Thủ tướng: Quy hoạch tốt mới có đề án và nhà đầu tư tốt

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, có quy hoạch tốt mới có đề án, dự án tốt, có nhà đầu tư tốt, sử dụng tốt nguồn đầu tư công, phát triển KT-XH hiệu quả.

 

Ngày 19/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác quy hoạch. Dự hội nghị tại đầu cầu trụ sở Chính phủ có các Phó Thủ tướng: Lê Minh Khái, Vũ Đức Đam, Lê Văn Thành; : Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; các Bộ trưởng, Thủ trưởng các ngành, đơn vị liên quan. Dự tại đầu cầu 63 tỉnh, thành phố là Bí thư tỉnh, thành ủy, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố và lãnh đạo các sở, ngành.

Thủ tướng đề nghị các Bí thư, Chủ tịch UBND các tỉnh đang thực hiện giãn cách xã hội thì tiếp tục thực hiện nghiêm, những tỉnh nào không phải giãn cách xã hội thì chi viện nhân lực cho các tỉnh phía Nam, đặc biệt là nâng cao trình độ tay nghề về hồi sức cấp cứu. Chuẩn bị lực lượng sẵn sàng, khi nào cần có thể điều động ngay.

Thủ tướng kêu gọi các địa phương nêu cao tinh thần "tương thân tương ái"; biểu dương các địa phương ủng hộ vật chất cho các tỉnh, thành phố phía Nam, đồng thời nhấn mạnh, lúc này phải giúp đỡ lẫn nhau, đoàn kết, thống nhất, bởi có kiểm soát được tình hình ở TP.HCM mới kiểm soát được dịch bệnh cả nước.

Tại cuộc họp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Luật Quy hoạch và các văn bản hướng dẫn về triển khai lập quy hoạch cho thời kỳ 2021-2030 đã được các cấp có thẩm quyền ban hành cơ bản đầy đủ và đồng bộ để các Bộ, ngành và địa phương triển khai công tác quy hoạch. Việc tổ chức lập các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia đã đạt kết quả bước đầu. Dự kiến trong năm 2021, sẽ có 19/38 quy hoạch ngành quốc gia, 1/6 quy hoạch vùng, 26/63 quy hoạch tỉnh hoàn thành công tác lập, thẩm định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, các quy hoạch còn lại sẽ được hoàn thiện và trình thẩm định trong năm 2022.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Sau khi được phê duyệt, các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia và các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành thời kỳ 2021-2030 sẽ thay thế cho 19.285 quy hoạch các loại phải lập cho thời kỳ trước Luật Quy hoạch được ban hành.

Các Bộ, ngành, địa phương đã từng bước chuyển đổi hoạt động quản lý nhà nước phù hợp quy định của Luật Quy hoạch, theo hướng" Chính quyền là một tổng thể thống nhất", tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin liên ngành, liên cấp trong hoạt động quản lý nhà nước, tạo dựng môi trường kinh doanh công bằng, thông thoáng với điều kiện kinh doanh được đơn giản hóa cho cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Từng bước bãi bỏ các quy hoạch về hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ, thay thế bằng các điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chuyên ngành theo nguyên tắc minh bạch, công khai.

Nội dung và chất lượng công tác quy hoạch sẽ được cải thiện đáng kể so với trước đây, việc áp dụng phương pháp tích hợp quy hoạch khắc phục được sự chồng chéo, xung đột giữa các quy hoạch riêng lẻ; nâng cao sự gắn kết giữa chiến lược - quy hoạch - kế hoạch - đầu tư; mở ra các cơ hội, không gian phát triển mới, hình thành các ngành nghề đầu tư, kinh doanh mới; đảm bảo mục tiêu phát triển cân đối, hiệu quả, bền vững giữa các ngành, vùng lãnh thổ và cả nước.

Bên cạnh những mặt đạt được, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng chỉ rõ những khó khăn trong việc thực hiện triển khai luật Quy hoạch. Đó là việc tổ chức lập các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia là nhiệm vụ mới, phức tạp và lần đầu tiên được triển khai đồng thời ở tất cả các cấp, các ngành, đặc biệt là quy hoạch cấp dưới được lập khi quy hoạch cấp trên chưa được ban hành, dẫn đến nội dung quy hoạch cấp dưới khó cụ thể hóa đầy đủ các quan điểm, mục tiêu, định hướng, phương án phát triển và giải pháp của quy hoạch cấp trên.

Bên cạnh đó diễn biến phức tạp của đại dịch Covid - 19 đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030, các đơn vị tư vấn không tiếp cận được thực địa để khảo sát, nghiên cứu và lập quy hoạch.

Các quy hoạch bám sát vào Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 10 năm; các quy định, quy chế phải bám sát quy hoạch, quy định của Chính phủ. Quá trình làm, vướng ở cấp nào thì cấp đó giải quyết. Quá trình làm bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo, cái gì đã "chín", đã rõ, đã được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình thì triển khai ngay. Cái gì chưa có quy định, vượt qua thực tiễn thì mạnh dạn làm thí điểm, rồi bổ sung, hoàn thiện sau. Quá trình làm mà vướng luật thì phân tích, đề xuất cấp có thẩm quyền.

Về kết nối các quy hoạch, Thủ tướng nhấn mạnh đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết để cùng làm, cùng tháo gỡ, không câu nệ thủ tục hành chính, với tinh thần trách nhiệm cao nhất, không cục bộ, không manh mún mà phải bao quát.

Lưu ý tiến độ chậm, Quốc hội cũng quyết định giám sát tối cao, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương thực hiện, Bí thư cấp uỷ, lãnh đạo chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo bảo đảm tiến độ, chất lượng. Chính phủ sẽ nghiên cứu, sửa đổi và đưa vào Nghị quyết một số Nghị định nên các bộ ngành nghiên cứu nâng cao chất lượng Nghị định, đơn giản thủ tục, giảm thời gian không cần thiết./.

Vũ Khuyên/VOV
 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận