Việt Nam bảo đảm quyền được chăm sóc y tế công cộng cho người dân

Theo WHO, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam đã tăng 15 năm, với sự suy giảm đáng kể của các bệnh có thể phòng ngừa được bằng vaccine.

 

Việt Nam đã mở rộng phạm vi bảo hiểm y tế, đưa đất nước tiến xa hơn trên mục tiêu hướng tới lộ trình chăm sóc sức khoẻ toàn dân.

Xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội, chăm sóc y tế cho người dân ngày một tốt hơn...Đó cũng là những nỗ lực mà Việt Nam đã và đang thực hiện để đảm bảo tốt hơn quyền con người.

Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam tăng 15 năm

Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia tiến nhanh nhất trên thế giới về tăng Chỉ số phát triển con người (HDI). Chỉ trong vòng 1 thập kỷ, chỉ số phát triển con người của Việt Nam đã tăng 46%, thuộc nhóm quốc gia có tỷ lệ tăng cao nhất thế giới. Theo như Báo cáo Phát triển Con người mới nhất của UNDP, xếp hạng chỉ số phát triển con người của Việt Nam tiếp tục tăng từ 115 lên 107 và Việt Nam được xếp trong nhóm có chỉ số phát triển con người cao.

Nhờ những thành công lớn trong công tác kế hoạch hoá gia đình, tỷ suất sinh tại Việt Nam đã giảm từ 6,4 con/phụ nữ xuống 2,09 vào năm 2006 và tiếp tục được duy trì đến nay. Việt Nam cũng nằm trong số 6 quốc gia trên thế giới đạt được mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ thứ 5 về thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái trong các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.

WHO đánh giá Việt Nam tiến xa hơn trong lộ trình chăm sóc sức khoẻ toàn dân.Theo Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus, không giống như hầu hết các nước đang phát triển, Việt Nam đã cố gắng duy trì tăng trưởng kinh tế trong những năm khó khăn nhất của đại dịch COVID-19. Mặc dù tốc độ tăng trưởng trung bình chậm lại và các nhóm, cá nhân dễ bị tổn thương đã có những giai đoạn rất khó khăn, nhưng Việt Nam đã tránh được sự đảo ngược tiến độ phát triển con người.

“Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong cải thiện cuộc sống người dân và nâng cao chất lượng y tế trong những thập kỷ gần đây. Tuổi thọ trung bình đã tăng 15 năm, với sự suy giảm đáng kể của các bệnh có thể phòng ngừa được bằng vaccine. Các bạn đã mở rộng phạm vi bảo hiểm y tế, đưa đất nước tiến xa hơn trên mục tiêu hướng tới lộ trình chăm sóc sức khoẻ toàn dân”, ông Tedros nói.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2023, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam là 73,7 tuổi (năm 2022 là 73,6 tuổi), trong đó nam là 71,1 tuổi và nữ là 76,5 tuổi. Cũng theo Tổng cục Thống kê, chất lượng dân số được cải thiện, mức sinh giảm mạnh và cơ bản duy trì mức sinh thay thế từ năm 2005 trở lại đây. Tỉ lệ tử vong vẫn duy trì ở mức thấp, tuổi thọ trung bình tăng do những thành tựu phát triển của y học và công tác chăm sóc sức khỏe người dân được cải thiện.

Việt Nam đã chịu những tác động chưa từng có của đại dịch Covid-19. Đại dịch đã cướp đi mạng sống người dân, làm gia tăng bất bình đẳng, và làm giảm khả năng thụ hưởng quyền con người của người dân. Việc bảo đảm quyền sức khỏe cũng là ưu tiên hàng đầu. Việt Nam đã thực hiện chiến dịch tiêm chủng vaccine lớn nhất lịch sử. Chỉ trong hơn 2 năm, hơn 266 triệu liều vaccine Covid-19 đã được tiêm cho hầu hết người dân từ 12 tuổi trở lên.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tiếp TS Saia Ma’u Piukala, Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực Tây Thái Bình Dương.Tại cuộc gặp Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ngày 13/5, Giám đốc WHO khu vực Tây Thái Bình Dương - TS Saia Ma’u Piukala đã chia sẻ một số mục tiêu ưu tiên của WHO trong hỗ trợ, tăng cường năng lực của ngành y tế của Việt Nam nhằm nâng cao năng lực hệ thống y tế dự phòng để ứng phó với dịch bệnh trong tương lai, cải thiện môi trường và thúc đẩy lối sống lành mạnh, bảo đảm an ninh y tế…

WHO dự báo Việt Nam sẽ gặp nhiều thách thức trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu ảnh hưởng nghiêm trọng đến mức độ phát triển con người ở những khu vực dễ bị tổn thương nhất, buộc nhiều người di dời nhà cửa và mất kế sinh nhiên. Tuy nhiên, các chuyên gia WHO tin rằng, Việt Nam có đủ khả năng để quản lý những bất ổn liên quan đến các cuộc khủng hoảng phân tầng.

Bảo đảm quyền được chăm sóc y tế công cộng cho người dân

Quyền được chăm sóc y tế công cộng luôn được Việt Nam coi là một trong những quyền con người quan trọng, là cơ sở để thực hiện nhiều quyền con người khác. Việc thực hiện quyền được chăm sóc y tế công cộng cũng gắn liền với các quyền con người khác như: quyền sống, quyền về lương thực, nhà ở, việc làm, giáo dục, bảo vệ đời tư, tiếp cận thông tin...

Quyền được hưởng an sinh xã hội đã được Hiến pháp năm 2013 ghi nhận với tư cách là một quyền cơ bản của công dân tại Điều 34: “Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội”; đồng thời khẳng định trách nhiệm của Nhà nước trong bảo đảm quyền hưởng an sinh xã hội: “Nhà nước tạo bình đẳng về cơ hội để công dân thụ hưởng phúc lợi xã hội, phát triển hệ thống an sinh xã hội, có chính sách trợ giúp người cao tuổi, người khuyết tật, người nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn khác”.

Quy định của Hiến pháp về quyền an sinh xã hội được cụ thể hóa trong nhiều văn bản pháp luật chuyên ngành như: Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Người cao tuổi, Luật Trẻ em, Luật Người khuyết tật, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm Y tế, Luật An toàn vệ sinh lao động… Các luật trong lĩnh vực này bảo đảm tốt hơn các quyền của công dân được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế có chất lượng, các dịch vụ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, tạo cơ sở pháp lý để thực hiện các chính sách ưu đãi xã hội đối với các đối tượng chính sách, bảo vệ người tiêu dùng; giải quyết tốt hơn mối quan hệ gắn tăng trưởng kinh tế với thực hiện chính sách xã hội nói chung, chính sách lao động và an sinh xã hội nói riêng theo nguyên tắc công bằng và tiến bộ xã hội.

Chính phủ Việt Nam luôn đẩy mạnh thực hiện các chính sách an sinh xã hội; mở rộng diện đối tượng hưởng trợ cấp xã hội; các chương trình, đề án, chính sách trợ giúp xã hội được tiếp tục thực hiện hiệu quả, nhất là chính sách hỗ trợ, chăm lo đời sống người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Số người tham gia bảo hiểm y tế năm 2020 đạt 88,04 triệu người, chiếm 90,85% dân số. Năm 2021, số người tham gia bảo hiểm y tế là 88,837 triệu người, đạt tỷ lệ 91,01% dân số, vượt chỉ tiêu được giao tại Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ. Các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cũng được khôi phục nhanh chóng. Hệ thống y tế dự phòng được củng cố theo hướng tự cường và thích ứng. Cuối năm 2023, bao phủ bảo hiểm y tế đã chiếm khoảng 94% dân số Việt Nam. Hệ thống an sinh xã hội và chính sách xã hội đã chứng tỏ tính ưu việt trong hỗ trợ người lao động trước khó khăn do đại dịch COVID-19.

 

Tính đến tháng 6/2023, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bảo hiểm y tế đạt trung bình 91,9%; tỷ lệ phụ nữ sinh con tại cơ sở y tế hoặc có sự hỗ trợ của nhân viên y tế đạt trung bình 90,6%, tỷ lệ phụ nữ mang thai được thăm khám định kỳ ít nhất 4 lần trong thai kỳ đồng đạt trung bình 79,8%. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân đồng đạt trung bình 15,8%. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể thấp còi đạt trung bình 21%.

Nâng cao năng lực cho cán bộ y tế, vận động nguồn lực cho triển khai nhân rộng các mô hình đã được chứng minh có hiệu quả, kinh nghiệm tốt trong chăm sóc sức khỏe trẻ em như mô hình: “Quỹ sơ sinh”, “Hỗ trợ cô đỡ thôn bản thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn tại cộng đồng”, tuổi thọ trung bình tính từ lúc sinh của 53 dân tộc thiểu số đã được nâng cao rõ rệt, năm 2015 là 69,9 tuổi; năm 2019 đạt 70,7 tuổi, rút ngắn đáng kể khoảng cách với tuổi thọ trung bình của cả nước.

Dù còn nhiều thách thức ở phía trước và nguồn lực dành cho an sinh xã hội còn hạn hẹp song Việt Nam đã, đang và sẽ nỗ lực không ngừng để người dân được hưởng quyền chăm sóc y tế công cộng ngày một tốt hơn. Đó cũng chính là thành quả của Đổi mới, của phát triển kinh tế- xã hội.

Lê Hoàng/VOV.VN
 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận