Cụ thể hóa nhận thức chung của lãnh đạo hai nước Việt - Trung

Chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có ý nghĩa quan trọng trong việc cụ thể hóa các nhận thức chung của hai Tổng Bí thư.

 

Tối 28/6, chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn lãnh đạo cấp cao Việt Nam rời thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc về đến Thủ đô Hà Nội kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 14 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF).

Chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có ý nghĩa quan trọng trong việc cụ thể hóa các nhận thức chung của hai Tổng Bí thư, nhất là Tuyên bố chung tháng 11/2022 về việc tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước. Chuyến thăm đã thành công tốt đẹp và đạt nhiều kết quả quan trọng.

Tại Đại lễ đường Nhân dân, trong bầu không khí trang trọng, thân tình, hữu nghị, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã chủ trì lễ đón Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Lễ đón chính thức Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Đại lễ đường nhân dân ở Bắc Kinh.

Thủ tướng Lý Cường vui mừng được chào đón Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm chính thức Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.

Ông chia sẻ, Việt Nam là nền kinh tế rất năng động ở Đông Nam Á, việc Thủ tướng tham dự diễn đàn lần này tin rằng sẽ đóng vai trò tích cực trong việc tìm ra con đường phục hồi cho nền kinh tế toàn cầu.

"Năm nay kỷ niệm 15 năm thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung Quốc - Việt Nam. Dưới sự dẫn dắt của Tổng Bí thư Tập Cận Bình và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, quan hệ hai Đảng, hai nước đã duy trì đà phát triển tốt đẹp. Chúng ta cần chung tay tiến bước theo phương hướng mà lãnh đạo cao nhất của hai bên đã vạch ra, từ xuất phát điểm mới, đưa quan hệ song phương lên một tầm cao mới", Thủ tướng Lý Cường cho biết.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cảm ơn Thủ tướng Lý Cường đã dành cho Đoàn những tình cảm rất chân thành, nồng ấm tại Đại lễ đường Nhân dân; cảm ơn Thủ tướng Lý Cường đã mời sang thăm chính thức Trung Quốc và dự hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 14, Diễn đàn kinh tế thế giới tại Thiên Tân.

"Sự thu xếp đặc biệt này không chỉ thể hiện tình cảm sâu đậm giữa hai Đảng, hai nước mà còn cho chúng ta có thêm cơ hội làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt - Trung, nhất là trong bối cảnh quan hệ hai nước đang có nhiều bước tiến tích cực và tiếp tục cụ thể hóa chuyến thăm có ý nghĩa lịch sử của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm Trung Quốc cuối năm 2022", Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết.

Trong chuyến đi này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã hội đàm, hội kiến với tất cả 4 lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình, Thủ tướng Quốc vụ viện Lý Cường, Ủy viên trưởng Nhân đại Triệu Lạc Tế, Chủ tịch Chính hiệp Vương Hộ Ninh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình.

Lãnh đạo cấp cao hai bên đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường tin cậy chính trị, xử lý thỏa đáng và kiểm soát tốt bất đồng, đưa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc phát triển ổn định, lành mạnh, hiệu quả lâu dài.

Trong các cuộc gặp, các lãnh đạo cấp cao Trung Quốc đều khẳng định hết sức coi trọng quan hệ hữu nghị hai Đảng, hai nước, thể hiện thành ý, thiện chí trong việc làm sâu sắc hơn nữa các mặt hợp tác giữa hai bên, nhất là trên kênh Đảng, trong các lĩnh vực trọng yếu như an ninh, quốc phòng. Đặc biệt, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định, việc phát triển quan hệ với Việt Nam là lựa chọn chiến lược của Trung Quốc, Trung Quốc coi trọng phát triển quan hệ lâu dài với Việt Nam.

Hai bên đạt nhiều nhận thức chung quan trọng, nhất trí trong nhiều biện pháp cụ thể về thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực giữa hai nước, góp phần tạo cơ sở vật chất quan trọng cho thúc đẩy quan hệ hai nước Việt Nam - Trung Quốc trong thời gian tới. Trong đó nhất trí nâng cao chất lượng hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, đẩy mạnh kết nối giao thông, nhất là trong lĩnh vực đường sắt, đường bộ, hạ tầng cửa khẩu, nâng cao hiệu suất thông quan, duy trì giao thương thông suốt, bảo đảm chuỗi sản xuất và chuỗi cung ứng.

Phía Trung Quốc khẳng định sẽ tăng cường nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam, nhất là hàng nông sản, tăng thêm hạn ngạch cho hàng hóa Việt Nam quá cảnh bằng đường sắt Trung Quốc đi nước thứ ba, mở rộng đầu tư chất lượng cao của Trung Quốc vào những lĩnh vực phù hợp với nhu cầu của Việt Nam.

Cùng với đó, Thủ tướng đã tham gia nhiều hoạt động như gặp gỡ với bà con nhân dân Việt Nam tại Trung Quốc và các nhân sỹ hữu nghị, tiếp xúc với nhiều doanh nghiệp lớn của Trung Quốc, đi khảo sát Khu mới Hùng An - đô thị kiểu mẫu mới nhất về cải cách mở cửa và đổi mới sáng tạo của Trung Quốc tại tỉnh Hà Bắc…. Các doanh nghiệp đều đánh giá cao môi trường và triển vọng đầu tư của Việt Nam, đồng thời bày tỏ mong muốn mở rộng đầu tư vào Việt Nam thời gian tới.

Đặc biệt, tại Diễn đàn Hợp tác đầu tư và thương mại Việt Nam - Trung Quốc, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Quốc Trung khẳng định: Trung Quốc sẵn sàng cùng Việt Nam phát huy đầy đủ Hiệp định Thương mại tự do Trung Quốc - ASEAN, đồng thời thúc đẩy cân bằng thương mại song phương. Trung Quốc ủng hộ cung cấp nhiều dịch vụ xúc tiến đầu tư tốt hơn cho doanh nghiệp hai nước và sẵn sàng cùng Việt Nam thực hiện chủ nghĩa đa phương, “cùng thắng, cùng có lợi”.

“Phía Trung Quốc ủng hộ Việt Nam tận dụng các diễn đàn, hội chợ triển lãm nhập khẩu, hội chợ giao dịch sản phẩm xuất nhập khẩu Trung Quốc và Hội chợ triển lãm Trung Hoa - ASEAN và các diễn đàn thương mại điện tử, tích cực khai thác thị trường Trung Quốc tạo nhiều cơ hội hợp tác hơn cho doanh nghiệp hai nước, làm sâu sắc hơn, hợp tác năng lực sản xuất và đầu tư công nghiệp. Phía Trung Quốc sẵn sàng cùng với phía Việt Nam cùng xây dựng tốt hợp tác kinh tế thương mại; tìm kiếm hợp tác giao lưu trong các lĩnh vực phát triển xanh, kinh tế số, ứng phó biến đổi khí hậu, thúc đẩy xây dựng hệ thống chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất an toàn và ổn định; phía Trung Quốc khuyến khích động viên các doanh nghiệp có thực lực, có danh tiếng và công nghệ cao theo nguyên tắc thị trường hóa thương mại hóa sang Việt Nam đầu tư", Phó Thủ tướng Trung Quốc cho biết.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Diễn đàn hợp tác đầu tư và thương mại Việt Nam - Trung Quốc.

Về phần mình, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Việt Nam cam kết làm hết sức mình để hoàn thiện thể chế, đầu tư phát triển hạ tầng để giảm chi phí, nâng chất lượng, hiệu quả, và ưu tiên, tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư nước ngoài trong đó có Trung Quốc đầu tư tại Việt Nam.

Thủ tướng nhấn mạnh, ưu tiên của Việt Nam là thu hút đầu tư có chọn lọc, hiệu quả bền vững, lấy chất lượng, hiệu quả công nghệ và bảo vệ môi trường, đổi mới sáng tạo là tiêu chí đánh giá chủ yếu; tập trung vào khuyến khích các lĩnh vực thuộc lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, chuỗi giá trị cung ứng của các nhà doanh nghiệp nước ngoài, thúc đẩy kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, phát triển bền vững công nghệ số và tăng trưởng xanh.

Đặc biệt, Việt Nam kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư Trung Quốc tham gia đầu tư phát triển các công trình kết cấu hạ tầng chiến lược, đây là một cơ hội rất tốt để cho các nhà đầu tư thương mại Trung Quốc và Việt Nam nâng cao phạm vi đối tượng hoạt động, chất lượng sản phẩm để thâm nhập các thị trường của nhau.

"Chúng ta quyết tâm lập những kỷ lục mới về đầu tư về thương mại và về phát triển quan hệ kinh tế, cả về hạ tầng cứng và hạ tầng mềm cho Việt Nam cũng như cho Trung Quốc và đặc biệt là đối với Việt Nam", Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết.

Bên cạnh đó, các đoàn viên chính thức, lãnh đạo các bộ ngành và các địa phương đã có nhiều cuộc làm việc, trao đổi, tiếp xúc song phương với lãnh đạo các cơ quan tương ứng của Trung Quốc, góp phần tăng cường hiểu biết, tin cậy lẫn nhau, tạo cơ sở quan trọng để làm sâu sắc hơn nữa giao lưu, hợp tác trên các lĩnh vực giữa hai nước thời gian tới.

Đặc biệt về phát triển kinh tế biên mậu và xây dựng cửa khẩu thông minh, Chủ tịch UBND Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu cho biết, với sự quan tâm của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong phát triển kinh tế biên mậu, Thủ tướng đã giao cho các địa phương có các giải pháp và hội đàm với phía Trung Quốc thúc đẩy các giải pháp để thông quan hàng hóa.

"Một trong những công việc mà Thủ tướng rất quan tâm thúc đẩy đó chính là việc xây dựng các cửa khẩu thông minh. Trong chuyến thăm Trung Quốc lần này, tỉnh Lạng Sơn đã ký thỏa thuận khung về xây dựng cửa khẩu thông minh với Quảng Tây, Trung Quốc. Chúng tôi tin tưởng rằng, với thỏa thuận này và sự tích cực triển khai của hai bên, trong thời gian tới, thông quan hàng hóa sẽ được đẩy nhanh và sẽ tăng về kim ngạch xuất khẩu hàng hóa qua biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc, góp phần vào phát triển kinh tế xã hội của đất nước ta", Chủ tịch tỉnh Lạng Sơn nói.

Trong chuyến đi này, Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới Thiên Tân. Đây là một trong những sự kiện kinh tế có quy mô hàng đầu thế giới, quy tụ nhiều nhà lãnh đạo Chính phủ các nước và khoảng 1.400 tập đoàn, doanh nghiệp lớn trên toàn cầu, với sự tham gia của các nhà lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo nhiều tổ chức quốc tế và các chuyên gia kinh tế uy tín.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới Thiên Tân.

Thủ tướng Chính phủ đã có lịch trình làm việc dày đặc trong gần 24 tiếng tại Thiên Tân, gồm tham dự và phát biểu nhiều phiên họp quan trọng, có các cuộc trao đổi thực chất, hiệu quả, cởi mở với lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế và tập đoàn hàng đầu thế giới.

Nổi bật là các cuộc gặp với Chủ tịch WEF Klaus Schwab, Thủ tướng Chính phủ các nước New Zealand, Barbaros, Mông Cổ, Tổng Giám đốc Tổ chức thương mại thế giới (WTO) và đông đảo lãnh đạo doanh nghiệp, nhất là tại Đối thoại chiến lược quốc gia Việt Nam – WEF và Phiên thảo luận “Đương đầu với các cơn gió ngược: khởi động lại tăng trưởng trong bối cảnh mong manh” Thủ tướng đã nhấn mạnh 6 “cơn gió ngược” đang cản trở sự tăng trưởng của kinh tế thế giới và Việt Nam.

Theo Thủ tướng, có 6 "cơn gió ngược" đang cản trở sự phát triển của thế giới, cũng như Việt Nam. Thứ nhất là suy giảm kinh tế, lạm phát tác động đến đời sống của người dân; yếu tố thứ hai là hậu quả của đại dịch Covid-19 trong hơn 2 năm và còn có thể kéo dài không thể giải quyết trong một vài năm; thứ ba là cạnh tranh địa chiến lược, chủ nghĩa bảo hộ, phân mảnh, thiếu sự liên kết; thứ 4 là xung đột Ukraine đang mang lại nguy cơ đe dọa an ninh lương thực, an ninh năng lượng, các vấn đề khác liên quan đến toàn cầu; thứ năm là các "cơn gió ngược" tác động nhiều nhất đến các nước đang phát triển; thứ sáu là biến đổi khí hậu và thiên tai, dịch bệnh phức tạp, khó lường.

Để đương đầu với các "cơn gió ngược”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra cách tiếp cận và sáu định hướng quan trọng.

Thủ tướng nhấn mạnh: "Cách tiếp cận toàn cầu thì chúng ta phải đoàn kết toàn cầu, đề cao chủ nghĩa đa phương và cách tiếp cận toàn dân thì phải đề cao người dân, người dân vừa là chủ thể vừa là trung tâm vừa là nguồn lực, vừa là động lực khắc phục những khó khăn này. Phục hồi sớm sản xuất kinh doanh, tạo ra công ăn việc làm, đẩy mạnh thương mại đầu tư; các tổ chức quốc tế, các định chế tài chính quốc tế cũng phải vào cuộc tham gia vào các chính sách, phải có ưu tiên, có chính sách cho những vấn đề cần phải giải quyết mang tính toàn cầu, mang tính toàn dân".

Cũng theo Thủ tướng, phải kích hoạt động lực tăng trưởng mới như là chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, bỏ rào cản, bỏ phòng vệ thương mại và đa dạng hóa thị trường, chống chủ nghĩa bảo hộ, đặc biệt là ưu tiên cho các nước nghèo, các nước đang phát triển; phải có chính sách, giải pháp phù hợp thúc đẩy tổng cung và tổng cầu của toàn thế giới; không chính trị hóa các vấn đề kinh tế, các yếu tố cản trở sự phát triển chung của toàn cầu; và sớm tìm ra các giải pháp giải quyết các cuộc xung đột; phải tăng cường hợp tác công - tư để tạo ra nguồn lực tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam tham dự và phát biểu tại Đối thoại chiến lược quốc gia Việt Nam và Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF).

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, thông điệp này của Thủ tướng được đánh giá cao và trở thành định hướng thống nhất cao tại Hội nghị WEF năm nay. Ông cũng nhấn mạnh, sự tham gia của Thủ tướng đã tiếp tục góp phần thúc đẩy thực chất quan hệ giữa Việt Nam và WEF đặc biệt là việc hai bên đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) giai đoạn 2023-2026.

“Việc hai bên ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) giai đoạn 2023-2026, tập trung vào những lĩnh vực khả thi như đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh, tài chính xanh, chuyển đổi số… đã tạo nền tảng để tăng cường quan hệ hai bên trong giai đoạn mới. Với kết quả quan trọng này, WEF sẽ đẩy mạnh hơn nữa hợp tác, hỗ trợ Việt Nam về tư vấn chính sách và nâng cao năng lực thích ứng trước các xu thế phát triển mới, hỗ trợ các Bộ, ngành, địa phương trong những vấn đề có lợi ích thiết thực như nông nghiệp thông minh, phát triển các cụm công nghiệp hướng tới phát thải ròng bằng không, thành lập Trung tâm cách mạng công nghiệp lần thứ tư tại Việt Nam…Các cuộc gặp gỡ của Thủ tướng Chính phủ với lãnh đạo các nước tại Hội nghị cũng góp phần tiếp tục làm sâu sắc quan hệ giữa Việt Nam với Mông Cổ, New Zealand, Barbados, đặc biệt trong lĩnh vực còn rất nhiều tiềm năng như kinh tế, thương mại, du lịch", Bộ trưởng nói.

Sự tham gia lần đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị thường niên mùa hè của Diễn đàn kinh tế thế giới đã tạo dấu ấn tốt với cộng đồng doanh nghiệp quốc tế về vai trò, vị thế của Việt Nam, tiềm năng và triển vọng tươi sáng của nền kinh tế Việt Nam.

Những đóng góp thiết thực của Việt Nam tại Hội nghị WEF Thiên Tân đã góp phần quan trọng vào thành công của Hội nghị, đóng góp thúc đẩy quan hệ Việt Nam - WEF, tăng cường hơn nữa việc thu hút các nguồn lực bên ngoài phục vụ thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Theo  VOV.VN

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận