Viện trưởng Lê Minh Trí: Cân nhắc giảm chế tài phạt tù cán bộ vi phạm mà không vụ lợi

Cán bộ vi phạm pháp luật không có yếu tố vụ lợi nên chính sách hình sự cần cân nhắc sửa đổi mức hình phạt, giảm chế tài phạt tù...

 

“Trong thực tế cán bộ vi phạm pháp luật, nhiều trường hợp không có yếu tố vụ lợi nên chính sách hình sự cần cân nhắc sửa đổi mức hình phạt, mức tính hậu quả thiệt hại hiện nay và tăng chế tài phạt tiền, giảm chế tài phạt tù”.

Viện trưởng Viện KSND tối cao Lê Minh Trí kiến nghị với Quốc hội vấn đề này trong báo cáo một số nội dung liên quan đến các nhóm vấn đề chất vấn tại phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ông Lê Minh Trí và Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình là hai trưởng ngành có trách nhiệm trả lời chính tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn được tổ chức vào ngày thứ Hai, 20/3 tới đây.

Tỷ lệ oan, sai giảm dần theo từng năm

Đề cập các vụ án về tham nhũng, kinh tế, chức vụ, ông Lê Minh Trí cho biết, trong quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử, Viện trưởng Viện KSND tối cao yêu cầu viện KSND các cấp phải xác định đúng bản chất, động cơ; áp dụng đúng các quy định pháp luật trong xác định tội danh và đánh giá chứng cứ, hành vi phạm tội; yêu cầu khởi tố và thay đổi tội danh khi có căn cứ; bảo đảm mọi hành vi tham nhũng phải được xử lý nghiêm minh, không bỏ lọt tội phạm.

Cùng với đó thực hiện các biện pháp xử lý kịp thời, ngăn chặn việc chuyển nhượng, tẩu tán tài sản; áp dụng chặt chẽ các biện pháp thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế ngay từ giai đoạn tiếp nhận giải quyết nguồn tin về tội phạm cho đến giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án để bảo đảm cho việc thu hồi tài sản đạt kết quả cao nhất.

Viện trưởng Viện KSND tối cao Lê Minh Trí phát biểu trước Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4.“Kết quả công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết các vụ án hình sự của ngành Kiểm sát năm sau tốt hơn năm trước, hằng năm đều đạt và vượt các chỉ tiêu của Quốc hội” – ông Lê Minh Trí đồng thời nhấn mạnh tỷ lệ oan, sai giảm dần theo từng năm, từng nhiệm kỳ Quốc hội và chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với số lượng bị can, bị cáo đã truy tố, xét xử.

3 năm gần đây Viện trưởng VKSND tối cao xác định công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự là một trong những khâu đột phá của ngành, làm tốt sẽ góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý hành chính nhà nước, ổn định tình hình an ninh trật tự tại địa phương, nhất là đối với những địa phương xảy ra nhiều tranh chấp, khiếu kiện liên quan tới đất đai.

Chính vì vậy, công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự; kiểm sát thi hành án hình sự, dân sự, hành chính; việc giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm của viện kiểm sát đã đạt kết quả chuyển biến tích cực.

Trong việc phòng ngừa và xử lý tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ ngành Kiểm sát, ông Lê Minh Trí cho biết, nhiều năm qua luôn chỉ đạo phải tăng cường kỷ luật, kỷ cương, gắn trách nhiệm người đứng đầu trong kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý vi phạm...

Bên cạnh kết quả đạt được, Viện trưởng Lê Minh Trí cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, tồn tại và nguyên nhân. Cụ thể như còn xảy ra một số trường hợp toà án trả hồ sơ để yêu cầu khởi tố tội phạm mới và người phạm tội mới; bị can phải đình chỉ do không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm, có trường hợp viện kiểm sát phải rút quyết định truy tố; tỷ lệ kháng nghị phúc thẩm án hành chính, kháng nghị giám đốc thẩm án dân sự chưa đạt chỉ tiêu của Quốc hội; hay vẫn còn nguồn tin về tội phạm, vụ án hình sự đang tạm đình chỉ...

Cân nhắc hình phạt với người vi phạm mà không vụ lợi

Đáng chú ý, Viện trưởng Viện KSND tối cao Lê Minh Trí kiến nghị Quốc hội tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu xây dựng chính sách xử lý tội phạm trong lĩnh vực kinh tế, tham nhũng, chức vụ, bảo đảm yêu cầu vừa nghiêm trị, vừa khoan hồng theo hướng xử lý nghiêm người chủ mưu cầm đầu, có động cơ vụ lợi.

Đồng thời phân hóa, tạo điều kiện cho chủ thể sai phạm khắc phục hậu quả, giảm nhẹ cho người vi phạm do chấp hành mệnh lệnh, không vụ lợi nhằm làm tốt hơn việc thu hồi tài sản Nhà nước bị tham nhũng, thất thoát; bảo đảm hiệu quả phòng chống tội phạm, vừa có trọng tâm, trọng điểm, có răn đe, giáo dục, vừa nhân văn, thuyết phục.

Theo ông Lê Minh Trí, hiện nay trong thực tế cán bộ vi phạm pháp luật không chỉ là tội phạm tham nhũng mà nhiều trường hợp là tội phạm kinh tế, chức vụ nhưng không có yếu tố vụ lợi (cụ thể Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí và Điều 360 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng) nên trong chính sách hình sự cần cân nhắc sửa đổi mức hình phạt, mức tính hậu quả thiệt hại hiện nay và tăng chế tài phạt tiền, giảm chế tài phạt tù để có chính sách xử lý hiệu quả hơn./.

Ngọc Thành/VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận