Thực tiễn 40 năm đổi mới ở TP.HCM bổ sung, hoàn thiện lý luận đi lên CNXH

Đoàn khảo sát nhóm 6 Ban Chỉ đạo tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam.

 

Sáng nay (18/10), Đoàn khảo sát nhóm 6 Ban Chỉ đạo tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam do ông Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Thành ủy TP.HCM. Tiếp đoàn có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên.

Thể chế chính quyền đô thị là vấn đề trọng tâm

Tại hội nghị, ông Nguyễn Tấn Phát, Giám đốc Học viện cán bộ TP.HCM đặt vấn đề, từ năm 1986, quá trình đổi mới đất nước bắt đầu với việc giao khoán đất cho nông dân, mở ra một giai đoạn rất mới từ cơ chế tập trung bao cấp sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Vậy, 40 năm để đổi mới thì vấn đề đặt ra ở đây là gì?

Theo ông Phát, hiện nay xu thế đô thị hóa nhanh, từ chỉ 18% năm 1975 đã lên 24% vào năm 2000 và đến nay là 38,8%. Và theo dự báo của Liên Hợp quốc, đến 2025, Việt Nam có 42 triệu dân, tỷ lệ 41% sống ở thành thị; đến 2035 có 45% và 2040 là có hơn 50% dân số sống ở thành thị… Như vậy, với dung lượng lớn như thế thì câu chuyện đặt ra về chính quyền đô thị không chỉ là ở Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng… mà là mô hình thể chế quản trị công quốc gia. Bởi vì, những mô hình này tập trung tới 90% GDP cả nước, toàn bộ trí tuệ, công nghệ, nguồn lực… tập trung ở đây.

Ông Nguyễn Tấn Phát, Giám đốc Học viện cán bộ TP.HCM. (Ảnh: N.Tùng)

Như vậy, để đất nước cất cánh, vấn đề quản trị đô thị, thể chế chính quyền đô thị là vấn đề trọng tâm. Vấn đề này cũng trả lời cho câu hỏi vì sao sau 40 năm đổi mới, đất nước có nhiều thành tựu nhưng chưa cất cánh được.

Giám đốc Học viện cán bộ TP.HCM nhìn nhận, trong phân cấp phân quyền mô hình đã có nhưng các mô hình này, cụ thể là TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng được vận hành theo cơ chế xin thêm (hay gọi là đặc thù), chứ luật chưa có, ngay cả Luật Đô thị cũng chưa có.

Ông Nguyễn Tấn Phát, Giám đốc Học viện cán bộ TP.HCM khẳng định, yêu cầu đặt ra hiện nay là nhanh chóng đặt ra thể chế để vận hành đô thị, vì đây là xu hướng tất yếu.

Theo ông Phát, trên bình diện quốc gia thì hầu như quốc gia nào cũng muốn tập trung quyền lực về Trung ương: "Tuy nhiên, khi các đô thị phát triển rộng lớn như thế, thì việc tập trung ở Trung ương người ta thấy rằng, suy cho cùng không phải tập trung quyền lực về Trung ương, mà là quyền lực rơi vào các Bộ, ngành. Đây là bước cản trở cho sự phát triển của các đô thị, vùng. Tiếng là bộ, ngành của Trung ương nhưng thực chất bộ ngành là cấp bộ. Nhiều khi cấp cao hơn cần báo cáo của họ nhưng báo cáo có trung thực hay không, tham mưu có chính xác hay không là chuyện khác. Đó là lý do tại sao các luạt cứ lắt léo, chồng chéo nhau như thế."

Ông Nguyễn Hữu Hiệp, Bí thư Thành ủy Thủ Đức. (Ảnh: N.Tùng)

Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Hiệp, Bí thư Thành ủy Thủ Đức băn khoăn về vấn đề nhiều Nghị quyết đã rõ nhưng vẫn phải ban hành Nghị định để thực hiện, dẫn đến rất mất thời gian: "Những nội dung gì Nghị quyết đã chỉ ra rõ rồi thì chúng ta áp dụng ngay chứ không cần chờ Nghị định hướng dẫn mất thời gian kéo dài. Tôi chỉ lấy ví dụ đơn giản tại TP Thủ Đức, khi nghiên cứu Nghị quyết 98 trong quá trình tổ chức thực hiện lẽ ra ta có thể tổ chức thực hiện ngay nhưng ta vẫn phải chờ để có sự hướng dẫn bên trên."

Là trung tâm rồi nhưng phải luôn là đầu tàu

Phát biểu kết luận buổi làm việc, ông Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Ủy viên Ban Chỉ đạo tổng kết Trung ương đánh giá, từ thực tiễn, kinh nghiệm của TP.HCM qua 40 năm đổi mới đã góp phần cung cấp cơ sở lý luận, thực tiễn cho công tác tổng kết 40 năm đổi mới; bổ sung, hoàn thiện lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, về đường lối đổi mới của Đảng.

Theo ông Đinh Tiến Dũng, 40 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân TP.HCM đã phát huy truyền thống cách mạng kiên cường, đoàn kết, năng động, sáng tạo trong thực hiện đường lối đổi mới, mang lại những thành tựu to lớn, hết sức quan trọng. TP.HCM đã giữ vững ổn định chính trị, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển kể cả khi tình hình trong nước có nhiều khó khăn, thế giới có những diễn biến phức tạp. Kinh tế duy trì tăng trưởng hàng năm ở mức cao.

TP.HCM luôn tìm tòi, sáng tạo, mạnh dạn thí điểm nhiều cơ chế, chính sách mới để thúc đẩy sản xuất, phát triển kinh tế nhanh, bền vững. Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch và phát triển đô thị có nhiều tiến bộ, từ đó đã thúc đẩy sự phát triển các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đời sống nhân dân được cải thiện, thu nhập từng bước được nâng lên. Năng lực lãnh đạo của Đảng bộ, hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền được nâng lên, kỷ cương được tăng cường. Dân chủ được mở rộng, vai trò của mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội được phát huy.

TP.HCM cũng đã chỉ ra một số hạn chế, khó khăn, thách thức trong quá trình phát triển. Đó là đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế chưa đáp ứng yêu cầu, đóng góp vào nền kinh tế của cả nước có xu hướng giảm trên một số phương diện; việc phát huy các nguồn lực để phát triển kinh tế có mặt chưa hiệu quả; hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị chưa có bước đột phá để có thể đáp ứng yêu cầu phát triển thành phố; cơ sở vật chất và nhân lực trong các trường học còn có mặt hạn chế; cơ sở vật chất và trang thiết bị, nhân lực y tế chưa theo kịp nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng tăng; hệ thống thiết chế văn hóa chưa phát triển tương xứng với vị trí, vai trò trung tâm của thành phố trong cả nước; an sinh xã hội có lúc, có nơi còn chưa bảo đảm; công tác quản lý phát triển xã hội có mặt chưa đáp ứng yêu cầu; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất ổn định; vẫn còn hạn chế trên một số lĩnh vực trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức…

Ông Đinh Tiến Dũng phát biểu kết luận. (Ảnh N.Tùng)

Ông Đinh Tiến Dũng mong muốn Thành ủy TP.HCM sẽ kế tục và phát huy mạnh mẽ chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Từ kinh nghiệm thực tiễn trong gần 40 năm xây dựng và phát triển, Thành phố tiếp tục đổi mới toàn diện và mạnh mẽ hơn nữa; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; phát huy dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, phát huy tính năng động, sáng tạo của Nhân dân, huy động mọi nguồn lực đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, chủ động xử lý có hiệu quả các vấn đề do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu tác động; không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân.

"Tiếp tục huy động hiệu quả mọi nguồn lực và tận dụng thời cơ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh; không ngừng đổi mới, sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, cái này là truyền thống, là điểm sáng của TP. Xây dựng Thành phố thông minh, phát triển nhanh, bền vững, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước. Thành phố là trung tâm rồi nhưng phải là đầu tàu. Thành phố sẽ là trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á", ông Đinh Tiến Dũng nói./.

Theo VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận