Đảng bộ và nhân dân TP Hà Nội cùng các địa phương trong cả nước vừa trải qua giai đoạn cam go khi phải ứng phó với làn sóng thứ tư của đại dịch Covid-19. Ðây cũng là giai đoạn chứng tỏ tinh thần “Đồng khởi mới” - sức mạnh và bản lĩnh của toàn hệ thống chính trị của TP Hà Nội, cũng như sự ủng hộ, niềm tin vững chắc của nhân dân vào sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sâu sát của cấp ủy, chính quyền các cấp để đồng lòng vượt qua gian khó.
Nhận thức sâu sắc vị thế là Thủ đô - trái tim của cả nước, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Hà Nội đã và đang kiên trì: Nhận thức rõ - Quyết tâm cao, nhất quán tinh thần đoàn kết, vững tin đưa thành phố trở lại cuộc sống bình thường mới.
Bảo vệ Thủ đô bằng mọi giá
Còn nhớ, thời điểm cuối tháng 4, làn sóng dịch Covid-19 bùng phát trở lại ở nhiều tỉnh thành trong cả nước. Trước nguy cơ hiện hữu, Hà Nội đã nhanh chóng thực hiện giãn cách xã hội với phương châm “giữ vững Thủ đô bằng mọi giá”.
Bà Bùi Huyền Mai, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, việc bảo vệ thủ đô trước diễn biến của đại dịch Covid-19 là yêu cầu đầu tiên và rất quan trọng, bởi không chỉ cho Hà Nội mà bảo vệ cho công tác chống dịch chung của toàn vùng Thủ đô nói chung cũng như toàn miền Bắc. Vì thế, ngay khi đối mặt với làn sóng dịch thứ tư, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố vững vàng với những quyết tâm chính trị rất cao. Có thể nói đó là thời điểm không thể nào quên được. Và chỉ đạo thông suốt nhất quán từ Thành ủy Hà Nội tới tất cả các cấp ủy đảng, chính quyền, người dân đó là bảo vệ Thủ đô bằng mọi giá. Trong mọi quá trình, phải đảm bảo huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt huy động được nguồn lực từ nhân dân.
Để có được sự chủ động này, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho rằng, đó là việc Đảng bộ, chính quyền thành phố Hà Nội đã xác định từ đầu phải huy động được lực lượng từ cơ sở và sức dân trong suốt quá trình chống dịch. Và người dân Hà Nội cũng đã thể hiện rõ bản lĩnh, vai trò, vị trí của mình trong công cuộc phòng chống dịch.
“Ngay từ đầu, khi số F0 tăng từng ngày, Hà Nội đã có những mô hình sáng tạo từ cơ sở, người dân chủ động lập và giữ chốt, và những mô hình này đã được nhân rộng thành những chốt vùng xanh, bắt đầu từ phường Mai Động, quận Hoàng Mai, trên địa bàn thành phố đã có hàng ngàn chốt vùng xanh như thế. Người dân, đoàn viên thanh niên, hội viên cựu chiến binh, phụ nữ hàng ngày thay phiên nhau tham gia giữ chốt, và chính họ chính là những người đã bảo vệ sự bình yên của từng khu phố, ngõ xóm. Đây chính là nền tảng góp phần vào công cuộc chống dịch thắng lợi của Thủ đô”, bà Bùi Huyền Mai thông tin.
Đợt dịch thứ 4 bùng phát, Hà Nội là một trong những địa bàn có nguy cơ bùng phát rất cao bởi lẽ bốn phía bao quanh Hà Nội, các địa phương đều có dịch bùng phát rất lớn; chưa kể các dòng di chuyển người dân từ các trung tâm kinh tế đã bùng phát dịch về Hà Nội cũng rất lớn, nguy cơ mang theo mầm dịch về thành phố. Trong khi Hà Nội là nơi tập trung đông dân cư, nhiều khu vực có mật độ dân cư rất cao. Vì thế nếu có mầm mống dịch, khả năng lây lan rất mạnh, nguy cơ của Hà Nội không thua kém TP.HCM và nhiều vùng đã bùng phát dịch nặng.
Đánh giá về những giải pháp rất cụ thể, kịp thời của Hà Nội khi đối mặt với dịch bệnh chưa từng có tiền lệ, ông Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nhấn mạnh, bao quanh Hà Nội, các nơi đều bùng phát dịch thì Hà Nội vẫn an toàn. Rõ ràng đây là thành công rất lớn.
Nhiều đại biểu Quốc hội cũng bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ quyết định sáng suốt, kịp thời và chủ động của Hà Nội, đồng thời mong muốn thành phố sẽ luôn bình tĩnh, đánh giá, dự báo chính xác tình hình để đề ra những giải pháp đúng, trúng, phù hợp với từng thời điểm, không để vượt tầm kiểm soát.
Có những thời điểm, khắp các ngõ phố của Hà Nội liên tục xuất hiện các chốt kiểm soát phòng chống dịch Covid-19, từ chốt vùng xanh, vùng không có dịch đến các chốt kiểm soát khác, chốt cứng, chốt mềm trong một nỗ lực quyết tâm cùng Thủ đô tận dụng quãng thời gian thực hiện giãn cách xã hội để nhanh chóng kiểm soát, khống chế dịch vừa đảm bảo phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế xã hội.
Từ phương pháp chống dịch bằng mô hình kiểm soát dịch 3 lớp được áp dụng tại huyện Đông Anh, có thể thấy việc Hà Nội đẩy mạnh phân cấp phân quyền cho các cấp, ngành, các địa phương, đã phát huy được tinh thần chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của cán bộ các cấp trong công tác phòng chống dịch.
Từ không Covid-19 sang thích ứng an toàn, linh hoạt
Theo bà Bùi Huyền Mai, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy, để thực hiện giải pháp chuyển trạng thái từ không Covid-19 sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh, Đảng bộ, chính quyền thành phố luôn đặt công tác chỉ đạo phòng chống dịch là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của hệ thống chính trị thành phố Hà Nội trong giai đoạn hiện nay. Thành phố cũng đã tổng kết công tác ứng phó với đợt dịch lần thứ 4 vừa qua để rút ra bài học kinh nghiệm, đồng thời phát huy những kết quả đạt được, để làm sao có thể ứng phó hiệu quả hơn trong thời gian sắp tới.
Khẳng định Hà Nội xuyên suốt quan điểm phải bảo vệ từ sớm, từ xa, bà Bùi Huyền Mai cho biết, thành phố xác định tiếp tục phải thu dung, điều trị F0 tại các cơ sở y tế, F0 thể nhẹ điều trị tại nhà. Đồng thời cách ly F1 ở nhà nếu có đủ điều kiện, đảm bảo các yêu cầu về độ tiêm phủ vaccine; Linh hoạt trong việc mở các dịch vụ phục vụ người dân trên địa bàn thành phố, nhưng yêu cầu người dân tuân thủ việc quét mã QR và 5K.
“Chỉ có bằng các biện pháp đôn đốc, kiểm tra, giám sát từ chính quyền đồng thời là sự hợp tác của người dân mới có thể đạt được kết quả tốt liên quan phòng chống dịch”, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy nhấn mạnh.
Tời điểm này, diễn biến dịch Covid-19 vẫn khó lường, tuy nhiên, Hà Nội đang dần trở về “trạng thái bình thường mới”. Thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ, đưa Thủ đô về trạng thái bình thường mới, đòi hỏi mỗi người dân, mỗi đảng viên, từng cấp ủy, chính quyền, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý phải có tư duy mới, tầm nhìn mới, cách làm mới. Tình thế này đặt ra những nhiệm vụ mới cho từng cấp ủy để đảm bảo an toàn hoạt động sản xuất kinh doanh, nhằm phục hồi phát triển kinh tế-xã hội.
Theo ông Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, quan trọng hàng đầu vẫn là tiêm phủ vaccine. Đó là "công cụ" để phòng chống dịch an toàn. Cần trang bị vaccine cho những ai chưa được tiêm, đặc biệt ưu tiên khu vực nhà máy, các khu công nghiệp, các đơn vị dịch vụ ... Bên cạnh đó, Hà Nội phải thực hiện kiểm soát dịch thông qua xét nghiệm, thông qua tự kiểm soát di chuyển để vừa bảo vệ an toàn toàn cho người dân, cho người lao động nhưng đồng thời cũng đảm bảo vệ, tránh lây nhiễm cho cộng đồng. Yếu tố thứ hai là bảo đảm an toàn cho các khu công nghiệp, khu kinh tế. Cần hỗ trợ cho người lao động có nơi ăn ở, sinh hoạt ổn định, đảm bảo điều kiện vệ sinh, tốt nhất là gần các cơ sở công nghiệp để tiện di chuyển. Việc này vừa tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động, cho doanh nghiệp, nhưng đồng thời cũng bảo đảm an toàn cho thành phố./.
Nguyễn Hằng/VOV1