Đó là thắng lợi của lòng quả cảm, sự hy sinh, tinh thần quyết tâm vượt qua muôn vàn gian khó của quân và dân cả nước nói chung và hàng vạn người con Yên Bái nói riêng.
"Dốc Pha Đin chị gánh, anh thồ
Đèo Lũng Lô anh hò, chị hát
Dù bom đạn xương tan thịt nát
Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh”
Những câu thơ trên, trong bài thơ "Hoan hô chiến sĩ Điện Biên" của nhà thơ Tố Hữu đã nói lên tinh thần chiến đấu anh dũng, ngoan cường trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 ở đèo Lũng Lô nằm trên Quốc lộ 37, tại ranh giới hai huyện Văn Chấn (Yên Bái) và Phù Yên (Sơn La).
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Trung ương Đảng quyết định mở con đường 13A bắt đầu từ Bến Hiên (tỉnh Tuyên Quang), vượt qua Bến Âu Lâu (Yên Bái), đi qua đèo Lũng Lô tới ngã ba Cò Nòi (tỉnh Sơn La), nối với đường 41 phục vụ cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Tuyến đường mà công binh và dân công phải mở dài trên 120 km, địa hình chủ yếu là núi cao, vực sâu, đi qua 3 con sông lớn là sông Chảy, sông Hồng và sông Đà.
Xác định rõ nhiệm vụ chính trị là đảm bảo thông suốt mạch máu giao thông ra chiến trường, ngay từ tháng 4/1953, theo yêu cầu của Bộ Tổng tham mưu, tỉnh Yên Bái đã quyết định thành lập cung đường 13; huy động hơn 124.000 lượt dân công tham gia mở đường. Nhân dân địa phương đã tự nguyện quyên góp hàng nghìn cây gỗ, hàng vạn cây tre, bương, vầu, cột nhà... để lót đường, bắc cầu thông xe, vận tải quân lương vào chiến dịch.
Sau hơn 200 ngày đêm nỗ lực, tuyến đường qua đèo Lũng Lô được thông suốt, nối chiến khu Việt Bắc và các tỉnh Tây Bắc đã giúp hàng vạn ô tô, xe thồ chở vũ khí tiếp ứng đầy đủ, kịp thời cho chiến trường.
Trước tình hình đó, thực dân Pháp đã ném xuống khu vực đèo Lũng Lô gần 12.000 tấn bom; có những ngày lên tới 200 quả. Tuy nhiên, với tinh thần tất cả cho tiền tuyến, hàng vạn lượt người đã bất chấp bom rơi đạn nổ, vượt qua hiểm nguy ngày đêm bám đường. Địch phá, ta lại sửa ta đi; địch phá đoạn này, ta mở đoạn khác; địch phá ban ngày, ta mở đường vào ban đêm... Hàng vạn tấn quân lương, quân trang vũ khí đạn dược, hàng chục nghìn tấn lương thực, thực phẩm tập kết ở khu vực Thượng Bằng La đã vượt đèo vào chiến trường và được bảo vệ an toàn.
Là người trực tiếp chỉ huy Trung đội B76, Đại đội C86 huyện Văn Chấn tham gia bảo vệ tuyến đường huyết mạch đèo Lũng Lô, ông Hoàng Kim Tường ở thôn Muỗng, xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn (Yên Bái) vẫn còn vẹn nguyên ký ức về những năm tháng mưa bom, bão đạn. Dù gian khổ, nguy hiểm, nhưng ông cùng những đồng đội của mình vẫn ngày đêm đảm bảo an toàn cho dân công tải lương, tải đạn qua đèo để chi viện cho tiền tuyến.
Ông Hoàng Kim Tường cho biết: "Lực lượng chúng tôi phải bảo vệ từ cây số 53 đến đỉnh đèo suốt 3 tháng, rất gian khổ nhưng không bảo vệ không được. Nên chúng tôi quyết tâm bảo vệ, phải giữ vững cả an ninh trật tự và nhiều vấn đề khác".
Ngày 27/4/2011, Đèo Lũng Lô - cung đường huyền thoại, minh chứng hào hùng của lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam đã được Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia.
Dù sinh ra và lớn lên trong thời kỳ đất nước hòa bình, thống nhất; không được chứng kiến thời khắc ấy, nhưng các thế hệ trẻ của tỉnh Yên Bái nói chung và xã Thượng Bằng La nói riêng luôn biết ơn và tự hào về công lao của các thế hệ cha ông đã làm nên cung đường huyền thoại, góp phần quan trọng vào chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm Châu, chấn động địa cầu", đem lại nền độc lập, tự do cho dân tộc.
Em Nguyễn Thị Hoàng Yến, đoàn viên xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn nói: "Chúng em sẽ cố gắng cùng nhau học tập, phát huy các truyền thống tốt đẹp của cha ông. Tham gia các cuộc vận động, hưởng ứng các phong trào của Đoàn, của xã".
Xã Thượng Bằng La - nơi có tuyến đường đèo Lũng Lô đi qua là một trong những địa phương đầu tiên của huyện Văn Chấn cán đích nông thôn mới vào năm 2016. Trong quá trình thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao hiện nay, xác định vấn đề cốt lõi là nâng cao thu nhập cho người dân, xã đã tập trung vận động nhân dân đẩy mạnh phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; trong đó, ngoài xây dựng thành công vùng cây ăn quả có múi theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung với trên 500 ha, xã đã và đang thực hiện nhiều dự án phát triển sản xuất nông nghiệp khác cho hiệu quả kinh tế cao.
Ông Hoàng Đình Mưu, Chủ tịch UBND xã Thượng Bằng La cho biết: đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã mỗi năm đã đạt trên 44,5 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn dưới 1,8%... "Xã đã rất tập trung để giải quyết được vấn đề hộ nghèo. Đối với địa phương hiện nay, một số hộ tương đối khó khăn. Cùng với sự hỗ trợ của địa phương và cấp trên thì họ cũng đã phấn đấu để thoát nghèo".
Trong công cuộc đổi mới, Đèo Lũng Lô hôm nay là con đường giao thông quan trọng giúp xã Thượng Bằng La và các địa phương khác trong vùng Tây Bắc giao thương, buôn bán, đưa các sản phẩm vươn xa ra thị trường; qua đó, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, xứng đáng với những hy sinh to lớn của lớp lớp các thế hệ cha ông năm nào./.
Đinh Tuấn/VOV-Tây Bắc