Thủ tướng chủ trì Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương tháng 6/2023

Sáng 3/7, Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2023 được khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì.

 

Hội nghị nhằm đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2023, đề ra những nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới; khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong giải quyết công việc của một bộ phận cán bộ, công chức.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị.

Dự hội nghị tại điểm cầu Trụ sở Chính phủ có Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; các Phó Thủ tướng Chính phủ: Lê Minh Khái, Trần Hồng Hà; các Bộ trưởng, Thủ tưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương. Dự hội nghị tại 63 điểm cầu ở các tỉnh, thành phố có Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Toàn cảnh Hội nghị.

Trong hội nghị này, lãnh đạo các ban bộ ngành trung ương và địa phương sẽ nghe, thảo luận các nội dung cụ thể: tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2023, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm; tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06 tháng 01 năm 2023 của Chính phủ; tình hình triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tình hình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công; tình hình triển khai 03 Chương trình mục tiêu quốc gia; dự thảo Nghị quyết về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và an sinh xã hội trong tình hình mới; Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2023; Báo cáo việc huy động nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài và tỷ lệ vay lại vốn vay nước ngoài của các dự án vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17 tháng 11 năm 2017 của Chính phủ về phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.

Các đại biểu dự Hội nghị.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chúng ta đã đi qua nửa đầu năm 2023, cũng là nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng và Quốc hội khóa XV. Tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, nổi lên 6 cơn gió ngược: tăng trưởng suy giảm , lạm phát hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao; hậu quả của đại dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng nề; cạnh tranh địa chiến lược, chủ nghĩa bảo hộ, sự phân tách, phân mảnh, thiếu sự liên kết chặt chẽ, chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy cục bộ; các cuộc xung đột, trong đó có cuộc xung đột ở Ukraine chưa chấm dứt; nhiều nước vẫn thắt chặt chính sách tiền tệ, ảnh hưởng đến kinh tế của các nước, nhất là những nước đang phát triển; biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường.

Về tình hình trong nước Thủ tướng cho biết: "Nền kinh tế chịu tác động kép, vừa phải chống chịu với sức ép từ cả bên trong và bên ngoài, nhất là bởi: quy mô nền kinh tế còn khiêm tốn, độ mở lớn, sức chống chịu và khả năng thích ứng còn hạn chế; công việc thường xuyên ngày càng nặng nề hơn, yêu cầu, đòi hỏi cao hơn; các vấn đề tồn đọng, kéo dài ngày càng bộc lộ rõ hơn; nhiều vấn đề phát sinh cần phải giải quyết; sức chống chịu của doanh nghiệp bị bào mòn; xuất nhập khẩu, thu hút FDI gặp nhiều thách thức khi thương mại toàn cầu suy giảm và cạnh tranh gia tăng; sức ép từ thực tiễn, như: vấn đề thuế tối thiểu toàn cầu, các quy định mới từ các thị trường lớn về hàng hóa nhập khẩu với đòi hỏi khắt khe hơn."

Các đại biểu dự Hội nghị.

Thủ tướng nhấn mạnh, trong bối cảnh đó, các cấp, các ngành, các địa phương đã nỗ lực vượt bậc, triển khai quyết liệt, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm các nhiệm vụ, giải pháp đề ra.

Thủ tướng nhấn mạnh: "Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng mà trực tiếp thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và sự đồng hành, phối hợp chặt chẽ của Quốc hội, các cơ quan trong hệ thống chính trị, sự ủng hộ tham gia tích cực của người dân, cộng đồng doanh nghiệp và sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, các địa phương, các đồng chí đã nỗ lực chỉ đạo, điều hành, quản lý và quyết liệt trong các nhiệm vụ được giao, kịp thời hiệu quả hơn trong tình hình khó khăn vừa qua. Trong đó thì chúng ta đã tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm cấp bách hiện nay là tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp tạo công ăn việc làm, tạo sinh kế cho người dân, thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo các cân đối lớn, ổn định kinh tế vĩ mô, giữ vững an ninh quốc phòng, thúc đẩy hội nhập quốc tế tiếp tục đẩy mạnh công cuộc phòng, chống tham nhũng tiêu cực."

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các đại biểu tham dự Hội nghị tập trung thảo luận tình hình kinh tế - xã hội tháng 6, quý II và 6 tháng đầu năm.

Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc như: Tăng trưởng kinh tế thấp hơn kịch bản đề ra; doanh gặp nhiều khó khăn, tình trạng người lao động mất việc, giảm giờ làm; an ninh, trật tự tiềm ẩn rủi ro; thể chế, kỷ luật, kỷ cương có lúc có nơi còn chưa nghiêm, tình trạng cán bộ, công chức sợ sai, né tránh trách nhiệm...

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các đại biểu tham dự Hội nghị tập trung thảo luận tình hình kinh tế - xã hội tháng 6, quý II và 6 tháng đầu năm. Trong đó nêu rõ những mặt tích cực, những hạn chế cần khắc phục, bài học kinh nghiệm; phân tích bối cảnh, tình hình; đề xuất giải pháp trọng tâm, điểm mấu chốt, khâu đột phá thực hiện các nhiệm vụ tháng 7 và 6 tháng cuối năm 2023./.

Theo VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận