Lãnh đạo TP.HCM kiến nghị Thủ tướng nhiều vấn đề 'nóng' về hạ tầng cơ sở

Trong buổi làm việc, TP.HCM đưa ra 3 kiến nghị cụ thể liên quan đến TP Thủ Đức, trong đó có việc hoàn thiện đường trục Bắc - Nam.

 

Tại buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với lãnh đạo TP.HCM về tình hình kinh tế - xã hội Quý 1 năm 2021 và giải quyết một số kiến nghị của Thành phố diễn ra sáng nay (13/5), TPHCM đưa ra 3 kiến nghị liên quan đến TP Thủ Đức, để TP Thủ Đức trở thành một động lực tăng trưởng mới của TPHCM và cả vùng kinh tế phía Nam.

Cụ thể, tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Thành phố tiếp tục thực hiện việc điều chỉnh Dự án xây dựng hạ tầng khu dân cư phía Bắc và hoàn thiện đường trục Bắc- Nam (theo chấp thuận trước đây của Thủ tướng Chính phủ) để bổ sung công trình xây dựng 4 cây cầu; nạo vét rạch, đào hồ trung tâm và các kênh mới vào Dự án BT xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu dân cư phía Bắc (Khu chức năng số 3 và số 4) và hoàn thiện đường trục Bắc - Nam theo thẩm quyền quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Cùng dự với Thủ tướng Phạm Minh Chính có các Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình, Lê Minh Khái, Lê Văn Thành, Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Văn Nên.

Các công trình bổ sung nêu trên sẽ được cân đối thanh toán từ khoản kinh phí tiết kiệm được trong quá trình thi công xây dựng hạ tầng của Dự án và từ khoản tiền mà nhà đầu tư phải nộp bổ sung (nếu có) theo kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước khi xác định lại giá trị quyền sử dụng đất của các lô đất đã giao trước đây.

Ngoài ra, ông Nguyễn Thành Phong cho biết, Thành phố đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về chính sách ưu đãi cho dự án tăng vốn đầu tư của Công ty Intel Products Việt Nam giai đoạn 2. Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp các bộ, ngành và Thành phố có ý kiến với đề xuất của nhà đầu tư.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong báo cáo.

Trên cơ sở đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội giai đoạn 1 và tác động giai đoạn 2 của Dự án, đề xuất của nhà đầu tư, các cam kết, thỏa thuận đã ký với nhà đầu tư, quy định của pháp luật hiện hành và điều kiện khả năng huy động các nguồn lực của Thành phố, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đề xuất của nhà đầu tư cho Dự án giai đoạn 2 của Công ty Intel Products Việt Nam.

Đặc biệt, Chủ tịch UBND TPHCM kiến nghị xây dựng đề án về cơ chế chính sách đặc thù đối với TP Thủ Đức: "Để thành phố Thủ Đức thật sự trở thành một động lực tăng trưởng mới cho Thành phố Hồ Chí Minh và cả Vùng kinh tế phía Nam, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành Trung ương phối hợp Thành phố xây dựng Đề án về cơ chế, chính sách phù hợp đối với thành phố Thủ Đức theo Nghị quyết số 131/2020/QH14 và Nghị quyết số 1111/NQ-UBTVQH14, trình Chính phủ trong quý II năm 2021."

Ngoài ra, tại cuộc họp, ông Nguyễn Thành Phong cũng có một số kiến nghị khác về phân cấp phân quyền cho TP.HCM; gỡ vướng trong quá trình thực hiện Nghị quyết 54; về đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; về quản lý đô thị…

Đối với cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh- Mộc Bài (Tây Ninh), Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong kiến nghị Chính phủ hỗ trợ 100% vốn ngân sách Trung ương để thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng trên địa bàn Thành phố cho Dự án này.

Cụ thể, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ giao UBND TP.HCM làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai thực hiện. Do quy định pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư có thay đổi nên Dự án phải thực hiện trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư; đồng thời chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng tăng theo thời gian, cần thiết phải cập nhật lại:

"Để đẩy nhanh tiến độ của dự án sau khi Thành phố trình báo cáo tiền khả thi, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan rà soát, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để triển khai thực hiện và có thể hỗ trợ 100% vốn ngân sách Trung ương để thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng trên địa bàn Thành phố" - ông Nguyễn Thành Phong nêu kiến nghị.

Quang cảnh buổi làm việc.

Dự án xây dựng đường cao tốc TP.HCM – Mộc Bài (Tây Ninh) có chiều dài 53 km, điểm đầu giao với đường Vành đai 3 của TPHCM theo quy hoạch, điểm cuối tại Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh. Giai đoạn 1 đầu tư 4 làn xe hạn chế với tổng chiều rộng nền đường là 17m.

Về giải phóng mặt bằng, tổng diện tích thu hồi đất của dự án khoảng 432 ha; trong đó, TPHCM khoảng 209 ha, tỉnh Tây Ninh 223 ha, được thực hiện bằng các dự án độc lập theo quy định của Luật Đầu tư công. Thời gian vận hành, thu phí hoàn vốn dự kiến (không bao gồm phần vốn nhà nước hỗ trợ dự án) khoảng 23 năm 8 tháng sau khi hoàn thành đưa dự án vào khai thác. Dự kiến tổng vốn đầu tư 13.613 tỷ đồng.

Liên quan đến dự án này, đại diện UBND tỉnh Tây Ninh cho biết tỉnh đã bố trí kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn 5 tỷ đồng, lựa chọn xong nhà tư vấn đo đạc, thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và tư vấn điều tra, khảo sát, lập phương án thi công tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài; chuẩn bị đầy đủ từ thành lập Ban giải phóng mặt bằng, bố trí nguồn lực. Về mặt thủ tục đã thông qua HĐND tỉnh uỷ quyền cho HĐND TPHCM quyết định chủ trương đầu tư. Tỉnh cũng chủ động phối hợp với các cơ quan có liên quan của TPHCM, các bộ, ngành Trung ương thực hiện các thủ tục, hồ sơ theo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Dự kiến năm 2021 sẽ hoàn tất các thủ tục hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư dự án và tổ chức lập khả thi dự án; bồi thường giải phóng mặt bằng trong năm 2022 để có thể khởi công dự án trong năm 2023 và hoàn thành, đưa dự án vào khai thác sử dụng trong năm 2025.

Trước đó, phát biểu khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, TP.HCM là địa phương đầu tiên mà Chính phủ làm việc sau khi kiện toàn Chính phủ. Buổi làm việc nhằm bàn thảo, giải quyết các nội dung nhằm giúp TP.HCM tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, phát triển hơn nữa./.

Theo VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận