Kỳ chất vấn với 3/4 bộ trưởng lần đầu đăng đàn: Thẳng thắn, không né vấn đề khó

Các bộ trưởng được chất vấn thể hiện tốt vai trò 'tư lệnh' ngành khi nắm chắc thực trạng lĩnh vực phụ trách, thẳng thắn, không né tránh nhiều vấn đề khó.

 

Các bộ trưởng được chất vấn thể hiện tốt vai trò “tư lệnh” ngành khi nắm chắc thực trạng của ngành, lĩnh vực phụ trách, thẳng thắn, không né tránh nhiều vấn đề khó.

Sau 2,5 ngày làm việc nghiêm túc, dân chủ, trí tuệ, sôi nổi với tinh thần xây dựng, trách nhiệm cao, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành tốt đẹp phiên chất vấn và trả lời chất vấn 4 nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội (LĐ-TB&XH), Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) và Ủy ban Dân tộc. Cùng với các bộ trưởng, trưởng ngành chịu trách nhiệm trả lời chính, 3 Phó Thủ tướng Chính phủ: Lê Minh Khái, Trần Lưu Quang, Trần Hồng Hà, Bộ trưởng các Bộ: Tài chính; Kế hoạch và Đầu tư; Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng tham gia trả lời, giải trình, làm rõ thêm các nội dung liên quan.

3/4 bộ trưởng lần đầu tiên trả lời chất vấn trước Quốc hội

Đa số các đại biểu đánh giá cao phiên chất vấn, với nhiều vấn đề được nêu ra, phân tích và bàn luận hướng giải quyết. Trong 4 tư lệnh ngành đăng đàn chất vấn có 3 tư lệnh ngành là lần đầu tiên trả lời trước Quốc hội. Song các phần trả lời của tư lệnh ngành được đánh giá là thẳng thắn, cầu thị và nắm khá chắc phần việc mình quản lý.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí, đoàn Hà Nội.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí, đoàn Hà Nội bày tỏ ấn tượng với phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung rõ ràng, mạch lạc, khúc chiết của một người từng trải trên nghị trường. Bên cạnh đó, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc Hầu A Lềnh và Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng cũng khiến đại biểu đoàn Hà Nội ngỡ ngàng.

“Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc Hầu A Lềnh tuy mới là lần đầu tiên đăng đàn nhưng trả lời rất tốt. Tuy có một số điểm khiến đại biểu chưa vừa ý nhưng vấn đề đó lại thuộc tình trạng chung của công việc chứ không phải do sự nắm bắt của bộ trưởng. Chúng tôi đánh giá cao”, đại biểu Nguyễn Anh Trí bày tỏ.Các bộ trưởng được chất vấn thể hiện tốt vai trò “tư lệnh” ngành khi nắm chắc thực trạng lĩnh vực phụ trách, thẳng thắn, không né tránh nhiều vấn đề khó.

“Tôi ấn tượng đặc biệt với Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng, dù mới nhận nhiệm vụ 7 tháng và cũng không trong chuyên ngành này nhưng Bộ trưởng nắm rất chắc các vấn đề, nhóm vấn đề. Kể cả những dự án rất nhỏ và cụ thể ở một tỉnh, Bộ trưởng trả lời rất lưu loát từ vấn đề vốn, tiến độ, vướng mắc…”, đại biểu đoàn Hà Nội nói.

Theo đại biểu Trần Thị Diệu Thúy, đoàn TP.HCM, phần chất vấn của các tư lệnh lần này đều có minh chứng bằng các “sản phẩm” cụ thể, đó là các thông tư, nghị định liên quan đến lĩnh vực mà bộ trưởng đó quản lý. Tuy nhiên, dịp chất vấn này cũng là cơ hội để đại biểu thông tin lại cho bộ trưởng về những thông tư chưa đi được vào cơ sở.

“Khi bộ trưởng thông tin về các văn bản, thông tư cụ thể đã ban hành thì được đại biểu thông tin lại chính văn bản đó chưa thực hiện gì ở cơ sở. Điều này cho thấy hành động của bộ trưởng cũng cần đi kèm với kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện của cấp dưới đối với những nội dung mà tư lệnh ngành rốt ráo giải quyết, mà hiệu quả cụ thể còn phải có thời gian để chứng minh”, đại biểu đoàn TP.HCM cho biết.

Đại biểu Nguyễn Công Hoàng, đoàn Thái Nguyên.Đại biểu Nguyễn Công Hoàng, đoàn Thái Nguyên lại ấn tượng với phần chất vấn Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt bởi nắm khá chắc thực trạng lĩnh vực quản lý, trả lời đầy đủ, thẳng thắn với sự cầu thị, nỗ lực đưa ra các giải pháp thúc đẩy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

“Phần chất vấn của Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt nhận được nhiều sự quan tâm khi nhận số lượng đại biểu đăng ký chất vấn nhiều nhất là 122 đại biểu. Tôi mong muốn sau đợt chất vấn, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt sẽ nhìn nhận lại toàn bộ công việc, công tác khoa học của quốc gia để đẩy mạnh việc nghiên cứu khoa học và ứng dụng khoa học, đổi mới sáng tạo trong ngành khoa học của quốc gia”, đại biểu đoàn Thái Nguyên nêu ý kiến.

Chủ tọa điều hành khoa học, nhạy bén, sát trọng tâm

Sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng mang đến một không khí sôi nổi, quyết liệt nhưng không kém phần tươi mới cho các phiên chất vấn.

“Tôi tin rằng cá nhân tôi hay các đại biểu Quốc hội và nhân dân đều thấy rất rõ sự điều hành mạch lạc và nắm rất chắc các vấn đề. Có chỗ các bộ trưởng quên hay chưa nắm kịp, chính Chủ tịch Quốc hội ở dạng tiếp tục chất vấn hay dạng giải thích rõ luôn giúp. Đặc biệt các kết luận của Chủ tịch Quốc hội ở mỗi chất vấn tư lệnh ngành rất có chất lượng. Tôi cho đây cũng là một đổi mới”, đại biểu Nguyễn Anh Trí nêu rõ.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí cũng cho rằng, việc điều hành linh hoạt, mềm dẻo, có lý, có tình không tạo ra áp lực quá lớn cho tư lệnh ngành, đồng thời làm không khí cuộc chất vấn trở thành cuộc trao đổi, thảo luận có chất lượng, sâu sát nhưng lại nhân văn.

​Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy, đoàn TP.HCM.Đồng quan điểm, đại biểu Trần Thị Diệu Thúy, đoàn TP.HCM cho rằng, Chủ tịch Quốc hội nắm rất chắc vấn đề, hiểu rõ sở trường, sở đoản của từng vị bộ trưởng để hỗ trợ, cân bằng được tình huống.

“Đại biểu Quốc hội chúng tôi còn cảm thấy rất vui vì chính Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ còn tham gia tranh luận, chất vấn ngược lại bộ trưởng với những phần trả lời chưa rõ của bộ trưởng. Chủ tịch Quốc hội đã tạo được điểm nhấn thú vị, dí dỏm nhưng cân bằng để đạt hiệu quả tốt nhất của buổi chất vấn giữa đại biểu và các thành viên chính phủ”, nữ đại biểu khẳng định.

Đại biểu Lý Anh Thư, đoàn Kiên Giang.Đại biểu Lý Anh Thư, đoàn Kiên Giang cũng cho rằng, chủ tọa điều hành phiên chất vấn rất linh hoạt, sắc nét, đi thẳng vào những vấn đề trọng tâm, trọng điểm. Trong quá trình điều hành cũng có sự gợi mở thêm cho các bộ trưởng.

“Trong quá trình điều hành phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội đã có nhiều phen gỡ được thế bí cho các bộ trưởng khi bị các đại biểu Quốc hội chất vấn đến cùng. Tôi thấy cách điều hành rất khoa học, bài bản và công tâm. Định hướng cho các bộ trưởng trả lời không thiếu sót mảng nào”, nữ đại biểu nói.

Các đại biểu kỳ vọng sau chất vấn, các tư lệnh ngành cần xem lại ngành của mình có việc gì làm được hay chưa làm được, có những việc 5 - 10 năm sau mới có thể giải quyết được thì đó là cơ sở để lập ra chiến lược thời gian tới, rà soát công việc định kỳ chưa làm được thì làm cho tốt lên, như vậy việc giám sát mới có hiệu quả cao./.

Nhóm PV/VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận