Chủ động, quyết liệt phòng chống tham nhũng ở địa phương, không chờ Trung ương

Sau 1 năm thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, công tác "chống giặc nội xâm" ở địa phương, cơ sở có chuyển biến rõ rệt.

 

Sau 1 năm thành lập, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh đã đi vào hoạt động nề nếp, hiệu quả; công tác "chống giặc nội xâm" ở địa phương, cơ sở có chuyển biến rõ rệt.

Theo kế hoạch, sáng 19/6, tại Hà Nội diễn ra Hội nghị sơ kết 1 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh (Ban Chỉ đạo cấp tỉnh).

Xử lý nghiêm nhiều vụ việc liên quan cán bộ diện Tỉnh ủy quản lý

Tại Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Trung ương đã bàn và thống nhất rất cao về chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, coi đây là việc làm cần thiết, đúng đắn, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII.

Báo cáo của Ban Nội chính Trung ương cho biết, đến tháng 8/2022, 63/63 Ban Chỉ đạo cấp tỉnh được thành lập, qua đó tổ chức hàng trăm phiên họp, chỉ đạo rà soát, quyết định đưa hơn 500 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực phức tạp, dư luận xã hội quan tâm trên địa bàn vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, bước đầu đạt được một số kết quả tích cực.

Các tỉnh có nhiều vụ án, vụ việc đưa vào diện Ban Chỉ đạo cấp tỉnh theo dõi, chỉ đạo như: Hà Nội 48 vụ, Thanh Hóa 10 vụ; Ninh Thuận 10 vụ; Bắc Giang 9 vụ, Đồng Nai 9 vụ… Nhiều địa phương đã chỉ đạo xử lý nghiêm nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực liên quan đến cán bộ diện Tỉnh ủy quản lý như Lào Cai, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Đồng Nai, Khánh Hòa, TP.HCM, Phú Yên, Thái Nguyên...

Quý I/2023, các địa phương trong cả nước đã khởi tố mới 512 vụ án/1283 bị can phạm tội về tham nhũng, điển hình: như Hà Nội khởi tố 43 vụ án/70 bị can; Nghệ An 33 vụ án/54 bị can; Bắc Ninh 30 vụ án/129 bị can; Bắc Giang 27 vụ án/64 bị can; Sơn La 24 vụ án/36 bị can; Thái Nguyên 22 vụ án/42 bị can...

Cùng với tập trung chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc, ngay sau khi thành lập, một số Ban chỉ đạo cấp tỉnh đã xây dựng chương trình và tiến hành kiểm tra, giám sát, tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, những vấn đề nổi cộm, bức xúc ở địa phương.

Đồng thời chú trọng chỉ đạo kiểm tra đối với các tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm và kiểm tra, xử lý các tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị có đảng viên bị khởi tố, điều tra do tham nhũng, tiêu cực; kiểm tra, giám sát việc thực hiện các kết luận, chỉ đạo của Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; rà soát các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội; kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra và kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước...

Bên cạnh đó, một số Ban chỉ đạo cấp tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra các nội dung, chuyên đề như: Việc thực hiện một số dự án tại địa phương; việc thực hiện các chính sách hỗ trợ đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi Covid-19; thanh tra việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh bất động sản; thanh tra chuyên đề việc chấp hành pháp luật về phát hành trái phiếu doanh nghiệp và sử dụng nguồn tiền từ trái phiếu doanh nghiệp; quy hoạch và thực hiện quy hoạch xây dựng.

Tháng 5/2022, Hà Nội là địa phương đầu tiên thành lập Ban chỉ đạo Thành ủy về phòng, chống tham nhũng. Trước đó, tuy chưa chính thức có chủ trương chung thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh, nhưng Hà Nội là một trong 5 tỉnh, thành phố thành lập Ban Chỉ đạo để tham mưu cho tỉnh uỷ, thành uỷ lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng trên địa bàn.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo Thành ủy Hà Nội. (Ảnh: Kinh tế và Đô thị)

Theo số liệu từ năm 2021 đến tháng 4/2023, Ban Thường vụ Thành ủy và Ban Chỉ đạo thành ủy Hà Nội đã đưa 57 vụ án, vụ việc thuộc diện theo dõi, chỉ đạo.

Trong đó có 3 vụ án đã kết thúc việc giải quyết theo quy định của pháp luật trong năm 2021. Đối với 54 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm còn lại, từ khi Ban chỉ đạo Thành ủy thành lập, Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy đã giao Ban Chỉ đạo Thành ủy tập trung chỉ đạo xử lý.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Trưởng ban chỉ đạo Thành ủy về Phòng chống tham nhũng cho biết, tính đến tháng 4/2023 đã thống nhất kết thúc theo dõi 9 vụ án vụ việc, do đã kết thúc việc giải quyết theo quy định của pháp luật. Hiện còn chỉ đạo, xử lý 45 vụ việc, vụ án.

“Riêng trong quý 1 năm 2023 đã phát hiện và bổ sung đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 24 vụ việc, vụ án xảy ra tại các Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới trên địa bàn Hà Nội”, ông Đinh Tiến Dũng cho biết.

Báo cáo tại phiên họp thứ 5 của Ban Chỉ đạo tỉnh Bình Phước tổ chức ngày 13/6 cho biết, từ khi thành lập đến nay, Ban chỉ đạo ở địa phương này đã đưa ra xét xử được 6 vụ án tham nhũng, thu hồi tài sản được hơn 6 tỷ đồng; đặc biệt đối với 4 vụ án thuộc diện theo dõi, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo đã xét xử phúc thẩm xong 1 vụ, chuẩn bị đưa ra xét xử 1 vụ, kết luận điều tra, đề nghị truy tố 1 vụ, đang điều tra 1 vụ.

Phiên họp thứ 5 của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Bình Phước. (Ảnh: Báo Bình Phước)

Phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương chuyển biến rõ rệt

Còn ở Bến Tre, theo ông Lê Thanh Vân, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, Ban chỉ đạo tỉnh này đã tập trung xây dựng quy chế làm việc, chương trình công tác, thiết lập số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận tin báo, tố giác, phản ánh liên quan đến hành vi tham nhũng, tiêu cực; phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể của từng thành viên Ban chỉ đạo.

Đến nay, Ban chỉ đạo đã tổ chức hơn 10 phiên họp, cuộc họp đột xuất và định kỳ. Qua đó, quyết định đưa nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực phức tạp, dư luận xã hội quan tâm trên địa bàn tỉnh vào diện theo dõi, chỉ đạo. Trong đó, có nhiều vụ việc sai phạm đã đề nghị chuyển sang cơ quan điều tra xác minh làm rõ.

“Từ khi Ban chỉ đạo cấp tỉnh được thành lập đến nay, có thể khẳng định công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của tỉnh được đẩy mạnh, có nhiều chuyển biến tích cực, hiệu quả hơn so với trước đây, tạo được điểm nhấn, lan tỏa tích cực, được nhân dân đồng tình, ủng hộ”,  ông Lê Thanh Vân cho biết.

Phát biểu tại Hội nghị giao ban trực tuyến công tác quý 1/2023 ngành Nội chính Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc cho biết, kể từ khi các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh được thành lập, mặc dù còn những khó khăn, vướng mắc ban đầu nhưng có thể khẳng định “việc thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh là phù hợp với yêu cầu thực tiễn, thể hiện sự đồng lòng, nhất trí cao từ Trung ương đến địa phương, tạo sự đồng thuận, ủng hộ của cấp ủy, chính quyền các cấp và cán bộ, đảng viên, nhân dân.

Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc.

Nhiều Ban chỉ đạo cấp tỉnh đã đi vào hoạt động nề nếp, hiệu quả; công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, cơ sở có chuyển biến rõ rệt, với nhiều kết quả nổi bật.

“Những kết quả trên cho thấy không còn tình trạng "trên nóng dưới lạnh", mà "dưới cũng bắt đầu nóng lên”, qua đó khẳng định chủ trương thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh là hoàn toàn đúng đắn”, ông Phan Đình Trạc cho biết.

Theo Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương Phạm Văn Linh, các Ban Chỉ đạo ở địa phương đã đi vào hoạt động nền nếp, hiệu quả, khẳng định đây là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân tham gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chứ không phải chỉ có Trung ương làm hay Trung ương xuống làm hộ.

“Không chỉ phòng, chống tham nhũng mà phòng, chống cả tiêu cực, lần này chúng ta chống cả suy thoái về tư tưởng, chính trị”, ông Phạm Văn Linh đồng thời nhấn mạnh việc 63 Ban chỉ đạo cấp tỉnh được thành lập cho thấy các địa phương đã và đang chủ động, quyết liệt xử lý nhiều vụ việc, vụ án nổi cộm mà không còn tâm lý trông chờ, ỉ lại vào Trung ương./.

Kim Anh/VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận