Vượt lên khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng

Hội nghị Trung ương 7 - Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã bế mạc sau 2 ngày rưỡi họp tại Hà Nội.

 

Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá, đây là một Hội nghị có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; là dịp để nhìn lại, đánh giá một cách khách quan, toàn diện những kết quả, thành tựu đã đạt được từ đầu nhiệm kỳ đến nay, chỉ ra những hạn chế, yếu kém còn tồn tại, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm; dự báo bối cảnh tình hình mới với những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen; để từ đó, đề ra những chủ trương, quyết sách lớn cần phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện trong nửa cuối của nhiệm kỳ khoá XIII.

Hội nghị Trung ương 7 diễn ra trong bối cảnh đặc biệt khi chúng ta vừa đi qua một chặng đường mà ở đó thách thức nhiều hơn thuận lợi. Tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường; những khó khăn và thách thức mới nặng nề hơn so với dự báo và so với các nhiệm kỳ trước. Đại dịch Covid-19 kéo dài, gây hậu quả nặng nề; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; xung đột Nga - Ukraine diễn biến phức tạp; hầu hết các chuỗi cung ứng bị đứt gãy; lạm phát tăng cao, các nước thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất, dẫn đến suy giảm tăng trưởng và gia tăng rủi ro trên các thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản quốc tế…

Bối cảnh trên đã tác động sâu sắc tới tình hình kinh tế - xã hội nước ta. Hầu hết các ngành, các lĩnh vực đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng; vừa phải tập trung giải quyết những vấn đề phức tạp mới phát sinh, vừa phải xử lý các yếu kém, tồn đọng kéo dài từ nhiều năm trước để lại.

Nửa cuối của nhiệm kỳ khóa XIII đặt ra nhiều khó khăn, thách thức đối với toàn Đảng, toàn dân. Để hoàn thành được chỉ tiêu tăng trưởng GDP 6,5% trong giai đoạn 5 năm 2021 - 2025 như đã đề ra từ đầu nhiệm kỳ thì tăng trưởng bình quân 3 năm 2023 - 2025 phải đạt khoảng 7,3%. Đây là mức rất cao, đòi hỏi phải có sự quyết tâm rất cao và nỗ lực rất lớn mới có thể đạt được.

Từ thực tế trên, Trung ương xác định, nhiệm vụ đầu tiên là phải củng cố, tăng cường nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế, giữ vững sự phát triển ổn định, an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng, thị trường tiền tệ, thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp.

Những ưu tiên tiếp theo là thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ người dân, người lao động mất việc làm và doanh nghiệp gặp khó khăn; củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế; Tiếp tục đẩy mạnh và làm tốt hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh, đặc biệt là hệ thống các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp từ Trung ương đến địa phương.

Một nội dung cũng hết sức quan trọng tại Hội nghị Trung ương 7 là việc lấy phiếu tín nhiệm đối với 21 Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư theo quy định mới của Đảng (Quy định 96 - QĐ/TW thay thế Quy định 262)… Đây là lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng lấy phiếu tín nhiệm đối với các vị trí này. Điểm khác biệt là, kết quả phiếu tín nhiệm được lấy theo Quy định 96 không chỉ là một kênh thông tin tham khảo trong công tác cán bộ, mà được sử dụng để đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, miễn nhiệm.

Đây cũng có thể coi như một thử thách rất lớn, không chỉ đánh giá uy tín và kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao của mỗi cán bộ lãnh đạo, mà còn giúp cán bộ "tự soi", "tự sửa" lại mình. Qua đó nhắc nhở, tạo ra yêu cầu đối với người được lấy phiếu phải nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý điều hành để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Tiếp tục công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tại hội nghị lần này, Ban chấp hành Trung ương đã khai trừ ra khỏi Đảng 1 cán bộ nguyên là Ủy viên Trung ương Đảng và biểu quyết, thống nhất để 1 cán bộ thôi giữ chức Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII. Kể từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến nay, Trung ương đã xem xét cho thôi giữ chức vụ, cho nghỉ công tác, nghỉ hưu, bố trí công tác khác đối với 14 cán bộ diện Trung ương quản lý; các địa phương cũng bố trí công tác và thực hiện chính sách đối với 22 trường hợp cán bộ sau khi bị kỷ luật theo đúng chủ trương của Đảng về việc "có vào, có ra; có lên, có xuống".

Trong nửa cuối nhiệm kỳ khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu,cần phải làm tốt hơn nữa công tác cán bộ để lựa chọn, bố trí đúng những người thật sự có đức, có tài, liêm chính, tâm huyết; thật sự vì nước, vì dân vào các vị trí lãnh đạo của bộ máy nhà nước; Có cơ chế, chính sách khuyến khích, bảo vệ những người năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; Đồng thời, chấn chỉnh, đấu tranh loại bỏ tư tưởng bàn lùi, lo ngại rằng nếu đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực quá mạnh sẽ cản trở sự phát triển, làm nhụt chí, làm "cầm chừng", "phòng thủ", "che chắn", giữ "an toàn", né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức nào đó, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

Không chủ quan, tự mãn, không quá bi quan, dao động trước những khó khăn, thách thức, trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 7, người đứng đầu Đảng- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, cần phải hết sức bình tĩnh, sáng suốt, phát huy thật tốt những kết quả, bài học kinh nghiệm đã có, khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại, nhất là từ đầu nhiệm kỳ khoá XIII đến nay, để tiếp tục đẩy mạnh đổi mới, nỗ lực phấn đấu, tranh thủ mọi thời cơ, thuận lợi; vượt qua mọi khó khăn, thách thức, để triển khai thực hiện thắng lợi các chương trình, kế hoạch, mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra cho nửa cuối của nhiệm kỳ khoá XIII./.

Giáng Hương/VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận