Chính sách khuyến khích phát triển hợp tác xã phải khả thi

Cho rằng nhiều chính sách phát triển kinh tế hợp tác vẫn chưa đi vào cuộc sống, Chủ tịch Quốc hội đề nghị luật thể hiện cụ thể để làm cơ sở triển khai.

 

Sáng 17/2, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp nhằm nghe và cho ý kiến về một số vấn đề lớn, còn có ý kiến khác nhau đối với dự án Luật hợp tác xã (sửa đổi).

Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ một lần nữa nhấn mạnh, đây là cách làm từ sớm, từ xa, trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến chính thức lần cuối. Sau đó, Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) sẽ được xin ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách. Theo kế hoạch, Quốc hội xem xét để biểu quyết thông qua tại kỳ họp thứ năm vào tháng 5 năm nay.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, dự án luật này đã được chuẩn bị khá công phu. Quá trình thảo luận nhận được sự quan tâm rất đông đảo của các đại biểu Quốc hội.

Dự án luật tác động đến các hợp tác xã nông nghiệp, các thành phần kinh tế khác, các loại hình hoạt động khác như công thương, xây dựng, giao thông vận tải, thậm chí là hợp tác xã tín dụng về lĩnh vực của ngân hàng; hay liên quan đến các tổ hợp tác rất sâu rộng trong cả nước.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, luật cần quy định cụ thể nhằm đảm bảo tính sát thực, làm cơ sở triển khai trên thực tế.Tuy tỷ trọng đóng góp cho GDP không quá lớn, nhưng đây là thành phần kinh tế hết sức quan trọng, gắn chặt với phát triển kinh tế - xã hội nói chung, nhất là phát triển về nông nghiệp, lĩnh vực về xây dựng nông thôn mới cũng như thành phần kinh tế hợp tác với mọi miền của đất nước.

Báo cáo một số vấn đề lớn của dự án Luật hợp tác xã (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, một số vấn đề đã được các bên rà soát và thống nhất. Bên cạnh đó còn một số vấn đề có nhiều ý kiến khác nhau về tên gọi của dự án luật, về Liên đoàn Hợp tác xã, tổ chức đại diện Liên minh Hợp tác xã.

Cho ý kiến vào các nội dung này, đa số các đại biểu nhất trí nên giữ nguyên tên gọi là Luật Hợp tác xã (sửa đổi) nhằm đảm bảo tập trung ưu tiên chính sách phát triển đối với hợp tác xã và bảo đảm bao quát mở rộng phạm vi điều chỉnh cùng đối tượng áp dụng, giảm chi phí tuân thủ pháp luật.

Về Liên đoàn hợp tác xã, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, nếu nội dung này chưa đủ rõ, đủ chín, chưa có cơ sở lý luận thực tiễn thì cũng chưa quy định trong luật. Cần thiết thì thực hiện thí điểm rồi tiến hành tổng kết, đánh giá.

Về tổ chức đại diện, liên minh hợp tác xã, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, không những cần duy trì mà phải tiếp tục củng cố hơn nữa vai trò của tổ chức đại diện để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, giữ vai trò nòng cốt và thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể.

Cho biết nhiều chính sách phát triển đối với loại hình kinh tế hợp tác hiện nay vẫn chưa thực sự đi vào cuộc sống như về tiếp cận đất đai, tín dụng, Chủ tịch Quốc hội lấy ví dụ, nhiều hợp tác xã trụ sở vẫn đi thuê, chính sách thuế, bảo hiểm xã hội cũng chưa được đảm bảo, tỷ lệ cung ứng dịch vụ, vấn đề thành lập doanh nghiệp trong hợp tác xã cũng rất khó khăn. Do vậy, cần quy định cụ thể trong luật này nhằm đảm bảo tính sát thực, khả thi, làm cơ sở để triển khai.

Đồng tình với quan điểm trên, các ý kiến cũng nhất trí cho rằng, vấn đề quan trọng nhất là các chính sách khuyến khích phát triển hợp tác xã phải khả thi, dễ tiếp cận, dễ đi vào cuộc sống, đặc biệt là các chính sách ưu đãi về đất đai, tín dụng, về thuế, bảo hiểm xã hội.

Kết luận cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Thường trực Ủy ban Kinh tế cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan, tổ chức hữu quan để thống nhất một phương án trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội; đề nghị Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tổ chức xin ý kiến lại Chính phủ để sớm thống nhất các vấn đề lớn được nêu ra tại cuộc làm việc./.

Lê Tuyết/VOV

 

Bình luận

    Chưa có bình luận