Vì sao tham nhũng, tiêu cực liên quan đến đất đai vẫn gia tăng?

Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, nhưng trao thẩm quyền định đoạt cho một số cương vị lãnh đạo thuộc bộ máy hành chính.

 

Khi bộ máy hành chính có quyền quyết định cả về đất đai và giá trị đất đai thì có thể bị lợi ích chi phối...

Đất đai là tài sản đặc biệt của quốc gia, là tư liệu sản xuất cơ bản, là tài nguyên quý giá, là nguồn sống của nhân dân và nguồn lực to lớn của đất nước thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Tuy nhiên trong thực tiễn, nguồn lực đất đai chưa được phát huy đầy đủ để trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế xã hội. Tại nhiều địa phương, việc sử dụng đất còn lãng phí, hiệu quả thấp, tệ tham nhũng, tiêu cực liên quan đến đất đai chậm được đẩy lùi, thậm chí gia tăng. Thực trạng này đòi hỏi cần có những đổi mới mạnh mẽ hơn chính sách pháp luật về đất đai.

Chỉ cần gõ từ khóa “tham nhũng đất đai” trên công cụ tìm kiếm Google sẽ xuất hiện hàng trăm ý kiến, thông tin, bài viết về tình trạng tham nhũng gia tăng về số lượng, tính chất ngày càng nghiêm trọng về thiệt hại cho Nhà nước lên đến hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng, trong đó đặc biệt lo ngại và bức xúc nhất là tham nhũng đất đai với hàng loạt các vụ việc nổi cộm, từ vụ Vũ "nhôm" , Út "trọc", vụ Thủ Thiêm, TP.HCM, vụ truy tố xét xử 2 cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, vụ cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam liên quan đến bán đất công gây thiệt hại cho Nhà nước hàng trăm tỷ đồng… dư luận đặt ra hàng loạt câu hỏi, tại sao tham nhũng trong lĩnh vực đất đai có xu hướng gia tăng và tính chất ngày càng nghiêm trọng? Tại sao việc xử lý tham nhũng đất đai quyết liệt, không có vùng cấm mà tình trạng này dường như chưa hạ nhiệt? Tham nhũng đất đai bắt nguồn từ nguyên nhân nào?

Theo ông Lê Thanh Vân, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội, pháp luật quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân, nhưng trao thẩm quyền định đoạt cho một số cương vị lãnh đạo thuộc bộ máy hành chính. Khi bộ máy hành chính có quyền quyết định cả về đất đai và giá trị đất đai thì có thể bị lợi ích chi phối, lúc này chỉ trông chờ vào đạo đức của người có thẩm quyền quyết định.

Ông Lê Thanh Vân, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội.“Tham nhũng liên quan đến thực hiện chính sách pháp luật về đất đai có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính vẫn là năng lực, trình độ của cán bộ lãnh đạo các cấp ở chỗ nhận thức tính đúng đắn về chủ trương, chính sách pháp luật về đất đai không đến nơi đến chốn cộng với phẩm chất yếu kém, cố ý làm sai, sa vào vòng lao lý. Sự mâu thuẫn chồng chéo trong quy định của pháp luật cũng là nguyên nhân dẫn đến việc áp dụng không đúng, thậm chí là kẽ hở để cho những kẻ nắm giữ quyền lực tham nhũng”, ông Lê Thanh Vân nói.

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng, mặc dù thời gian qua, Nhà nước đã sửa đổi pháp luật trong quản lý đất đai, tuy nhiên thực tế vẫn còn những tồn tại, bất cập; những lỗ hổng trong Luật Đất đai và các văn bản dưới luật đã bị các nhóm lợi ích thao túng, lợi dụng để chiếm đoạt, làm giàu bất chính. Bên cạnh đó còn "lỗ hổng" trong kiểm soát quyền lực, nhiều người được giao quản lý đất đã tự ý thu hồi đất, cấp đất, giao đất, bán đất, tình trạng này xảy ra ở không ít địa phương trong cả nước.

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội.“Việc quản lý đất công liên quan đến nhiều văn bản pháp luật và những văn bản pháp luật này đang mâu thuẫn, chồng chéo nhau, đặc biệt, việc xác định giá đất khi giao đất hay chuyển quyền sử dụng đất để tính quyền lợi của Nhà nước vẫn còn khó khăn. Đến nay, việc xác định giá đất vẫn chưa chính xác; thứ hai là quy trình để giao đất thì thông qua đấu giá nhưng hoạt động đấu giá lại được giao cho chính quyền địa phương thực hiện, không có cơ chế giám sát của bên thứ ba cho nên những sai phạm, vi phạm về đất đai đã diễn ra khi cán bộ quản lý đất đai yếu kém về chuyên môn nghiệp vụ hoặc có yếu tố tư lợi, đất công “chảy máu" đã chuyển sang quyền quản lý của các tổ chức cá nhân khác”, luật sư Cường phân tích.

Trong thực tiễn, các vụ án tham nhũng về đất đai thường chỉ bị phát hiện sau khi hành vi tham nhũng đã hoàn thành, vì vậy việc xử lý khó khăn hơn và thiệt hại cũng lớn hơn. Nguyên nhân chủ yếu là do người dân không thể thực hiện quyền giám sát của mình mà pháp luật đã quy định, cho nên khó phát hiện ngay tham nhũng. Bên cạnh đó, UBND, cấp có thẩm quyền vừa thực hiện quyền quyết định về đất đai với vai trò đại diện cho sở hữu toàn dân và vừa thực hiện quyền quản lý đất đai, tức là “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, vì thế không thể phát hiện tham nhũng kịp thời.

Theo nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Hùng Võ, hiện nay thể chế quản lý về đất đai chưa phù hợp với kinh tế thị trường. UBND cấp tỉnh có thẩm quyền quyết định cả về hành chính, quy hoạch và tài chính là một thể chế tập trung quyền lực quá lớn trong khi quyền lực chưa được kiểm soát và chứa đựng rủi ro tham nhũng.

Vì thế, nguyên Thứ trưởng Đặng Hùng Võ cho rằng “cần phải tách ra hai hệ thống, hệ thống quyết định về đất đai do địa phương nắm; còn hệ thống quản lý đất đai phải do Trung ương tập trung nắm. Tài chính đất đai do Bộ Tài chính nắm; quy hoạch sử dụng đất do Bộ Kế hoạch-Đầu tư nắm; còn Bộ Tài nguyên-Môi trường chỉ nắm về hành chính đất đai. Tức là, hệ thống đăng ký phải do các đơn vị của Trung ương quản; còn quyết định về đất đai, giao cho ai làm gì là quyền của địa phương, đại diện cho sở hữu toàn dân”.

Tham nhũng nói chung và tham nhũng liên quan đến đất đai nói riêng là rào cản cho sự tăng trưởng bền vững của đất nước. Đảng và Nhà nước đã khẳng định quyết tâm chính trị và hành động quyết liệt không khoan nhượng trên mặt trận nóng bỏng này. Để phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực đất đai hiệu quả, việc rà soát, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về đất đai có ý nghĩa quan trọng nhằm khắc phục những bất cập hạn chế, đồng thời “bịt” những kẽ hở trong chính sách đất đai, không để các tổ chức, cá nhân lợi dụng./.

Quang Chính/VOV1
 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận