Luật Căn cước sẽ tạo nên rào chắn pháp lý vững chắc

Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, Luật Căn cước đã được thông qua với 431 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, đạt tỷ lệ 87,25%. Luật kỳ vọng sẽ đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước, đơn giản hóa thủ tục hành chính, phát huy giá trị của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

 

Luật Căn cước có một số điểm mới

Về đối tượng áp dụng, Luật Căn cước đã mở rộng đối tượng áp dụng so với Luật Căn cước công dân năm 2014. Ngoài áp dụng đối với công dân Việt Nam, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, Luật này còn áp dụng đối với người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam. Đặc biệt, với việc lần đầu tiên đưa nhóm người yếu thế vào điều chỉnh, Luật Căn cước được đánh giá là nhân văn, được các chuyên gia pháp lý, đại biểu quốc hội đồng tình, đánh giá cao.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm:

Bộ Công an xin khẳng định, việc sử dụng thẻ căn cước có gắn chip điện tử, mã QR Code và căn cước điện tử không bị theo dõi và không thể theo dõi được. Ở đây chúng tôi khẳng định việc này, Bộ Công an hay bất cứ một cơ quan nào không được theo dõi và không thể theo dõi được trên cấu tạo của thẻ này. Đồng thời, chúng tôi cũng phải có trách nhiệm bảo đảm an toàn, an ninh cho con người, cho công dân, cho những người sử dụng thẻ căn cước này không bị theo dõi bởi bất kể một tổ chức, cá nhân nào; không thể lợi dụng được những việc đó để theo dõi việc này, cũng như bảo đảm an ninh, an toàn về dữ liệu của công dân đã được khai báo và tích hợp. Đây là điều chúng tôi khẳng định. Đây có thể là những thông tin mà những đối tượng xấu tung tin ra để gây hoang mang trong nhân dân.

Đại biểu Phạm Thị Kiều - Đắk Nông cho rằng, qua rà soát, đối chiếu với các dự thảo trước có thể đánh giá dự thảo Luật Căn cước trình tại kỳ họp lần này có nhiều điều chỉnh, bổ sung tích cực. Cho thấy những ý kiến đóng góp trước đó đã được cơ quan soạn thảo cầu thị, tiếp thu, ghi nhận. Đồng thời có sự nghiên cứu sâu sát tình hình thực tế, rà soát kỹ lưỡng các văn bản pháp luật có liên quan.

Phiên thảo luận ngày 25/10/2023

Còn đại biểu Võ Mạnh Sơn - Thanh Hoá khẳng định, Luật Căn cước có một số điểm mới so với Luật Căn cước công dân năm 2014 như: mở rộng đối tượng áp dụng, việc bổ sung nội dung cấp giấy chứng nhận căn cước và một số định danh nhằm quản lý được toàn bộ công dân là người gốc Việt đang sinh sống tại địa phương; tạo thuận lợi trong công tác hoạch định chính sách phát triển xã hội, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội; sửa đổi, bổ sung một số từ ngữ để giải thích các khái niệm cho phù hợp với nội dung, phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật và nghiêm cấm mua bán, trao đổi, chia sẻ, chiếm đoạt, sử dụng trái phép thông tin dữ liệu trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; mở rộng, tích hợp nhiều thông tin khác của công dân người gốc Việt.

Tại phiên thảo luận ngày 25/10/2023, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho rằng, Luật Căn cước không chỉ đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về căn cước, đáp ứng các yêu cầu mục tiêu về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân mà còn ý nghĩa trong việc phát huy giá trị của cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước, giá trị và tiện ích của thẻ căn cước điện tử trong phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ và chuyển đổi số của nước ta theo mục tiêu của Đề án 06 của Chính phủ đang triển khai thực hiện.

Bổ sung quy định thu thập mống mắt

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Luật Căn cước đã chỉnh lý, bổ sung quy định nguyên tắc việc thu thập thông tin sinh trắc học về ADN và giọng nói được thực hiện trên cơ sở được thu thập khi người dân tự nguyện cung cấp hoặc lưu trữ thông tin có sẵn trong quá trình giải quyết vụ việc hình sự, hành chính có trưng cầu giám định thông tin của đối tượng phục vụ cho công tác phòng, chống tội phạm và quy định rõ về việc chia sẻ, khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước cho chặt chẽ, đầy đủ hơn.

Thực tiễn khoa học hiện nay đã chứng minh, cùng với vân tay, mống mắt của một người có cấu trúc đường vân phức tạp và duy nhất đối với mỗi người, không thay đổi nhiều theo thời gian. Công nghệ nhận diện mống mắt (hay còn gọi là công nghệ cảm biến mống mắt) là phương pháp sử dụng thuật toán, hình ảnh để nhận dạng một người dựa vào cấu trúc các đường vân phức tạp và duy nhất của mống mắt, hiện đã được ứng dụng phổ biến trong nhiều lĩnh vực. Hiện nay, nhiều quốc gia đã áp dụng công nghệ này để phục vụ nhận diện công dân, xác thực hộ chiếu, điền thông tin xác thực qua webside... Đồng thời công nghệ này có độ chính xác cao, đơn giản, dễ sử dụng, không cần thao tác phức tạp. Vì vậy, bên cạnh việc thu thập vân tay, Luật đã bổ sung quy định thu thập mống mắt trong thông tin căn cước để làm cơ sở đối soát và xác thực thông tin của mỗi cá nhân; hỗ trợ trong những trường hợp không thu nhận được vân tay của một người (với các trường hợp khuyết tật hoặc vân tay bị biến dạng do các nguyên nhân khách quan hoặc chủ quan…).

Theo đại biểu Nguyễn Minh Đức, TP Hồ Chí Minh, sinh trắc học bao gồm có ảnh khuôn mặt, ADN, giọng nói và mống mắt với nhân dạng về khuôn mặt trong thực tế hiện nay do nhu cầu của con người khi làm đẹp thì rất nhiều người sẽ chỉnh sửa khuôn mặt. Cho nên khi nhận diện rất khó khăn trong vấn đề quản lý cũng như là thực hiện các giao dịch của chính người dân.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Hải Dương:

Nhóm thông tin của công dân bắt buộc phải thu thập gồm: họ, chữ dệm và tên khai sinh, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi đăng ký khai sinh, v.v.. Nhóm thông tin này là thông tin để tạo lập số định danh cá nhân và giúp phân biệt người này với người khác trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ công tác quản lý. Nếu không có những nhóm thông tin này tôi thấy chúng ta sẽ rất khó khăn trong việc xây dựng hướng đến đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử và chính quyền điện tử... Đây là cơ sở dữ liệu quốc gia dùng chung cho các cơ quan nhà nước và sẽ được kết nối, chia sẻ, phân cấp, phân quyền khai thác, sử dụng thông tin tới toàn bộ các cơ quan nhà nước, không riêng gì Bộ Công an. Vì thế việc truy xuất thông tin từ cơ sở này phải đảm bảo được tính bảo mật, an toàn thông tin nhưng vẫn thực hiện được quy trình chặt chẽ, nhanh chóng. Tôi đề nghị Bộ Công an và Bộ Thông tin và Truyền thông đặc biệt quan tâm tới việc rà soát hạ tầng và củng cố, phát triển nguồn nhân lực cán bộ công nghệ thông tin chuyên môn cao để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho kho dữ liệu, nếu có sự cố lộ, lọt thông tin thì tôi nghĩ là tác hại sẽ rất khó lường.

Hiện nay nhiều lĩnh vực đã sử dụng kiểm soát qua AI, nếu mặt đã chỉnh sửa rồi thì rất khó khăn có thể nhận diện, mống mắt bao gồm toàn bộ lòng đen, lòng trắng và thủy tinh thể của con người là cố định, không ai có thể sửa mắt. Chính vì thế nó là một dạng nhận dạng rất cố định nên quy định bắt buộc lần này trong Luật mang tính rất tốt cho cả quản lý và phục vụ cho người dân.

Sáng 27/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Căn cước. Như vậy, trong bối cảnh thúc đẩy chuyển đổi số, kinh tế số như hiện nay thì xây dựng một Chính phủ điện tử giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công thông qua hình thức trực tuyến, hoàn thiện hệ thống dữ liệu quốc gia về dân cư là điều được ưu tiên hàng đầu.Việc Luật căn cước được thông qua sẽ tạo nên rào chắn pháp lý vững chắc, tạo ra sự ổn định của chính sách về căn cước.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận