'Ông Vũ Khoan là một nhà ngoại giao bản lĩnh và trí tuệ'

Theo nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Phú Bình, những người biết ông Vũ Khoan đều nhận thấy ông là một cán bộ ngoại giao bản lĩnh, trí tuệ.

 

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan - một cán bộ xuất thân từ ngành Ngoại giao vừa từ trần ngày 21/6, hưởng thọ 86 tuổi. Cuộc đời ông gắn bó với những giai đoạn lịch sử của đất nước, trong đó có thời kỳ mở cửa và hội nhập vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước. Với vai trò là Thứ trưởng Ngoại giao rồi Bộ trưởng Bộ Thương mại, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bí thư Trung ương Đảng, ông Vũ Khoan với kinh nghiệm và bản lĩnh của mình đã có những đóng góp lớn cho công cuộc mở cửa và hội nhập.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gắn Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng tặng nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan.Trả lời phỏng vấn của phóng viên VOV.VN, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản, Hàn Quốc - ông Nguyễn Phú Bình nhận định: Ông Vũ Khoan là một nhà Ngoại giao bản lĩnh và trí tuệ.

Ông Nguyễn Phú Bình hiện là Chủ tịch Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài.

Một trong những cây đại thụ của Ngoại giao Việt Nam

PV: Thưa ông, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan - một cán bộ gắn bó rất lâu với ngành Ngoại giao vừa từ trần. Cá nhân ông có những ấn tượng gì đặc biệt đối với nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan?

Nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Phú Bình: Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan là một trong những người anh, người thầy, người lãnh đạo của thế hệ chúng tôi. Khi tôi vào ngành, những năm 70 của thế kỷ trước, ông Vũ Khoan đang công tác tại Liên Xô cũ, được gọi là chuyên gia về Liên Xô. Ông có thể nói tiếng Nga như tiếng Việt bởi ông sang Liên Xô từ rất sớm, sau đó được giữ lại ở Đại sứ quán Việt Nam tại Liên Xô, từ đó ông công tác trong ngành Ngoại giao. Ông cũng là người phiên dịch cho Bác Hồ, cho các nhà lãnh đạo của Việt Nam như ông Lê Duẩn, ông Trường Chinh, ông Phạm Văn Đồng….Công tác tại Đại sứ quán Việt Nam tại Liên Xô nhiều nhiệm kỳ, nên ông rất am hiểu về Liên Xô.

Nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Phú Bình.Sau này ông về nước và công tác ở nhiều cương vị khác nhau tại Bộ Ngoại giao và trở thành Thứ trưởng, phụ trách chúng tôi. Trong các thế hệ lãnh đạo Bộ Ngoại giao, thế hệ của ông là thế hệ đặc biệt. Ông cũng là người gần gũi, làm việc trực tiếp dưới quyền Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch – một thế hệ lãnh đạo lão luyện nhưng rất nhạy cảm với tư tưởng đổi mới và hội nhập. Sau này khi ở những cương vị cao hơn, ông Vũ Khoan lại tiếp tục đường lối đổi mới, mở cửa và cũng là những người thực hiện rất xuất sắc.

Có thể nói, ông Vũ Khoan là một trong những cây đại thụ của Ngoại giao Việt Nam, một trong những người thầy lớn của thế hệ chúng tôi.

Chúng tôi cảm phục ông ở khả năng đọc, nghiên cứu và tổng kết

PV: Làm việc trực tiếp dưới quyền Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Khoan lúc đó, ông có cảm nhận gì về con người ông Vũ Khoan?

Nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Phú Bình: Ông Vũ Khoan có kiến thức rất đa dạng, được phân công những công việc khác nhau, nhưng nhiệm vụ nào ông cũng hoàn thành xuất sắc. Là cán bộ Ngoại giao, rồi lãnh đạo Bộ Ngoại giao, sau này khi được điều sang làm Bộ trưởng Thương mại, ông cũng hoàn thành rất tốt nhiệm vụ. Đó là lúc chúng ta đang đàm phán để ký kết Hiệp định Thương mại song phương với Mỹ cũng như đàm phán gia nhập WTO. Với góc nhìn của người công tác lâu năm trong ngành Ngoại giao, kết hợp với nhiệm vụ mới, đã giúp ông thực hiện công việc thuận lợi hơn, xuất sắc hơn.

Rất nhiều nhiệm vụ mới được ông thực hiện trôi chảy. Tôi hiểu kết quả đó không phải tự nhiên mà có, một phần có công học hỏi, phấn đấu, cộng với những kiến thức, kinh nghiệm thu lượm được từ những người lãnh đạo cấp cao của đất nước hay những thế hệ khai quốc công thần ở Việt Nam, cộng với tố chất của một người rất nhạy cảm và hiểu biết, tôi cảm nhận, ở lĩnh vực hội nhập quốc tế, WTO, ASEAN, APEC…, nói chung là những lĩnh vực liên quan ngoại giao đa phương, ông là người lãnh đạo tuyệt vời.

Với cá nhân, tôi ấn tượng với ông về công tác nghiên cứu, bởi làm ngoại giao, muốn xử lý công việc tốt, muốn đề xuất được những phương hướng lâu dài, kể cả những sáng kiến để xử lý những công việc nhất thời, thì đều phải có kiến thức. Kiến thức ấy có thể bằng 2 con đường, học với những người trước hoặc tự mình nghiên cứu. Ông Vũ Khoan có đầy đủ cả 2 con đường ấy. Chúng tôi cảm phục ông ở khả năng đọc, nghiên cứu và tổng kết, đúc rút. Nhìn những cuốn sách dày cộp ông hay đọc, chúng tôi không khỏi khâm phục bởi mình là người trẻ hơn nhưng không có được năng lực hay sự ham mê đọc như ông.

Được biết là trước khi ông mất, ông vẫn còn trăn trở nhiều việc, vẫn còn viết tài liệu. Ông cũng đã để lại những thành quả rất to lớn về công tác nghiên cứu. Ông đọc nhiều, nhưng không bị ngập trong khối kiến thức, ông rút ra được những gì quan trọng nhất, chất lượng nhất ở mỗi tài liệu. Khi nghe những phát biểu của ông, chúng tôi thấy rất khúc triết, không vòng vo, mạch lạc, rõ ràng. Người nghe rất dễ nắm bắt.

Khi ông Vũ Khoan giữ trọng trách Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, phụ trách khu vực Đông Bắc Á, tôi là Chánh Văn phòng Bộ, nên trực tiếp làm việc dưới quyền ông, phục vụ cho lãnh đạo Bộ.

Sau này khi làm Thứ trưởng Bộ Ngoại giao phụ trách khu vực Đông Bắc Á, tôi có điều kiện làm việc và nhận sự chỉ đạo của ông, khi đó là Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng phụ trách công tác đối ngoại.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Phú Bình từng có nhiều thời gian làm việc và nhận sự chỉ đạo của ông Vũ Khoan.PV: Nhắc đến nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, nhiều người nhớ đến ông ở giai đoạn mở cửa và hội nhập với những đóng góp xuất sắc phải không thưa ông?

Nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Phú Bình: Ngoại giao luôn gắn liền và phục vụ nhiệm vụ của mỗi giai đoạn cách mạng: thời kỳ chiến tranh, triển khai đấu tranh ngoại giao, trong đó, trọng tâm là đàm phán, dẫn đến ký kết Hiệp định Paris năm 1973 và thắng lợi hoàn toàn năm 1975. Chiến tranh kết thúc, trong khi phải đối mặt với những hậu quả chiến tranh khủng khiếp, đất nước ta lại phải đương đầu với cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc và cuộc bao vây, cấm vận quốc tế sau khi chúng ta đưa quân vào Campuchia lật đổ chế độ Khmer đỏ, cứu nhân dân Campuchia khỏi hoạ diệt chủng. Khó khăn tăng lên gấp bội, kinh tế trì trệ, đời sống nhân dân hết sức khó khăn. Nhiệm vụ của ngoại giao là phải phục vụ yêu cầu chiến lược, đưa đất nước thoát khỏi bao vây, cấm vận.

Nhận nhiệm vụ Thứ trưởng Bộ Ngoại giao vào năm 1990, ông Vũ Khoan đã trực tiếp đi đàm phán quan hệ với nhiều nước, nhiều đối tác. Muốn giải quyết được bao vây cấm vận thì trước hết phải giải quyết vấn đề Campuchia và Thứ trưởng Vũ Khoan lúc đó cũng tham gia vào quá trình này. Năm 1991, chúng ta bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc. Tiếp đó, chúng ta cải thiện và bình thường hóa quan hệ với ASEAN, Mỹ và nhiều đối tác khác.

Đây là một giai đoạn lịch sử đối với ngành Ngoại giao. Rất nhiều những khó khăn, trở ngại. Khi giải quyết được thì đó cũng là giai đoạn hào hùng của Ngoại giao Việt Nam. Nhiệm vụ đặt ra đối với chúng ta là đổi mới, mở cửa và hội nhập, từ hội nhập kinh tế đến hội nhập toàn diện. Và chúng tôi nghĩ rằng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Khoan rồi sau này thành Bộ trưởng Thương mại, Phó Thủ tướng, Bí thư Trung ương Đảng đã có những đóng góp hết sức quan trọng.Liên Xô tan rã, chỗ dựa của chúng ta lâu nay bị khủng hoảng vì thế nếu ta không bình thường hóa, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ với các nước, có thể chúng ta không thể tồn tại được như ngày nay. Bình thường hóa quan hệ với các nước lớn, hội nhập ASEAN, WTO, APEC, ASEM…đều có dấu ấn của ông Vũ Khoan.

 Bộ trưởng Bộ Thương mại Vũ Khoan và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Zoellick ký Hiệp định Thương mại song phương (tháng 12/2001) (Ảnh: TTXVN).Ông Vũ Khoan là một nhà Ngoại giao bản lĩnh và trí tuệ

PV: Trong giải quyết các vấn đề đối ngoại song phương và đa phương, ông thấy nổi lên phẩm chất gì của ông Vũ Khoan?

Nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Phú Bình: Thực ra, cùng là đàm phán bình thường hoá quan hệ với các đối tác khác nhau nhưng các cuộc đàm phán đó không hẳn giống nhau, do lợi ích và vị thế của mỗi đối tác đối với ta cũng không hoàn toàn giống nhau, những nhân tố về văn hoá và lịch sử cũng có ảnh hưởng nhất định! Vì vậy, trong đàm phán với một số đối tác, ta có thể tỏ thái độ mềm mỏng, tế nhị, thuyết phục, nhưng đối với các đối tác mà họ luôn tỏ thái độ cứng rắn, không khoan nhượng, thậm chí áp đặt thì ta cũng cần tỏ rõ thái độ kiên quyết, thẳng thắn mà trong ngành ngoại giao thường gọi là " ngửa bài" trước đối phương! Phó Thủ tướng Vũ Khoan là người có đủ các tố chất đó để có thể đàm phán thành công với các đối tác khác nhau.

Tôi nghĩ ở ông có phẩm chất rất đáng quý, cần mềm thì rất mềm, cần rõ ràng, thẳng thắn, bộc trực cũng sẵn sàng. Đấy là tác phong cần có khi thương lượng với các nước. Nguyên tắc mình vẫn giữ nhưng linh hoạt trong cách thức thực hiện. Mỗi đối tác lại có cách ứng xử riêng. Ông Vũ Khoan rất linh hoạt trong những việc đó. Sau này có điều kiện gặp gỡ những đối tác mà ông từng đám phán, họ đều đánh giá rất cao phẩm chất này, kể cả những đối tác mà chúng ta cần sự sòng phẳng

Những người biết ông đều nhận thấy ở ông một người bản lĩnh, bởi khi anh đã nắm được nguyên tắc anh mới bản lĩnh được. Nếu vừa làm vừa sợ, làm nhưng không biết có đúng chủ trương hay không thì anh không thể vận dụng tốt được. Khi nắm vững nguyên tắc, anh có thể đưa ra được những biện pháp, chiến thuật đàm phán như vậy mới linh hoạt. Để có được điều đó đòi hỏi phải có bản lĩnh và hiểu biết. Và ông Vũ Khoan hội đủ hai yếu tố đó.

Một trong những đóng góp của ông Vũ Khoan là đề xuất mở rộng hợp tác quốc tế cả song phương và đa phương, trong đó có quan hệ với Nhật Bản

PV: Từng là Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản, ông đánh giá thế nào về vai trò của ông Vũ Khoan trong quan hệ với Nhật?

Nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Phú Bình: Vâng, một trong những đóng góp của ông Vũ Khoan là đề xuất mở rộng hợp tác quốc tế cả song phương và đa phương, trong đó có quan hệ với Nhật Bản. 

Nhật Bản thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam năm 1973. Tuy nhiên, Nhật Bản là một đồng minh của Mỹ nên chúng ta hoàn toàn hiểu được họ có những biện pháp ngừng viện trợ cho Việt Nam, nhất là khi vấn đề Campuchia xảy ra.

Từ năm 1980 trở đi, những viện trợ của Nhật đều bị cắt. Năm 1992, Nhật Bản bỏ cấm vận với Việt Nam và nối lại viện trợ. Tất cả những việc này là một quá trình xuyên suốt, ông Vũ Khoan lúc đó là Thứ trưởng Ngoại giao đã góp phần thúc đẩy việc nối lại viện trợ rất suôn sẻ, tất nhiên trên cái nền chúng ta đã giải quyết tốt vấn đề Campuchia. Là người am hiểu về Nhật Bản, hiểu rõ vị thế quốc tế và lợi ích của Nhật trong quan hệ với ta, ông luôn có thái độ ứng xử rất mềm mỏng, tế nhị và xây dựng khi tiếp xúc với Nhật và chính ông đã đóng vai trò trưởng đoàn đàm phán dẫn đến việc Nhật Bản nối lại ODA cho Việt Nam năm 1992, sau khi các bên thoả thuận về giải pháp cho vấn đề Campuchia".

Sau này giữ chức vụ Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách vấn đề Đông Bắc Á, tôi cũng thấy rất nhiều biện pháp thời kỳ trước đó mà ông Vũ Khoan đảm nhận được phía Nhật đánh giá cao. Đến năm 2002, Nhật Bản có sáng kiến chung Nhật-Việt về cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh của Việt nam. Kết quả đó là cả một quá trình, khi họ thấy tin cậy họ mới đưa ra và sáng kiến đó rất có lợi cho Việt Nam.

Ông Vũ Khoan cũng là lãnh đạo thứ 2 của Việt Nam được nhận Huân chương Mặt trời mọc của Nhật Bản. Thực ra, Nhật Bản là nước ít tặng Huân chương cho lãnh đạo các nước, ngay cả trong nội bộ nước họ cũng vậy nên người nào được tặng Huân chương là vinh dự rất lớn. Ở Việt Nam, sau ông Phan Văn Khải là ông Vũ Khoan. Quan hệ với Nhật Bản năm nay tròn 50 năm, rất tiếc là ông lại mất đúng vào năm nay.

Quan hệ với Nhật, hai bên không có lợi ích đối kháng, mà có khả năng bổ sung cho nhau. Nhưng nếu không có những quyết sách, những biện pháp mạnh mẽ thì quan hệ sẽ không phát triển nhanh được.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Nhóm PV/VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận