Cuối tháng 3/2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng điện đàm cấp cao với Tổng thống Mỹ Joe Biden. Hai nhà lãnh đạo đánh giá cao sự phát triển tích cực, toàn diện của quan hệ hai nước thời gian qua và nhất trí thúc đẩy, phát triển, làm sâu sắc hơn quan hệ song phương, vì lợi ích của hai nước, hòa bình, hợp tác.
Hai tuần sau cuộc điện đàm, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thăm Việt Nam, lần đầu tiên ở vị trí Ngoại trưởng Mỹ. Chuyến thăm của ông Blinken nối tiếp hàng loạt các chuyến thăm của quan chức Mỹ đến Việt Nam, trong dịp hai bên kỷ niệm 10 năm quan hệ đối tác toàn diện.
“Chúng ta đang ở một thời điểm thuận lợi trong mối quan hệ song phương”, ông Cameron Thomas-Shah, Phát ngôn viên Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam, nói với VTC News. Trong cuộc phỏng vấn, ông chia sẻ về những điểm nhấn quan hệ hai nước trong 10 năm qua, những câu chuyện bên lề chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ, cũng như về trụ sở đại sứ quán mới.
"Thay vì thách thức là cơ hội"
- Thưa ông, những dấu mốc quan trọng nào đánh dấu sự thay đổi trong quan hệ song phương giữa Việt Nam và Mỹ?
Năm 2023 đánh dấu cột mốc 10 năm quan hệ đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Mỹ. Điều này được Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang và Tổng thống Mỹ Obama bắt đầu từ năm 2013, và sau đó hợp tác đã mở rộng trên rất nhiều lĩnh vực.
Chúng ta có thể kể tới các mảng như giáo dục. Từ năm 2013, Việt Nam từ vị trí thứ 8 lên vị trí thứ 5 về số lượng sinh viên quốc tế theo học tại Mỹ, tương đương mức tăng 30%. Sinh viên Việt Nam học tại các đại học công lập, đại học tư, học chương trình thạc sĩ - tiến sĩ tại Mỹ. Chính khi còn học thạc sĩ ở Mỹ, tôi đã có cơ hội giao lưu với rất nhiều sinh viên Việt Nam, còn học được một chút tiếng Việt. Hiện tại, chúng tôi làm việc với khoảng 60 trường đại học khắp Việt Nam, trao cơ hội học tập tại Việt Nam cho thêm nhiều sinh viên Mỹ.
Chương trình Fulbright cũng là một minh chứng. Ngoài ra, Mỹ và Việt Nam cũng đang rất nỗ lực thúc đẩy quan hệ hợp tác trong kinh tế và thương mại.
Năm 2013, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 30 tỷ USD. Tới nay, con số đã tăng gấp hơn ba lần tới 138 tỷ USD. Trong năm nay, Thứ trưởng Bộ Thương mại cùng Đại diện Bộ Thương mại Mỹ có chuyến thăm và làm việc ở Việt Nam. Họ cũng nằm trong những người đã đặt nền móng cho sáng kiến về khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, một phần trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Tổng thống Joe Biden. Và Việt Nam đã là một trong số 14 nước ban đầu (tham gia thảo luận) trong Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì thịnh vượng (IPEF) này.
Chúng tôi rất vui mừng khi Việt Nam sẽ trở thành một trong những đối tác mà qua đó, hai nước tiếp tục nâng tầm hợp tác song phương, hợp tác đa phương trong lĩnh vực kinh tế.
Đây chỉ là hai trong số nhiều lĩnh vực mà hai nước đã phát triển trong vòng 10 năm, bên cạnh rất nhiều những lĩnh vực khác mà chúng ta có thể nói đến, như hợp tác y tế, quốc phòng,...
- Trong 10 năm qua, hai nước đã cùng nhau vượt qua những thách thức lớn nào, thưa ông?
Tôi không muốn nói rằng chúng ta có nhiều thách thức, thay vào đó, chúng ta đã cùng nhau nắm bắt, tận dụng cơ hội. Đặc biệt là khi nền tảng của mối quan hệ song phương này được bồi đắp trên nỗ lực hòa giải và khắc phục những tàn tích của cả một chương chiến tranh đen tối, xảy ra trước cả khi tôi và bạn chào đời.
Chúng tôi đã xúc tiến nỗ lực hòa giải chiến tranh, đồng hành cùng các đối tác Việt Nam trong việc rà phá vật liệu chưa nổ, tẩy độc dioxin/chất độc da cam ở Đà Nẵng và Hòa Bình, và làm việc với Việt Nam trong tìm kiếm hài cốt quân nhân mất tích, thông qua chương trình “Sáng kiến tìm kiếm người Việt trong chiến tranh” (VWAI).
Đó là những cam kết từ phía Mỹ nhằm làm sâu sắc thêm quan hệ song phương - quan hệ đối tác toàn diện trong suốt 10 năm qua.
Những nỗ lực ấy cũng thể hiện trong suốt giai đoạn đại dịch COVID-19. Trong tháng đầu đại dịch COVID-19, Việt Nam ủng hộ Mỹ 450.000 trang bị bảo hộ y tế PPE. Sự ủng hộ đến vào một trong những thời điểm quan trọng nhất cho thấy khả năng của Việt Nam trong khu vực và quốc tế.
Sau này, Mỹ cũng ủng hộ Việt Nam 40 triệu liều vaccine với hi vọng có thể xoa dịu những khó khăn do COVID-19 gây ra. Đây là minh chứng tuyệt vời cho sự làm việc cùng nhau vượt qua khó khăn của hai nước.
Còn có một số cơ hội hợp tác mang tính quốc tế hơn, tiêu biểu như các chương trình giáo dục, đào tạo tiếng Anh. Mỗi năm, chúng tôi đào tạo tiếng Anh cho khoảng 3.000 người trẻ Việt Nam chưa có việc làm phù hợp, giúp họ thuận lợi hơn trong quá trình xin việc sau này.
Chúng tôi tự hào về những cơ hội hợp tác này, cũng như việc đã vượt qua được những thách thức trong quá khứ, và tin chắc mối quan hệ tốt đẹp Việt – Mỹ sẽ ngày càng tiến triển trong thời gian tới.
"Quan hệ Việt – Mỹ đang ở thời điểm thuận lợi"
- Chuyến thăm Việt Nam vừa qua của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken là tiền đề cho các chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo hai nước thời gian tới. Xin ông chia sẻ về điều này?
Chúng ta đang ở một thời điểm thuận lợi trong mối quan hệ song phương: 10 năm quan hệ đối tác toàn diện.
Chỉ riêng trong năm nay, Đại diện Thương mại Mỹ và quan chức từ Bộ Thương mại Mỹ, Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ, USAID đều đã ghé thăm Việt Nam. Chúng ta cũng chứng kiến cuộc điện đàm giữa Tổng Bí thư Việt Nam với Tổng thống Biden, rồi chuyến thăm của Ngoại trưởng Blinken. Các chuyến thăm cấp cao giữa đại biểu hai nước đã minh chứng rõ tầm quan trọng của mối quan hệ song phương này.
Ông có thể nói rõ hơn về dự án trụ sở đại sứ quán Mỹ mới cũng như kỳ vọng với dự án này?
Tháng trước, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã tham dự lễ khởi công toà Đại sứ quán mới của chúng tôi ở Cầu Giấy (Hà Nội). Chúng tôi rất biết ơn các cơ quan hữu quan chính phủ Việt Nam đã sớm phê duyệt thủ tục liên quan tới dự án.
Đây là một cột mốc quan trọng trong mối quan hệ song phương hai nước. Toà đại sứ quán khởi công với mức đầu tư lên tới 1,2 tỷ USD. Nhưng một con số khác mà tôi nghĩ còn đáng chú ý hơn... Nhờ công trình này, chúng tôi tạo ra thêm khoảng 1.600 việc làm.
Công trình cũng phần nào thắt chặt mối quan hệ đối tác song phương Mỹ - Việt Nam. Nhìn vào mô hình quy hoạch, ta có cảm nhận được tính thẩm mỹ của công trình. Cảm hứng thiết kế đến từ những cánh đồng lúa miền Bắc, phương án hỗ trợ tưới tiêu và phòng ngừa lũ lụt, cũng như ứng dụng các loại vật liệu bền vững. Chúng tôi cũng ứng dụng đá bazan để làm điểm nhấn, cũng như có sự pha trộn giữa văn hóa Mỹ và Việt Nam.
Câu chuyện hậu trường
- Ông và Ngoại trưởng Blinken từng gặp gỡ ở Việt Nam nhiều năm trước, và mới đây lại chụp ảnh kỷ niệm cùng nhau ở Hà Nội. Đây là điều đặc biệt với ông?
Vâng, ảnh đầu tiên chụp vào mùa xuân năm 2015, khi tôi lần đầu được phân công công việc viên chức lãnh sự. Khi đó trong chuyến thăm Việt Nam, tình cờ ông ấy đến gặp một số nhà ngoại giao trẻ tuổi và cùng ăn trưa. Trong bức ảnh đó, tôi đang chỉ cho ông ấy cách ăn nem cuốn như thế nào. Đó là một dịp rất ngẫu nhiên, không được lên kế hoạch trước.
Còn 8 năm sau, là mùa xuân năm 2023. Ông ấy quay lại, trước đó là thứ trưởng ngoại giao, còn giờ là Ngoại trưởng, người đứng đầu Bộ ngoại giao Mỹ. Ông ấy rất vui mừng khi nhìn thấy những tiến triển trong quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam, trong tất cả các lĩnh vực, không chỉ trong trao đổi đoàn, kinh tế, mà cả khoa học và công nghệ nữa. Ông đã có những cuộc gặp với Tổng Bí thư, Thủ tướng và Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam, và thảo luận những vấn đề rất thực chất và quan trọng về mối quan hệ trong tương lai. Ông cũng đến đại học Bách Khoa, thăm câu lạc bộ jazz Bình Minh, đã nói chuyện, giao lưu và kết nối văn hóa...
Ở sự kiện cuối cùng trong buổi tối của ông ấy là đến quán cơm Tay Cầm và ăn món ăn Việt Nam. Tôi tình cờ đeo cùng một chiếc cà vạt và ngồi cách đó một bàn. Và tôi có cơ hội chụp thêm tấm ảnh với ông ấy. Khi đó tôi quay sang nói rằng chúng ta đã từng chụp một bức ảnh như vậy 8 năm trước, ông ấy xem bức ảnh và “wow”. Ở chiếc bàn đó có cả trợ lý ngoại trưởng Krintenbrink (cựu đại sứ Mỹ tại Việt Nam), đại sứ Knapper (đại sứ Mỹ tại Việt Nam).
Tôi vô cùng biết ơn khi 8 năm sau quay lại Việt Nam và được ngồi cùng ông ấy, chúng tôi đã cùng có những trải nghiệm tích cực ở Việt Nam, và giây phút đó giống như chúng tôi sau một chặng đường lại quay về nơi bắt đầu.
Đối với sự nghiệp của tôi, điều này thật truyền cảm hứng khi năm nay là một năm quan trọng, và chuyến thăm của Ngoại trưởng, cùng với các chuyến thăm cấp cao, là một biểu tượng cho điều đó.
- Một số địa điểm trải nghiệm văn hóa trong chuyến thăm của Ngoại trưởng Blinken đã được lựa chọn thế nào?
Chúng tôi đã làm việc chặt chẽ với các cơ quan liên quan của Việt Nam và tôi rất biết ơn vì tôi cho rằng Việt Nam cũng vui mừng về chuyến thăm giống như chúng tôi. Những phối hợp của chúng tôi với Bộ Ngoại giao, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Thủ tướng... đều rất tuyệt vời mà tôi không thể kể hết được.
Việc lựa chọn các địa điểm trải nghiệm trong chuyến đi thuộc nhiều về công tác nội bộ, nhưng chúng tôi cũng dựa trên lời khuyên của các đồng nghiệp, cả người Việt và người Mỹ về những địa điểm nào phù hợp với sự quan tâm. Chúng tôi biết Ngoại trưởng rất muốn thưởng thức các món ăn Việt Nam, âm nhạc, cũng như quan tâm đến những điều có thể thể hiện mối quan hệ Việt - Mỹ. Và khi đến quán Tay Cầm, tôi nghĩ ông ấy đã có cơ hội thử món ăn ông ấy chưa từng thử trước đây. Ông ấy thực sự rất thích điều đó, và tất cả chúng tôi cũng vậy.
PHƯƠNG ANH - THU GIANG/VTC.VN