Giám sát tại 5 địa phương có công dân khiếu nại đông người, phức tạp

Đoàn giám sát chuyên đề của UBTVQH sẽ tiến hành giám sát tại 5 tỉnh, thành phố có công dân khiếu nại đông người, phức tạp.

 

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 9, chiều 14/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Kết quả giám sát bước đầu chuyên đề “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1/7/2016 đến ngày 1/7/2021” và dự kiến đơn vị, địa phương để tiến hành giám sát thực tế.

Giám sát thực tế tại 5 tỉnh, thành; làm việc với 8 bộ

Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình - Phó trưởng đoàn thường trực Đoàn giám sát cho biết , để hoạt động giám sát đảm bảo tính khách quan, thực tiễn, Đoàn giám sát dự kiến thành lập 2 Đoàn giám sát tại 5 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Lào Cai, Thành phố Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Kiên Giang là các địa phương có công dân khiếu nại đông người, phức tạp.

Đây cũng là những địa phương có nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo, tranh chấp liên quan đến đất đai; về quản lý và vận hành nhà chung cư thương mại; về thực hiện chính sách đối với người có công; về việc thực hiện chuyển đổi chợ dân sinh thành các Trung tâm thương mại (kể cả việc xây dựng lại chợ)…

Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình. Ảnh: Quốc hội

Ngoài các nội dung báo cáo theo đề cương chung, Đoàn giám sát tổ chức 8 buổi làm việc với 8 Bộ ngành: Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Xây dựng; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Bộ Tư pháp; Bộ Công an; Thanh tra Chính phủ; Tòa án nhân dân tối cao; Viện kiểm sát nhân dân tối cao về một số nội dung.

Cũng theo ông Dương Thanh Bình, tính đến ngày 11/3/2022, Đoàn giám sát đã nhận được đầy đủ báo cáo của các cơ quan thuộc đối tượng giám sát, 55/63 báo cáo của HĐND tỉnh, thành phố và 1 báo cáo kết quả giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội Sóc Trăng.

“Việc báo cáo của các cơ quan thuộc đối tượng giám sát còn chậm, chưa đảm bảo tiến độ theo yêu cầu. Một số UBND tỉnh báo cáo chưa đúng, chưa đủ nội dung theo đề cương, biểu mẫu. Số ngày tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu còn nêu chung chung, chưa nêu cụ thể số ngày tiếp định kỳ; chưa đánh giá đầy đủ trách nhiệm, hiệu quả tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu, việc ủy quyền cho cấp phó tiếp” - báo cáo cho biết.

Còn tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm

Báo cáo của Đoàn giám sát cho thấy, so với giai đoạn 2011-2016, số lượt người đến cơ quan hành chính nhà nước các cấp để khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tăng 67,6%; số lượt đoàn đông người tăng 9,2% nhưng số vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan nhà nước giảm 16,1%.

Trong đó, khiếu nại giảm 4,8% số đơn và 25,7% số vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính nhà nước; tố cáo tăng 99,3% số đơn và 27,4% số vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính nhà nước.

Tình trạng khiếu kiện vượt cấp, gửi đơn không đúng cơ quan có thẩm quyền còn diễn ra khá phổ biến, nhất là cấp Trung ương.

Nguyên nhân chủ yếu làm phát sinh khiếu nại, tố cáo là văn bản pháp luật và công tác quản lý chưa theo kịp thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong các lĩnh vực đất đai, môi trường, đầu tư xây dựng.

“Còn tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, ngại va chạm, không tổ chức tiếp công dân, đối thoại với dân; thiếu quyết liệt, công tâm, khách quan trong giải quyết dẫn đến vụ việc không được giải quyết dứt điểm, trở thành vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài..” – Đoàn giám sát chỉ rõ.

Về việc thực hiện rà soát lại việc giải quyết đối với các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài thuộc lĩnh vực hành chính, Đoàn giám sát cho biết, cơ quan hành chính các cấp đã lập danh sách 1.052 vụ việc để rà soát. Đến nay các cơ quan đã thực hiện rà soát xong 940 vụ việc, đạt tỷ lệ 89,35%, trong số 940 vụ việc đã rà soát, qua theo dõi có 120 vụ việc công dân còn tiếp khiếu.

Theo báo cáo của Bộ Công an, trong 501 vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự, công an địa phương đã phối hợp với ban ngành tham gia giải quyết ổn định và tạm ổn định 51 vụ việc.

Thời gian tới, Đoàn giám sát sẽ tập trung đánh giá, tham gia ý kiến về từng vụ việc cụ thể; phân loại các vụ việc theo các nhóm và sẽ lập danh sách các vụ việc cụ thể để đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội tiếp tục theo dõi, giám sát việc thực hiện kiến nghị, định kỳ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại các Phiên họp định kỳ hàng tháng và kỳ họp cuối năm của Quốc hội./.

Theo VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận