Sáng 7/12, Kỳ họp thứ 10 (kỳ họp thường lệ), HĐND thành phố Hà Nội khoá XVI, nhiệm kỳ 2021-2026 đã chính thức khai mạc. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cùng lãnh đạo các cơ quan Trung ương, lãnh đạo Thành phố, lãnh đạo các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã, đại biểu HĐND Thành phố tham dự phiên khai mạc.
Xem xét, thảo luận và thông qua 20 báo cáo, 9 nghị quyết thường kỳ và 14 nghị quyết chuyên đề
Diễn ra từ 7-10/12, Kỳ họp sẽ xem xét 44 nội dung, gồm 22 báo cáo và 22 nghị quyết. Trong đó có việc xem xét các báo cáo của UBND thành phố, gồm: Tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 của thành phố Hà Nội; đánh giá tình hình thực hiện ngân sách của thành phố Hà Nội năm 2022; dự toán ngân sách địa phương và phân bổ ngân sách cấp thành phố Hà Nội năm 2023; tổng quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021 của thành phố Hà Nội; báo cáo tài chính nhà nước thành phố Hà Nội năm 2021...
Phát biểu khai mạc Kỳ họp, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh: "Kỳ họp HĐND Thành phố tiếp tục được đổi mới, nâng cao chất lượng theo hướng thực chất, hiệu quả, giảm thời gian trình bày các báo cáo, tờ trình, dành thời gian cho hoạt động thảo luận tại Tổ và tại Hội trường; dành thời gian 1 ngày cho Phiên chất vấn, trả lời chất vấn. Đây là những hoạt động quan trọng của nghị trường nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm và trí tuệ của đại biểu, đại diện cho cử tri, Nhân dân Thủ đô để trao đổi, thảo luận các nội dung quan trọng của kỳ họp".
Bên cạnh việc xem xét các báo cáo thường lệ, tại Kỳ họp này, HĐND thành phố Hà Nội sẽ xem xét các 4 báo cáo chuyên đề gồm: Báo cáo về tình hình thực hiện Kế hoạch đầu tư công năm 2022, Kế hoạch đầu tư công năm 2023 và cập nhật, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 của TP Hà Nội; Kế hoạch tài chính - ngân sách 3 năm 2023-2025 của TP Hà Nội.
Cho ý kiến về kết quả thực hiện Nghị quyết số 04/NQ-HĐND ngày 8/4/2022 ngày của HĐND thành phố về biện pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn thành phố Hà Nội; Kế hoạch về việc thực hiện kết luận của Thường trực HĐND thành phố tại phiên giải trình về quản lý, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tại các khu đô thị, khu nhà ở có quy mô từ 2 ha trên địa bàn thành phố.
Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cũng cho biết, cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, năm 2022, Thành phố còn triển khai nhiều nhiệm vụ rất quan trọng khác như: Tổng kết và trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 15 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2045; Triển khai lập Quy hoạch Thành phố, Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Tổng kết thi hành Luật Thủ đô và đề nghị xây dựng sửa đổi Luật; Trình phê duyệt chủ trương đầu tư và chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; Triển khai Nghị quyết của Thành ủy và HĐND Thành phố về 3 lĩnh vực - cải tạo, nâng cấp trường học, các cơ sở y tế và tu bổ các di tích lịch sử giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo; triển khai Đề án phân cấp quản lý nhà nước, uỷ quyền trên địa bàn Thành phố...
Theo ông Tuấn, bên cạnh những kết quả đã đạt được, qua giám sát của HĐND Thành phố cho thấy vẫn còn một số khó khăn, thách thức và tồn tại, hạn chế, cần được tập trung khắc phục. Vì vậy, kỳ họp này, HĐND Thành phố Hà Nội dành nhiều thời gian để các đại biểu thảo luận, đánh giá về những kết quả đạt được, thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, tồn tại và đề xuất giải pháp phù hợp, khả thi, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội hiệu quả, sát với yêu cầu thực tiễn của Thành phố.
Bên cạnh đó, HĐND Thành phố Hà Nội cũng xem xét, thảo luận và thông qua 20 báo cáo, 9 nghị quyết thường kỳ và 14 nghị quyết chuyên đề, trong đó nhiều nội dung rất quan trọng cần tập trung nghiên cứu, trao đổi, thảo luận như: Kế hoạch tài chính, ngân sách; Phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và phân bổ ngân sách; Kế hoạch đầu tư công và giải ngân vốn đầu tư công; việc thực hiện các biện pháp đẩy nhanh tiến độ dự án vốn ngoài ngân sách chậm triển khai…
Dành 1 ngày để HĐND thành phố thực hiện hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn
Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, tại Kỳ họp này, HĐND Thành phố sẽ xem xét các báo cáo của Thường trực HĐND, UBND, TAND, Viện KSND, Cục Thi hành án dân sự Thành phố theo quy định của Luật. Bên cạnh đó, Thường trực HĐND Thành phố sẽ báo cáo kết quả giám sát giải quyết kiến nghị của cử tri năm 2022; trình HĐND Thành phố quyết định tổ chức 02 Đoàn giám sát năm 2023 theo chương trình giám sát của HĐND Thành phố.
HĐND Thành phố Hà Nội cũng sẽ thực hiện quyền giám sát trực tiếp đối với UBND Thành phố thông qua hoạt động chất vấn, tái chất vấn dự kiến về các nhóm vấn đề: Thứ nhất, chất vấn, tái chất vấn kết quả thực hiện các kết luận chất vấn, những cam kết, lời hứa của UBND Thành phố và các cơ quan tại kỳ họp thứ 3, kỳ họp thứ 7 của HĐND Thành phố. Thứ hai, chất vấn về 02 nhóm vấn đề: công tác bảo vệ môi trường trong xử lý nước thải và thoát nước trên địa bàn Thành phố.
"Đây là những nội dung quan trọng liên quan trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của Nhân dân Thủ đô trước mắt và dài lâu; được phản ánh qua các ý kiến, kiến nghị của cử tri, qua giám sát và đề xuất của các Ban HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND Thành phố. Đây cũng là vấn đề đang được Ban Thường vụ Thành uỷ, Thường trực Thành uỷ, đồng chí Bí thư Thành uỷ rất quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo", ông Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh.
Dự kiến cũng tại Kỳ họp này, Thường trực HĐND Thành phố Hà Nội sẽ trình HĐND Thành phố ban hành Nghị quyết phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Đây là nội dung mới, quan trọng, thực hiện theo Nghị quyết số 594 ngày 12/9/2022 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhằm nâng cao kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm của các cơ quan chịu sự giám sát; tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND Thành phố./.
Nguyễn Hùng/VOV.VN