Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn hoan nghênh chuyến thăm chính thức của Bà Simona-Mirela Miculescu tới Việt Nam, chuyến thăm đầu tiên của một Chủ tịch Đại hội đồng UNESCO kể từ năm 2000.
Bộ trưởng khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng hợp tác đa phương và vai trò của UNESCO; sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, bài học thành công của Việt Nam cho các quốc gia thành viên; tiếp tục chủ động đóng góp vào các nỗ lực của UNESCO, mà trước mắt là chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai của Liên hợp quốc vào tháng 9/2024 tại New York. Bộ trưởng bày tỏ vui mừng khi quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và UNESCO ngày càng phát triển “toàn diện, thực chất và hiệu quả”; nhấn mạnh sự hỗ trợ của UNESCO đã và đang góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội bền vững, quảng bá các giá trị văn hóa, hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị Chủ tịch Đại hội đồng và UNESCO tiếp tục ủng hộ, hỗ trợ Việt Nam thông qua các hoạt động cụ thể như thúc đẩy triển khai Bản ghi nhớ hợp tác giữa Việt Nam và UNESCO giai đoạn 2021-2025; tư vấn chính sách, chia sẻ các kinh nghiệm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; hỗ trợ hợp tác trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; ứng dụng và phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; chuyển đổi số; thích ứng biến đổi khí hậu, nghiên cứu khoa học biển; phát huy giá trị văn hóa, di sản, sức mạnh con người Việt Nam.
Về phần mình, bà Simona-Mirela Miculescu bày tỏ cảm ơn chân thành đến Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và các địa phương liên quan đã mời và đón tiếp bà hết sức chu đáo, thân tình; nhắc lại kỷ niệm tốt đẹp đến Việt Nam cách đây 22 năm khi tháp tùng Tổng thống Rumani thăm chính thức Việt Nam trên vai trò Cố vấn Tổng thống. Bà cũng chia sẻ đánh giá của Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn về mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp qua gần 75 năm, dựa trên sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, giúp đỡ, ủng hộ để cùng chia sẻ, phát triển giữa Việt Nam và Rumani; bày tỏ ấn tượng và chúc mừng những thành tựu của Việt Nam trong đổi mới, hội nhập, phát triển năng động, sáng tạo mà vẫn bảo tồn giá trị văn hóa, di sản.
Bà Simona-Mirela Miculescu khẳng định, Việt Nam là đối tác chiến lược, tin cậy, trách nhiệm của UNESCO, là một trong những nước đi đầu trong việc triển khai hiệu quả các chương trình, hoạt động của UNESCO, luôn được nhận được sự tin tưởng, tín nhiệm của bạn bè quốc tế, minh chứng là ít có một quốc gia nào như Việt Nam cùng lúc tham gia 5 cơ chế điều hành then chốt.
Chủ tịch Đại hội đồng cũng nhất trí với các đề xuất của Bộ trưởng Ngoại giao về phương hướng hợp tác thời gian tới; khẳng định UNESCO luôn là người bạn đồng hành, đối tác tin cậy của Việt Nam; hỗ trợ Việt Nam phát huy danh hiệu, di sản, đồng thời ghi danh các hồ sơ như: Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc; Khu di tích khảo cổ Óc Eo-Ba Thê; Hang Con Moong; Lễ hội Vía bà Chúa Xứ núi Sam; Tranh dân gian Đông Hồ; Nghệ thuật Chèo; Mo Mường; Công viên địa chất Lạng Sơn; Cửu đỉnh Huế…; và đặc biệt là Dự án bảo tồn và phát huy giá trị khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, nơi Bà vừa được tới thăm, để lại nhiều cảm xúc, ấn tượng và mong Dự án sớm được thông qua vào thời gian tới.
Bà đánh giá cao việc Việt Nam sẽ đăng cai tổ chức những sự kiện quan trọng trong năm 2024 như Lễ kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được công nhận là Di sản Thế giới (Ninh Bình, 4/2024), Lễ trao bằng công nhận Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà là Di sản Thế giới (Hải Phòng, 5/2024), Lễ hội Hòa bình (Quảng Trị, 7/2024) và Hội nghị quốc tế lần thứ 8 của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (Cao Bằng, 9/2024).
Cùng ngày, Chủ tịch Đại hội đồng UNESCO đã tới chào và có cuộc làm việc với, Bí thư Thành ủy thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam Hà Kim Ngọc. Dự kiến Chủ tịch Đại hội đồng UNESCO sẽ có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Ninh Bình, tham dự và phát biểu tại Lễ Kỷ niệm 10 năm Quần thể Danh thắng Tràng An được công nhận là Di sản Thế giới (2014-2024).
PV/VOV1