Nửa nhiệm kỳ và dấu ấn nổi bật của đối ngoại quốc phòng Việt Nam

  • 06/07/2023 09:00:00
  • Trường Giang/Phát thanh Quân đội
  • Chính trị
  • 0

Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, đối ngoại quốc phòng đã được triển khai toàn diện, sâu rộng, tạo nhiều dấu ấn trong quan hệ quốc tế.

 

Qua đó, góp phần củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, nâng tầm vị thế của đất nước.

Sau 2 năm bị gián đoạn bởi đại dịch Covid-19, các hoạt động đối ngoại quốc phòng được tổ chức trở lại. Lãnh đạo Bộ Quốc phòng Việt Nam đã tích cực, chủ động tham gia và đề xuất sáng kiến tại các diễn đàn quốc phòng của khu vực và thế giới, như: Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN lần thứ 16, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng lần thứ 9. Đồng thời, Bộ Quốc phòng triển khai hiệu quả các hoạt động trong năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào, năm đoàn kết Việt Nam - Campuchia. Việt Nam đăng cai tổ chức thành công, nhiều sự kiện đa phương lớn, như Hội nghị Tư lệnh Lục quân ASEAN lần thứ 23; Giải bắn súng quân dụng Lục quân ASEAN lần thứ 30; cuộc thi “Vùng tai nạn” trong khuôn khổ Hội thao quân sự quốc tế Army Games; Tổ chức Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022.

Nhìn lại những dấu ấn nổi bật của đối ngoại quốc phòng trong nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, Thiếu tướng, GS-TS Nguyễn Hồng Quân, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng nhận định: Đối ngoại quốc phòng Việt Nam đã góp phần to lớn vào thực hiện kế sách bảo vệ Tổ quốc từ xa, ngăn ngừa nguy cơ chiến tranh và xung đột.

Phát triển quan hệ hợp tác quốc phòng với các nước ASEAN

PV: Năm 2022, chúng ta lần đầu tiên tổ chức Triển lãm Quốc phòng quốc tế tại Việt Nam. Sự kiện này đã thu hút hơn 170 doanh nghiệp quốc phòng đến từ 30 quốc gia tham gia trưng bày vũ khí và sản phẩm công nghiệp quốc phòng. Sự kiện này có ý nghĩa như thế nào đối với Việt Nam, thưa Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân?

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân: Năm 2022 lần đầu tiên chúng ta tổ chức Triển lãm quốc phòng quốc tế Việt Nam. Triển lãm nhằm tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế về lĩnh vực công nghiệp quốc phòng giữa Việt Nam và các quốc gia tham dự. Qua đó, quảng bá, tuyên truyền về năng lực, tiềm lực công nghệ vũ khí, trang bị do Việt Nam sản xuất tới bạn bè quốc tế và nhân dân ở trong nước.

Mục tiêu nữa là đa dạng hóa các kênh hợp tác mua sắm, tiếp nhận, chuyển giao công nghệ của nước ngoài, đáp ứng yêu cầu của lực lượng vũ trang, và tìm hiểu xu hướng phát triển công nghiệp quốc phòng trên thế giới hiện nay.

Và mục tiêu quan trọng nữa là tích lũy kinh nghiệm, hướng tới việc tổ chức triển lãm thành một sự kiện định kỳ như một số nước hiện nay vẫn làm. Trước đó, ngay từ thập kỷ 90 của thế kỷ trước, chúng ta đã tham gia một số triển lãm quốc phòng ở châu Âu, châu Á. Một vài đối tác nước ngoài đã có mong muốn tư vấn cho Việt Nam về nội dung này.

Thiếu tướng, GS-TS Nguyễn Hồng Quân, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng (Ảnh: VTC News)PV: Triển lãm được tổ chức ngay sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát. Nhiều bạn bè quốc tế tham dự và có sản phẩm trưng bày tại triển lãm. Có thể coi đó là một trong những dấu ấn nổi bật của đối ngoại quốc phòng Việt Nam từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay không?

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân: Lẽ ra triển lãm năm 2022 được tổ chức từ năm 2020. Nhưng do đại dịch Covid-19 nên phải đến đầu năm 2022, ngay sau khi dịch bệnh Covid-19 cơ bản được kiểm soát thì Bộ Quốc phòng mới tiếp tục chỉ đạo công tác chuẩn bị, để thực hiện triển lãm. Triển lãm để lại một dấu ấn nổi bật nhất của đối ngoại quốc phòng Việt Nam từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay. Có thể nói, triển lãm quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2022 đã ghi dấu ấn mới trong hoạt động đối ngoại quốc phòng. Và tại Hội nghị Quân chính toàn quân năm 2022, Tổng Bí thư, Bí thư Quân ủy Trung ương Nguyễn Phú Trọng đã đánh giá, ghi nhận thành công này của đối ngoại quốc phòng Việt Nam.

PV: Đối ngoại quốc phòng của chúng ta đã góp phần rất quan trọng trong việc kiến tạo môi trường hòa bình, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền lãnh thổ Tổ quốc từ sớm, từ xa, thưa Thiếu tướng?

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân: Đúng thế, đối ngoại quốc phòng Việt Nam có thể nói là đã góp phần to lớn vào thực hiện kế sách bảo vệ Tổ quốc từ xa, ngăn ngừa nguy cơ chiến tranh và xung đột. Nhờ mở rộng quan hệ quốc phòng, chúng ta giữ vững an ninh biên giới trên bộ, tham gia đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo ở các diễn đàn khu vực và thế giới. Nhờ duy trì quan hệ hợp tác kỹ thuật quân sự, chúng ta đã cải tiến, nâng cấp kéo dài thời gian sử dụng và tự chế tạo được một số loại vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự có chất lượng. Chúng ta chuẩn bị tốt nhất cho chiến tranh chính là cách tốt nhất để tránh chiến tranh xảy ra, ngăn ngừa và triệt tiêu sớm các nguy cơ xung đột.

Tại các kỳ tiếp xúc song phương và đa phương chúng ta đã đấu tranh lúc khôn khéo, lúc kiên quyết, thẳng thắn chống lại các nguy cơ gây nguy hại cho độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

Chính sách quốc phòng tự vệ

PV: Tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 19 ở Singapore tháng 6/2022, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam đã nhấn mạnh: Việt Nam luôn khao khát hòa bình và mong muốn thế giới cũng được sống trong hòa bình trọn vẹn. Thiếu tướng có thể cho biết rõ hơn về tính chất hòa bình, tự vệ của nền quốc phòng Việt Nam?

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân: Chính sách quốc phòng hòa bình tự vệ đầu tiên thể hiện là chúng ta không gây chiến với ai, không xâm lược ai. Nhưng chúng ta giữ quyền tự vệ khi bị xâm lược, giữ quyền giáng trả mạnh mẽ khi bị tấn công. Thứ hai, chính sách quốc phòng hòa bình tự vệ thể hiện ở chiến lược quốc phòng của chúng ta, đó là tiến hành chiến tranh nhân dân. Khi đất nước có giặc thì toàn dân là chiến sĩ, khi đất nước có hòa bình thì một đội quân rất nhỏ được giữ lại để làm nòng cốt cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Thể hiện thứ ba cho chính sách quốc phòng tự vệ này là mức đầu tư cho quốc phòng của quốc gia. Đảng, Nhà nước ta đầu tư phù hợp với tốc độ phát triển kinh tế của đất nước.

Tôi lấy ví dụ là ngân sách quốc phòng Việt Nam trong 10 năm qua chưa khi nào chúng ta đạt mức 3% GDP. Với ngân sách hạn hẹp ấy, có thể nói chúng ta bảo đảm trang bị, vũ khí cho bộ đội, cho công tác huấn luyện, cũng như một phần chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lính. Chính sách quốc phòng tự vệ còn được thể hiện là chúng ta kiên quyết kiên trì đấu tranh giải quyết mọi tranh chấp, bất đồng bằng biện pháp hòa bình. Chúng ta không tập trung mua sắm vũ khí tiến công chiến lược, không có ý định phát triển vũ khí hạt nhân.

PV: Cũng vì thế mà chúng ta tổ chức quân đội là để gìn giữ hòa bình, bảo vệ nhân dân, bảo vệ Tổ quốc, tuyệt đối không gây phương hại đến hòa bình thế giới?

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân: Đúng thế, chúng ta tổ chức ra quân đội để bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc chúng ta. Nếu có quốc gia nào xâm phạm, quân đội nhân dân kiên quyết chiến đấu giữ vững từng tấc đất, giữ yên vùng trời, vùng biển đảo thân yêu của Tổ quốc.

Trong bối cảnh thế giới đang rất bất ổn như hiện nay, chúng ta chủ trương tăng cường khả năng quốc phòng để bảo vệ hiệu quả hơn độc lập, tự chủ chiến lược, cũng như bảo vệ vững chắc hơn đất nước của mình. Chúng ta tăng cường khả năng quốc phòng, không đơn thuần là mua sắm, sản xuất hiện đại hóa vũ khí, trang bị, mà là nâng cao sức mạnh quốc phòng trên nhiều phương diện, xây dựng tiềm lực quốc phòng quân sự theo chiến lược thống nhất, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phù hợp với khả năng tác chiến và trình độ cũng như năng lực của lực lượng vũ trang Việt Nam.

Cần sự minh bạch trong tăng cường năng lực quốc phòng

PV: Trong khi chúng ta luôn cố gắng cao nhất để đóng góp cho hòa bình thế giới, thì rất nhiều quốc gia đang có xu hướng chạy đua vũ trang, tung hô, quảng bá những vũ khí hiện đại. Thiếu tướng có cho rằng, những hoạt động như vậy sẽ chỉ làm cho thế giới gia tăng bất ổn, đe dọa tới hòa bình của nhân loại?

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân: Các nhà sản xuất và nhất là sản xuất vũ khí. Đấy là những mặt hàng vô cùng khan hiếm, khó bán. Cho nên, các nhà sản xuất vũ khí trên thế giới tìm cách quảng bá những thành tựu, những sản phẩm của họ để nhằm mục đích lợi nhuận thôi. Chính những quảng bá đó thúc đẩy chạy đua vũ trang, phổ biến và đe dọa sở hữu vũ khí giết người hàng loạt. Nó làm cho cạnh tranh giữa các nước lớn, làm cho nhiều điểm nóng tiếp tục diễn biến phức tạp, và có phần thêm trầm trọng như chúng ta hiện nay đang chứng kiến. Đồng thời, nó kích hoạt các vấn đề an ninh phi truyền thống, như hoạt động khủng bố hay xung đột sắc tộc, tôn giáo, tranh chấp lãnh thổ, chủ nghĩa ly khai, các hoạt động cực đoan. Điều đó làm cho thế giới thêm bất an, bất ổn, gia tăng đói nghèo lạc hậu, hoặc đe dọa nghiêm trọng hòa bình và an ninh thế giới. Giả sử như ngân sách hằng năm các quốc gia mà dành mua vũ khí, chỉ cần trích lại từ 5 – 7% thôi, thì cũng có thể giải quyết được hết những vấn đề đói nghèo trên thế giới hiện nay. Và thậm chí là không phải dẫn đến tình trạng hàng triệu người tị nạn ở khắp nơi trên thế giới, vì họ phải tránh cuộc chiến tranh xung đột.

PV: Tại Đối thoại Shangri-La năm 2022, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Đại tướng Phan Văn Giang nhấn mạnh, các quốc gia không minh bạch trong việc tăng cường năng lực quốc phòng sẽ dẫn đến những nghi kỵ, hiểu lầm. Vậy theo Thiếu tướng sẽ dẫn đến những hệ lụy như thế nào?

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân: Vâng, tăng cường năng lực quốc phòng thì cần phải minh bạch. Nếu không minh bạch, không công khai thì sẽ rất dễ dẫn đến hệ lụy là nghi kỵ, hiểu lầm lẫn nhau. Từ đó sẽ cảnh giác lẫn nhau, lòng tin chiến lược giữa các quốc gia sẽ bị suy giảm. Nếu tăng cường năng lực quốc phòng không vì mục đích chính nghĩa, thì rất dễ dẫn đến chạy đua vũ trang, khiến cho cạnh tranh chiến lược gia tăng, nguy cơ đối đầu vượt khỏi tầm kiểm soát. Và từ đó, dẫn tới cuộc chạy đua vũ trang, xung đột chiến tranh là điều khó có thể tránh khỏi. Không những thế, chúng ta thấy, chạy đua vũ trang tất yếu sẽ tiêu tốn một nguồn lực không hề nhỏ của quốc gia. Lẽ ra những nguồn lực ấy được dành cho phát triển kinh tế, xã hội, thì bây giờ bị đưa vào chạy đua vũ trang. Nó kéo lùi sự phát triển của đất nước nhiều năm, thậm chí là nhiều thập kỷ.

PV: Thiếu tướng có thể chia sẻ rõ hơn về sự minh bạch trong việc tăng cường năng lực quốc phòng của Việt Nam?

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân: Chúng ta thực hành nền quốc phòng toàn dân mang tính chất hòa bình, tự vệ, kiên trì, ngăn ngừa, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh. Chúng ta chủ trương tăng cường khả năng quốc phòng bằng nội lực, điều kiện khả năng của mình. Chúng ta thực hiện chính sách quốc phòng 4 không: không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống lại nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; và không sử dụng vũ lực, cũng như đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Chúng ta tăng cường tiềm lực quốc phòng là nâng cao sức mạnh tổng hợp của toàn quân, toàn dân, của cả hệ thống chính trị, nâng cao sức mạnh tổng hợp toàn diện cả tiềm lực chính trị, tiềm lực kinh tế, tiềm lực khoa học công nghệ chứ không đơn thuần chỉ có nâng cao sức mạnh quân sự.

Việt Nam đóng góp cho hòa bình, thịnh vượng của khu vực và trên thế giới

PV: Thưa Thiếu tướng, Việt Nam không chỉ xây dựng nền quốc phòng hòa bình, tự vệ mà còn thể hiện trách nhiệm, nghĩa vụ quốc tế cao cả, mong muốn đóng góp cho hòa bình của khu vực và thế giới?

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân: Vâng, có thể nói đến nay Việt Nam đã cử hơn 500 lượt cán bộ, nhân viên, 4 lượt bệnh viện dã chiến cấp 2 và chúng ta vừa cử tiếp bệnh viện dã chiến cấp 2 số 5 cùng đội công binh số 2 đến các Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc tại Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi và tại Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc tại Abyei. Những hoạt động trên chính là cách để Việt Nam cam kết trách nhiệm, cũng như là nghĩa vụ quốc tế đóng góp cho hòa bình, thịnh vượng, hợp tác phát triển chung của khu vực và trên thế giới.

Lễ xuất quân của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 5 và Đội Công binh số 2 đến các Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc tại Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi và khu vực Abyei.PV: Thông qua việc tích cực, chủ động hội nhập sâu rộng về quốc phòng cũng chính là cách để chúng ta quảng bá văn hóa, đất nước và con người Việt Nam, thưa Thiếu tướng?

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân: Từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới, có thể nói quan hệ đối ngoại quốc phòng và hội nhập quốc tế của chúng ta hiện nay đang được triển khai theo hướng tích cực, chủ động, chắc chắn, linh hoạt hiệu quả. Chúng ta đã có quan hệ quốc phòng với gần 100 quốc gia. Trong đó, có quan hệ quốc phòng với tất cả 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và tất cả các nước lớn khác. Chúng ta đã xử lý hài hòa, cân bằng quan hệ với các nước, nhất là các nước lớn, tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình để phát triển đất nước. Tăng cường tiềm lực quốc phòng, nâng cao vị thế và tiếng nói của Việt Nam cũng như là vị trí, uy tín của quân đội ta trong khu vực và trên trường quốc tế.

PV: Xin cảm ơn Thiếu tướng.

Trường Giang/Phát thanh Quân đội

 

Bình luận

    Chưa có bình luận