảm mạnh tỉ lệ án oan sai
Sáng 25/3, tiếp tục kỳ họp 11 Quốc hội khóa XIV, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra các Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC). Trong đó, đánh giá chất lượng công tác giải quyết án hình sự tiếp tục được nâng lên, hạn chế đáng kể các trường hợp oan, sai, bỏ lọt tội phạm so với nhiệm kỳ trước.
Ngành Kiểm sát đã thực hành quyền công tố, kiểm sát khởi tố 375.884 vụ án hình sự, tăng 1,2%; kiểm sát việc giải quyết 1,7 triệu vụ, việc dân sự, kinh doanh thương mại, lao động, tăng 22,5% và 33.011 vụ án hành chính, tăng 10,1%.
“Ủy ban Tư pháp (UBTP) nhận thấy, công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ, việc dân sự trong nhiệm kỳ này tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Số lượng kháng nghị phúc thẩm tăng 7,3%. Tỷ lệ kháng nghị phúc thẩm, kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm được Tòa án chấp nhận cơ bản đạt và vượt chỉ tiêu của Quốc hội”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga nói.
UBTP cũng nhận thấy, VKSNDTC đã quan tâm chỉ đạo việc giải quyết đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong tố tụng hình sự, cơ bản kịp thời, đúng trình tự, thủ tục, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị oan. Tuynhiên, vẫn còn một số vụ việc chưa được giải quyết dứt điểm và kéo dài qua nhiều năm; mặc dù có nhiều nguyên nhân khách quan do vụ việc phức tạp, xảy ra đã lâu nên việc thu thập tài liệu, xác minh thiệt hại gặp nhiều khó khăn nhưng các vụ việc này vẫn gây dư luận không tốt, nhiều trường hợp khiếu nại, tố cáo bức xúc, kéo dài.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đánh giá, trong nhiệm kỳ qua, Tòa án nhân dân các cấp đã triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng xét xử các vụ án hình sự. Tỷ lệ giải quyết án đạt 99,5%, vượt 11,5% so với chỉ tiêu của Quốc hội. Đã căn bản khắc phục được việc để án quá thời hạn, hầu hết các vụ án đưa ra xét xử đều trong thời hạn luật định; riêng án kinh tế, tham nhũng, không có vụ án nào để quá thời hạn. Đặc biệt, trong cả nhiệm kỳ, chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người vô tội.
Tuy nhiên, vẫn còn một số trường hợp phải hủy, sửa án do nguyên nhân chủ quan. Một số trường hợp áp dụng tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng, quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt, cho hưởng án treo chưa chính xác.
Thực hiện số hóa hồ sơ và công khai bản án trên internet
Để nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa và phục vụ công tác lưu trữ, tra cứu hồ sơ vụ án, ngành Kiểm sát đã triển khai thực hiện việc “số hóa hồ sơ”; đẩy mạnh phối hợp với Tòa án và đã tổ chức gần 26.000 phiên tòa rút kinh nghiệm; quán triệt thực hiện nghiêm các biện pháp nghiệp vụ của ngành;...
Theo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình, việc công khai bản án, quyết định của Tòa án trên Cổng thông tin điện tử Tòa án nhân dân được các Tòa án trong toàn quốc thực hiện nghiêm túc, thực chất, có hiệu quả và đến nay đã dần đi vào nề nếp với chất lượng các bản án ngày càng tốt hơn.
“Đến nay, đã công bố được hơn 600.000 bản án, quyết định trên internet, thu hút sự quan tâm của nhân dân với tổng lượng truy cập để tìm hiểu về các bản án là hơn 22 triệu lượt người và hàng chục triệu ý kiến bình luận, góp ý đối với các bản án, quyết định. Qua đó đề cao trách nhiệm của Thẩm phán, nâng cao chất lượng xét xử, tạo cơ chế để nhân dân giám sát hoạt động tư pháp”, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết./.
Theo Ngọc Thành-Vân Anh-Hoàng Lê/VOV.VN