Đẩy lùi dịch bệnh, hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội

Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy phục hồi và phát triển KTXH là các giải pháp tổng thể được Chính phủ và Quốc hội đề ra trong năm 2022.

 

Phòng chống dịch Covid-19 đạt được thành quả quan trọng

Báo cáo trước Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, những tháng vừa qua công tác phòng, chống dịch Covid-19 là ưu tiên hàng đầu trong chỉ đạo, điều hành quyết liệt, mạnh mẽ của Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương; với tinh thần vừa có kế thừa và vừa có đổi mới vì chưa có tiền lệ nên phải bám sát yêu cầu thực tiễn; vừa làm vừa rút kinh nghiệm, bổ sung từng bước hoàn thiện các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với biến chủng mới lây lan nhanh, nguy hiểm hơn theo phương châm: “5K + vaccine + điều trị + công nghệ + đề cao ý thức của nhân dân”. Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực, quyết tâm cao và phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, các địa phương, đặc biệt là các lực lượng tuyến đầu chống dịch như y tế, quân đội, công an và sự đoàn kết, đồng tình ủng hộ, tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp...công tác phòng, chống dịch ngày càng chuyển biến tích cực, hiệu quả hơn.

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, trong gần hai năm qua, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đời sống nhân dân. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự tham gia của toàn quân, toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp chung sức, đồng lòng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, khơi dậy tinh thần tương thân, tương ái trong nhân dân, góp công, góp sức, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách, triển khai quyết liệt, đồng bộ, sáng tạo, linh hoạt nhiều chủ trương, biện pháp để kiểm soát dịch Covid-19 , thực hiện mục tiêu kép, vừa bảo vệ sức khỏe Nhân dân, vừa duy trì phát triển kinh tế - xã hội dần đưa nước ta trở lại trạng thái bình thường mới.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chúng ta đã nỗ lực hết sức mình trong điều kiện có thể vì nguồn lực, năng lực hệ thống y tế còn nhiều hạn chế, bất cập, nhất là ở cấp cơ sở, hầu hết các vật tư, sinh phẩm, thiết bị y tế, đặc biệt là thuốc, vắc-xin trong nước chưa sản xuất được, phải nhập khẩu trong điều kiện nguồn cung khan hiếm trên toàn cầu. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra rằng, công tác phòng, chống dịch do không dự báo được sự nguy hiểm của biến chủng Delta, tấn công vào khu đô thị lớn và các khu công nghiệp nên đã bị bất ngờ, rơi vào thế bị động, lúng túng, nhất là giai đoạn đầu khi dịch bùng phát mạnh ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.

Bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, hỗ trợ người dân vượt qua đại dịch

Đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết năm 2021 nền kinh tế nước ta tiếp tục chịu nhiều tác động tiêu cực do đại dịch Covid-19 . Đảng, Quốc hội đã kịp thời ban hành nhiều chính sách quan trọng, trong đó có các chính sách tài chính nhằm bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua đại dịch. Đặc biệt, việc ban hành Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội có ý nghĩa rất quan trọng, đã tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi trong việc khẩn trương xây dựng, ban hành các chính sách nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành nhiều Nghị quyết thể hiện quyết tâm tập trung nguồn lực NSNN cho phòng chống dịch; nhiều cơ chế, chính sách về miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, chi hỗ trợ trực tiếp người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn, góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ đời sống nhân dân.

Đối với việc chi NSNN cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 , Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách nêu rõ một số điểm cần lưu ý như: Cần tập trung đánh giá toàn diện hiệu quả chính sách đã thực hiện, chỉ rõ các kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, tác động thực tế, tính lan tỏa của các chính sách; Cần báo cáo cụ thể về số vắc-xin được hỗ trợ, viện trợ, dự kiến nhu cầu trong trường hợp dịch kéo dài; Cần công khai việc sử dụng Quỹ vắc-xin; Đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, sản xuất vắc-xin trong nước, đi đôi với bảo đảm chất lượng, an toàn, đáp ứng kịp thời với các biến chủng Covidmới xuất hiện; Cần làm rõ tổng nguồn lực đã chi và kết quả việc sử dụng NSNN trong việc mua sắm vật tư, trang thiết bị, phương tiện phục vụ phòng, chống dịch. Chi thường xuyên ước cả năm vượt dự toán 2,2%, chủ yếu phát sinh các khoản chi cho phòng, chống dịch.

Cơ bản nhất trí với báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị rút kinh nghiệm do vẫn còn tình trạng phân bổ chậm, phân bổ không đúng đối tượng ở một số bộ, ngành trung ương, đặc biệt là các Chương trình Mục tiêu Quốc gia, dẫn đến phải điều chỉnh, cắt, giảm dự toán như thời gian vừa qua.

Về tình hình phát triển kinh tế- xã hội năm 2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, ước năm 2021 dự kiến đạt và vượt 8/12 chỉ tiêu Quốc hội đã đề ra. Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 9 tháng chỉ tăng bình quân 1,82%, cả năm ước tăng dưới mức Quốc hội giao; các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm. Thu ngân sách nhà nước 9 tháng đạt trên 80%, cả năm ước vượt dự toán, cơ bản bảo đảm nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch bệnh và các nhiệm vụ cấp bách khác; bội chi ngân sách nhà nước trong phạm vi dự toán.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính:

Mục tiêu năm 2022,thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của Nhân dân, cùng với tập trung tận dụng tốt cơ hội để thúc đẩy phục hồi và phát triển KTXH với các giải pháp tổng thể kích thích nền kinh tế, hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, không để suy giảm các động lực tăng trưởng trong dài hạn. Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế... Chú trọng phát triển văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, nhất là người có công, người nghèo, người yếu thế. Quản lý chặt chẽ đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó hiệu quả biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, khơi thông các nguồn lực cho phát triển. Đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Củng cố quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh:

Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ báo cáo bổ sung, làm rõ nguyên nhân các khoản thu vượt dự toán, nhất là khoản tăng thu từ đất; đánh giá đầy đủ, tổng quan về nguyên nhân của việc phải lùi thời điểm thực hiện cải cách tiền lương; báo cáo rõ hơn các hoạt động hỗ trợ của các ngân hàng thương mại đối với doanh nghiệp, người dân, người lao động và nguy cơ gia tăng nợ xấu. Đồng thời, báo cáo cụ thể, thực chất tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, thiếu hụt lao động, chuyên gia với số lượng lớn tại một số địa phương, khu công nghiệp; phương án giải quyết tình trạng lao động tự do rời khỏi các tỉnh, thành phố lớn; chính sách thu hút lực lượng này quay trở lại nơi làm việc; giải pháp giải quyết việc làm cho người lao động trở về quê…

 

Bình luận

    Chưa có bình luận