Chủ tịch nước: Cần nâng tầm uy tín của Giải thưởng Hồ Chí Minh vươn tầm thế giới

Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ là hai Giải thưởng cao quý nhất được Nhà nước ghi nhận, tôn vinh, trao tặng các nhà khoa

 

Tối 23/11, tại Nhà hát lớn Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Lễ trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ đợt 6 cho 12 công trình, cụm công trình được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và 17 công trình, cụm công trình tặng Giải thưởng Nhà nước.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu tại buổi lễ. Cùng dự có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo một số bộ, ban, ngành; các nhà khoa học; tác giả, đồng tác giả các công trình, cụm công trình được tặng Giải thưởng…

Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ là hai Giải thưởng cao quý nhất được Nhà nước ghi nhận, tôn vinh, trao tặng các nhà khoa học, tác giả, đồng tác giả của các công trình đặc biệt xuất sắc và có giá trị cao về Khoa học và Công nghệ, có tác dụng lớn và lâu dài trong đời sống nhân dân, góp phần quan trọng và thiết thực phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và sự nghiệp phát triển Khoa học và Công nghệ của đất nước. Giải thưởng được triển khai từ năm 1996, cho đến nay đã có 6 đợt xét tặng.

29 công trình, cụm công trình được trao giải lần này vừa mang tính lý luận sâu sắc vừa mang tính thực tiễn cao, được áp dụng hiệu quả trong cuộc sống, có đóng góp lớn, tạo đột phá cho phát triển kinh tế xã hội và hội nhập quốc tế. Một số công trình tiêu biểu được trao giải thưởng Hồ Chí Minh như: Tự điển chữ Nôm dẫn giải; Nghiên cứu chọn tạo và phát triển giống lúa thơm Sóc Trăng: ST24 và ST25 giai đoạn 2008-2016; Nghiên cứu công nghệ nghiền khô siêu mịn, nâng cao mức độ tự động hóa và hiệu quả sử dụng nhiệt trong sản xuất ngói cao cấp; Tối ưu hóa công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ ở vùng có nguồn lực hạn chế: từ nghiên cứu đến triển khai ứng dụng… Một số công trình được trao giải thưởng nhà nước như: Phong trào chống chủ nghĩa thực dân ở Việt Nam;Chế độ ruộng đất ở Việt Nam thế kỷ XI-XVIII; Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, lý luận bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa và đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng…

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc biểu dương sự nỗ lực phấn đấu, kết quả và thành tích xuất sắc mà các nhà khoa học đã đạt được và chúc mừng 281 tác giả, đồng tác giả được tặng các giải thưởng. Nêu một số vấn đề đặt ra đối với nền khoa học công nghệ nước nhà, Chủ tịch nước cho rằng, cả Nhà nước và và khu vực tư nhân cần nhận thức đúng tầm quan trọng của đầu tư cho khoa học công nghệ và ưu tiên chi cho khoa học công nghệ một cách tương xứng hơn, hiệu quả hơn.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao Giải thưởng Hồ Chí Minh cho tác giả, đại diện tác giả, đại diện đồng tác giả của 12 công trình, cụm công trình được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)Chủ tịch nước nói: "Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: “Tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương Khoa học và Công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại...” Để hiện thực hóa các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước theo tinh thần Nghị quyết của Đảng, đòi hỏi các ngành, các cấp, các nhà khoa học và tất cả chúng ta phải suy nghĩ nhiều hơn, hành động nhiều hơn. Việt Nam chúng ta cần phải có một bước chuyển đổi về chiến lược để thúc đẩy nghiên cứu khoa học, ứng dụng kết hợp với phát triển công nghệ trong một số ngành, lĩnh vực có thế mạnh. Phải làm tốt hơn nữa sự phối hợp giữa nhà nước và xã hội, giữa nội lực và ngoại lực trong phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; xác định đây là lực lượng sản xuất trực tiếp, là động lực chính của mô hình phát triển kinh tế - xã hội, là nền tảng để phát triển nhanh và bền vững đất nước".

Theo đó, Chủ tịch nước đề nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế chính sách thúc đẩy nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo, đặc biệt là trong khu vực doanh nghiệp. Cùng với đó, đề xuất các cơ quan có thẩm quyền tăng tỷ lệ chi ngân sách trong tổng chi ngân sách hàng năm cho lĩnh vực khoa học công nghệ; có chính sách khuyến khích đủ mạnh để khu vực tư nhân tăng tăng chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển; Tiếp tục cải cách quy định và thủ tục, cơ chế, chính sách hỗ trợ nhằm thu hút các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư thành lập các tổ chức nghiên cứu, các đơn vị học thuật, khuyến khích chuyển giao công nghệ…

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao Giải thưởng Hồ Chí Minh cho tác giả, đại diện tác giả, đại diện đồng tác giả của 12 công trình, cụm công trình được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)Chủ tịch nước cũng đề nghị phát huy mạnh mẽ vai trò của các trường đại học, viện nghiên cứu trong việc tăng cường nền tảng vốn con người cho nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo; quan tâm thỏa đáng đối với đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ; vừa để phát huy hết tài năng và khả năng sáng tạo. Đi liền với đó là có chế độ đãi ngộ thỏa đáng đối với đội ngũ trí thức, nhà khoa học, nhất là các nhà khoa học đạt các giải thưởng danh giá trong nước và quốc tế; có chính sách hấp dẫn và cạnh tranh nhằm thu hút các nhà khoa học quốc tế có uy tín đến làm việc và sinh sống ở Việt Nam.

Đề cập mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam là quốc gia có công nghiệp hiện đại, thuộc nhóm 15 quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới, Chủ tịch nước cho rằng, các Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ cần là một hoạt động trong chuỗi các nỗ lực thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia, phát triển nền công nghiệp hiện đại của nước nhà.

Chủ tịch nước nói: "Đằng sau các giải thưởng phải là các hoạt động liên kết, dẫn dắt đổi mới sáng tạo giữa các nhà khoa học, nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp. Hoạt động trao giải cần là sự kiện truyền cảm hứng cho đội ngũ nhân lực khoa học và công nghệ trình độ cao, khuyến khích cả xã hội gia tăng đầu tư cho hoạt động đổi mới sáng tạo. Nhân sự kiện này, tôi đề nghị xem xét, nâng tầm uy tín của giải thưởng Hồ Chí Minh hơn nữa để vươn ra khu vực và thế giới. Mở rộng phạm vi giải thưởng trao cho các nhà khoa học quốc tế có những đóng góp bằng các nghiên cứu giá trị về Việt Nam trong tất cả các lĩnh vực. Tôi mong muốn Việt Nam ngày càng có nhiều nhà khoa học hơn nữa đạt các giải thưởng quốc tế có uy tín, vinh danh nền khoa học nước nhà, góp phần làm rạng danh trí tuệ Việt Nam, đóng góp vào kho tàng tri thức, khoa học, công nghệ của nhân loại".

Chủ tịch nước tin tưởng rằng, các tổ chức, cá nhân nhận giải thưởng hôm nay sẽ không dừng lại, không thỏa mãn với những thành tựu đã đạt được mà tiếp tục đi sâu nghiên cứu, phát huy trí tuệ và bản lĩnh để chinh phục những đỉnh cao mới, góp phần đưa nền khoa học nước nhà tiệm cận với trình độ khoa học và công nghệ tiên tiến khu vực và thế giới, tiếp tục có nhiều công trình có giá trị cao hơn nữa, góp phần đưa đất nước ta phát triển nhanh và bền vững./.

Vũ Dũng/VOV

 

Bình luận

    Chưa có bình luận