Đề nghị trình Quốc hội xem xét 3 luật do Bộ Công an soạn thảo tại kỳ họp thứ 5

Chính phủ đề nghị bổ sung vào Chương trình Kỳ họp thứ 5 đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân.

 

Sáng nay (30/3), Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 13, cho ý kiến vào điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 và dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.

Tại phiên họp, Chính phủ đề nghị điều chỉnh Chương trình năm 2023 đối với các dự án luật. Cụ thể, bổ sung vào Chương trình Kỳ họp thứ 5 đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân.

Cho ý kiến đối với 5 dự án: Luật Căn cước công dân (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Luật Đường bộ; Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Bổ sung vào Chương trình Kỳ họp thứ 6 trình Quốc hội cho ý kiến đối với với 3 dự án Luật: Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản và Luật Thủ đô (sửa đổi).

Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 13.Với Chương trình năm 2024, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và đại biểu Quốc hội đề nghị đưa vào Chương trình 18 dự án luật.

Liên quan đến dự án Luật Công đoàn (sửa đổi), ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, các quy định rõ hơn, cụ thể hơn về tính công khai, minh bạch về tài chính công đoàn; đảm bảo tính phù hợp với định hướng cho hoạt động tổ chức công đoàn.

Dự luật bổ sung quyền gia nhập công đoàn Việt Nam của tổ chức, người lao độn; bổ sung về những hành vi bị cấm, các vấn đề liên quan đến quyền, trách nhiệm của các cấp công đoàn và điều kiện đảm bảo điều kiện hoạt động của công đoàn.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị đưa dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) vào chương trình vì chuẩn bị từ năm 2018, nhưng vì nhiều lý do chưa thực hiện được. Đến nay đã có Nghị quyết của Trung ương về vấn đề công đoàn cho nên đề nghị đưa vào chương trình và Tổng Liên đoàn tiếp thu dự án theo đúng tiến độ là trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 và thông qua tại Kỳ họp thứ 8.

Các đại biểu phát biểu tại phiên họp.Ủy ban Pháp luật cũng đánh giá cao nỗ lực của các cơ quan đã rất khẩn trương triển khai công tác rà soát, nghiên cứu, xây dựng hồ sơ các dự án luật để đề xuất đưa vào Chương trình; đánh giá cao cố gắng, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội trong thực hiện quyền trình đề nghị xây dựng dự án Luật. Đồng thời đề nghị xây dựng các dự án luật đáp ứng yêu cầu quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nội dung bám sát các định hướng, các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước./.

Lại Hoa/VOV1

 

Bình luận

    Chưa có bình luận