Như thấy Bác trở về với Bắc Giang

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Giang đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, xứng đáng với niềm tin, sự giao phó của Đảng và Bác.

 

5 lần được đón Bác Hồ về thăm là 5 mốc son lịch sử vẻ vang của tỉnh Bắc Giang - vùng đất Kinh Bắc nổi tiếng với nhiều di tích, danh lam thắng cảnh. Trong đó, lần thứ 5, Bác về thăm và chỉ đạo tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Bắc lần thứ I (17/10/1963), có bối cảnh lịch sử và ý nghĩa sâu sắc. Suốt 60 năm qua kể từ ngày ấy, tỉnh Bắc Giang vẫn luôn luôn ghi nhớ và thực hiện lời căn dặn của Người.

Cách đây tròn 60 năm, tại Lễ đài sân vận động của thị xã Bắc Giang, ngày 17/10/1963, trước hơn hai vạn đồng bào, nhân dân trong tỉnh, Bác Hồ đã ân cần nói: “Lần này Bác về thăm tỉnh nhà có một sự biến đổi rất quan trọng và rất tốt đẹp, đó là việc hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh hợp thành một tỉnh lớn hơn, người đông hơn, sức mạnh hơn, của nhiều hơn. Hà Bắc đã trở thành một trong những tỉnh to nhất của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Để xứng đáng với vinh dự đó, đồng bào và cán bộ phải ra sức thi đua sửa chữa khuyết điểm, phát huy ưu điểm… Đồng bào các dân tộc phải nâng cao ý thức làm chủ và tinh thần cần kiệm xây dựng nước nhà. Cán bộ phụ trách các ngành từ tỉnh đến xã phải đi sâu, đi sát đến cơ sở, phải thực sự quan tâm đến đời sống của nhân dân, đặc biệt là quan tâm đến đồng bào dân tộc ít người. Phải một lòng một dạ phục vụ nhân dân”.

Những lời dạy bảo, khuyên răn mộc mạc, tình cảm sâu nặng, sự quan tâm ân cần của Người dành cho quê hương Bắc Giang là tài sản vô giá, là nguồn động lực thôi thúc cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Bắc Giang trên các chặng đường cách mạng. Để đến hôm nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Giang đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, xứng đáng với niềm tin, sự giao phó của Đảng và Bác.

Bác Hồ về thăm và nói chuyện với nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Bắc tại sân vận động Bắc Giang, ngày 17/10/1963. Ảnh tư liệu tại Bảo tàng tỉnh Bắc Giang

Bác Hồ chụp ảnh chung với lãnh đạo tỉnh và các cháu thiếu nhi tại Văn phòng Tỉnh ủy Hà Bắc, ngày 17/10/1963. Ảnh tư liệu tại Bảo tàng tỉnh Bắc Giang

 

Nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả

Hiện nay, cùng với cả nước, Bắc Giang đang triển khai học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nhiều diễn đàn, nhiều cuộc hội thảo, báo cáo, cuộc thi... được tổ chức cho chúng ta hiểu rõ hơn lòng yêu nước, thương dân, tấm gương đạo đức mẫu mực và trong sáng của Người.

Thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, các địa phương, đơn vị trong tỉnh Bắc Giang đã có những cách làm sáng tạo, hiệu quả. Thông qua đó, nhiều tấm gương điển hình được xây dựng, nhân rộng đã tạo sức lan tỏa trong cộng đồng.

Nhiều năm nay, các chi hội, hội viên Hội Cựu chiến binh phường Lê Lợi, TP Bắc Giang tích cực hưởng ứng việc học và làm theo Bác, cụ thể: Mỗi tập thể đăng ký từ 2 - 3 việc làm tốt, mỗi cá nhân đăng ký thực hiện từ 1 - 2 việc làm tốt trở lên. Nhờ vậy mà từng ngõ xóm được giữ gìn vệ sinh, duy trì trật tự tại khu vực cổng trường học, các đoạn đường tự quản, tiết kiệm chi tiêu ủng hộ hoàn cảnh khó khăn,… Một trong những tập thể có việc làm thiết thực, hữu ích là Chi hội Cựu chiến binh Tổ dân phố Tiền Môn 2 đã đăng ký tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo đảm trật tự đô thị tại địa bàn có tuyến đê sông Thương chạy qua và khu vực chợ Tiền Môn. Khu vực này từng có tình trạng vứt rác bừa bãi và bày bán hàng, dựng đỗ xe lộn xộn, nhưng nay luôn sạch đẹp, trật tự đô thị có chuyển biến tích cực.

Thực hiện phong trào thi đua “Làm theo lời Bác, thực hành tiết kiệm, giúp nhau giảm nghèo bền vững”, thời gian qua, Hội Phụ nữ huyện Sơn Động đã duy trì 95 mô hình tiết kiệm. Từ các phong trào đã tiết kiệm gần 1,4 tỷ đồng hỗ trợ cho những chị em có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống; hỗ trợ xây mới 6 ngôi nhà Mái ấm tình thương cho phụ nữ nghèo dân tộc thiểu số. Qua đó, đã giúp 225 hộ thoát nghèo. Bên cạnh đó, các cấp hội phụ nữ huyện Sơn Động còn triển khai thực hiện tốt các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch, chống rác thải nhựa…

Lợn đất tiết kiệm gây quỹ giúp hội viên nghèo của phụ nữ tổ dân phố số 3, thị trấn An Châu, huyện Sơn Động.

Tại huyện Hiệp Hòa, Hội Nông dân xã Bắc Lý thường xuyên tạo điều kiện cho hội viên áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi; tuyên truyền tăng cường chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đưa cơ giới vào đồng ruộng, giúp nông dân tiếp cận các nguồn vốn để đầu tư cây, con, giống mới. Bởi thế, ở xã Bắc Lý xuất hiện hàng chục mô hình kinh tế hiệu quả cao, như mô hình trồng bưởi, mô hình sản xuất gạch công nghệ cao,… đem lại nguồn thu nhập đáng kể và giải quyết việc làm thường xuyên cho nhiều lao động địa phương.

Các địa phương cũng chú trọng xây dựng cá nhân điển hình tiên tiến, tạo nhân tố nòng cốt cho các phong trào, hoạt động tại cơ sở. Qua đó, xuất hiện rất nhiều gương cá nhân điển hình ở mọi lĩnh vực trên địa bàn TP Bắc Giang đã có những việc làm thiết thực, hiệu quả được cấp ủy, chính quyền địa phương ghi nhận và nhân rộng.

Việc thực hiện Chỉ thị số 05 trong nhiều năm qua cho thấy, các cấp ủy, tổ chức Đảng đã vận dụng sáng tạo, đa dạng hóa cách làm để hướng đến mục tiêu chung là tạo sức lan tỏa cho những việc làm tốt, từ đó nhân rộng trong xã hội.

Bắc Giang sẽ là tỉnh công nghiệp hiện đại, phát triển toàn diện.

Theo gương Bác, không chùn bước trước khó khăn

Mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang đã tổ chức hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Tại Hội nghị, bà Lê Thị Thu Hồng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Giang - cho biết: Trong 2 năm qua, việc triển khai thực hiện Kết luận số 01 trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, với nhiều cách làm sáng tạo, thiết thực, tạo chuyển biến mạnh mẽ, tích cực, có sức lan tỏa sâu rộng trong Đảng và nhân dân. Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành chỉ thị, kế hoạch về nâng cao chất lượng kiểm điểm, tự phê bình và phê bình các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong sinh hoạt cấp ủy, chi bộ; tổ chức nghiên cứu, tổng kết thực tiễn một số lĩnh vực của tỉnh từ nay đến năm 2025; nâng cao ý thức trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền và cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang trong việc sử dụng Internet, mạng xã hội.

Ở cấp huyện và tương đương cũng xuất hiện nhiều mô hình hay, như "Quỹ tiết kiệm tương thân tương ái", “Nhân dân hiến đất làm đường giao thông nông thôn” ở huyện Tân Yên; "Cải cách hành chính gần dân, sát dân, vì nhân dân phục vụ", "Nông dân phát triển bền vững" ở huyện Việt Yên; “Cuộc vận động ba trách nhiệm” ở huyện Sơn Động...

Hằng năm, các cơ quan, đơn vị, địa phương đều xác định nhiệm vụ trọng tâm để tập trung thực hiện, tạo sự đột phá trong lĩnh vực xây dựng Đảng và phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh. Trong 2 năm 2021 và 2022, các huyện ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy và cấp cơ sở đã giải quyết được hơn 17 nghìn vấn đề, vụ việc bức xúc, nổi cộm hoặc những vấn đề còn hạn chế, yếu kém, đạt 97,5% so với đăng ký ban đầu. Tính đến hết quý I/2023, các Huyện ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy đã đăng ký 45 vấn đề, vụ việc; cấp cơ sở đăng ký 970 vấn đề, vụ việc bức xúc, nổi cộm hoặc những vấn đề còn hạn chế, yếu kém để tập trung giải quyết.

Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm của tỉnh Bắc Giang đạt 10,94% đứng thứ 2 cả nước.

Các cấp ủy, tổ chức Đảng, đảng viên trong Đảng bộ tỉnh thực hiện nghiêm túc việc đăng ký làm theo Bác. Năm 2021 và 2022, toàn tỉnh đã thực hiện hoàn thành hơn 13 nghìn việc đã đăng ký của tập thể, đạt tỷ lệ gần 97%, và gần 260 nghìn việc đã đăng ký của cá nhân (đạt tỷ lệ hơn 98%). Đến hết quý I/2023, toàn tỉnh có hơn 8 nghìn việc làm theo được tập thể đăng ký thực hiện và hơn 114 nghìn việc làm theo được cá nhân đăng ký thực hiện.

“Thông qua thực hiện Kết luận số 01 đã tạo sự chuyển biến tích cực về ý thức tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, từng bước đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, đóng góp quan trọng vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh”, bà Lê Thị Thu Hồng nhấn mạnh.

 

“Trong giai đoạn hiện nay, việc học tập và làm theo Bác là cán bộ, đảng viên không chùn bước trước khó khăn, dám nghĩ, dám làm, không đùn đẩy trách nhiệm, không né tránh; quyết liệt hơn nữa với công việc được giao”.

Bà Lê Thị Thu Hồng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Giang

 

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Thị Thu Hồng đề nghị, thời gian tới, các cấp, ngành, đội ngũ cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ tỉnh tập trung thực hiện tốt 3 nội dung: Học tập, làm theo Bác và nêu gương Bác, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị. Đối với mỗi cán bộ, đảng viên cần chủ động, tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; xây dựng và thực hiện tốt kế hoạch học tập và làm theo Bác; cam kết rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, không suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa". Đối với các cấp ủy, tổ chức Đảng, tập trung lựa chọn các vấn đề bức xúc, nổi cộm, hoặc còn hạn chế, yếu kém ở địa phương, cơ quan, đơn vị để tập trung giải quyết theo hướng rõ việc, rõ người chịu trách nhiệm, rõ thời gian hoàn thành và phải bảo đảm sát với tình hình thực tế.

Giữa không khí vui tươi, phấn khởi bởi sự lan tỏa sâu rộng từ hàng nghìn gương điển hình tập thể, cá nhân học và làm theo Bác, người dân Kinh Bắc lại như thấy Bác đang ân cần trò chuyện, thăm hỏi nhân dân như những lần Bác về với Bắc Giang năm xưa./.

 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận