Trong sạch đội ngũ kiểm toán để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Nhiệm vụ trọng tâm của ngành Kiểm toán là phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vậy ngành kiểm toán đã làm những gì để kiểm soát, xử lý hành vi nhũng nhiễu, tham nhũng, tiêu cực của kiểm toán viên trong thực hiện công vụ?

 

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn đăng đàn trả lời về những vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, đó là nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; ngành kiểm toán đã làm những gì để kiểm soát, xử lý hành vi nhũng nhiễu, tham nhũng, tiêu cực của kiểm toán viên trong thực hiện công vụ.

5 năm chuyển 19 vụ án có dấu hiệu tham nhũng sang cơ quan điều tra

Trong phiên trả lời chất vấn, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn khẳng định, dưới góc độ nhiệm vụ được giao, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) luôn cố gắng làm tròn vai trò nhiệm vụ của mình.

Cụ thể, trong 5 năm qua từ 2019 – 2023, Kiểm toán đã chuyển 19 vụ án có dấu hiệu tham nhũng sang cơ quan điều tra và phát hành 1.345 báo cáo tài chính. Với phương châm thận trọng, phải chín, phải rõ thì mới chuyển nhưng không có nghĩa vai trò về phòng, chống tham nhũng của KTNN bị hạn chế. Một trong những nhiệm vụ mà KTNN hết sức coi trọng, đó là việc phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để điều tra, đưa ra ánh sáng những hành vi tham nhũng, tiêu cực.

“Trong 5 năm đó KTNN đã cung cấp 1.609 hồ sơ, báo cáo tài liệu cho các cơ quan thanh tra, kiểm tra, như vậy không có nghĩa chúng tôi không chuyển thì không có tác dụng, mà đây là những tài liệu đầu vào để giúp cho các cơ quan chức năng đẩy nhanh hiệu quả hơn việc điều tra, truy tố, xét xử các đối tượng tham nhũng, tiêu cực”, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn

Đại biểu Hà Đức Minh - Đoàn Lào Cai đặt câu hỏi về trách nhiệm của KTNN, nếu như các đơn vị được kiểm toán mà KTNN không phát hiện ra sai phạm, đến khi các cơ quan chức năng vào thì phát hiện ra các sai phạm, thất thoát, tham ô, tham nhũng tài sản Nhà nước thì vai trò, trách nhiệm của KTNN như thế nào, đặc biệt là trách nhiệm cá nhân?

Trả lời câu hỏi này, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cho hay, Điều 68 Luật Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã quy định rất cụ thể đối với những báo cáo kiểm toán đã phát hành không phát hiện sai phạm, đến khi cơ quan chức năng vào làm cùng nội dung, cùng kiểm toán mà phát hiện sai phạm thì cần phải làm rõ trách nhiệm, nếu có lỗi phải xử lý tùy theo mức vi phạm để xử lý theo trách nhiệm hành chính và trách nhiệm hình sự, đây là quy định rất rõ về trách nhiệm. “Khi phát hiện sai phạm theo quy định của luật phải làm rõ trách nhiệm của ai để xử lý, trách nhiệm của cá nhân thì xử lý cá nhân, trách nhiệm của tập thể thì xử lý tập thể. Gần 30 năm hoạt động KTNN chưa có một trường hợp nào phải xử lý như vậy”, ông Tuấn khẳng định.

Cấm tuyệt đối việc nhũng nhiễu, tham nhũng

Đại biểu Tao Văn Giót - Lai Châu đặt câu hỏi, về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ ngành KTNN được thực hiện như thế nào?

Còn đại biểu Hoàng Đức Thắng - Quảng Trị phản ánh, có ý kiến cho rằng, dù có nhiều cố gắng của ngành nhưng đâu đó vẫn có hành vi tiêu cực của một số kiểm toán viên Nhà nước trong hoạt động kiểm toán. Khi phát hiện sai phạm của đối tượng kiểm toán thì gợi ý, vòi vĩnh chia chác số tiền sai phạm đó, để bỏ qua sai phạm theo phương châm đôi bên cùng có lợi.

Trả lời các câu hỏi này, Tổng Kiểm toán Nhà nước cho hay, đây là công việc hết sức quan tâm của lãnh đạo KTNN, Ban Cán sự cũng như Đảng ủy KTNN. Theo quy định của Luật Kiểm toán, Điều 8 đã quy định rất rõ những hành vi không được làm trong quá trình kiểm toán, cấm tuyệt đối việc nhũng nhiễu, tham nhũng.

Bộ trưởng Bộ Tài chính, Hồ Đức Phớc:

Trong năm 2023, 2024 chúng tôi đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 20 doanh nghiệp kiểm toán, trong đó đánh giá 11 doanh nghiệp kiểm toán độc lập đạt yêu cầu, có 7 doanh nghiệp không đạt yêu cầu, 1 doanh nghiệp yếu và đã tiến hành kiểm tra 62 hồ sơ kiểm toán có 16 hồ sơ đạt yêu cầu, 26 hồ sơ không đạt yêu cầu và 20 hồ sơ là yếu kém. Đình chỉ 7 kiểm toán viên, nhắc nhở 21 kiểm toán viên và phê bình các công ty kiểm toán. Đến năm 2024, chúng tôi đưa ra kế hoạch sẽ thực hiện kiểm tra 20 - 24 doanh nghiệp, trong đó có 8 doanh nghiệp kiểm toán các công ty có lợi ích công trong lĩnh vực chứng khoán.

Song vị tổng tư lệnh ngành cũng thừa nhận: “Chúng tôi khẳng định và thừa nhận là có nhưng rất ít, đây chỉ là những “con sâu làm rầu nồi canh” và chúng tôi kiên quyết loại bỏ những “con sâu” này để giữ được đạo đức, chuẩn mực. Như tôi đã nói trong luật Điều 8 đã quy định rất rõ về những hành vi không được làm, nghiêm cấm của KTNN và trong hoạt động của mình thì kiểm toán còn có chuẩn mực số 30 là chuẩn mực về đạo đức công vụ, trong thời gian tới chúng tôi tiếp tục rà soát, hoàn thiện các văn bản để làm sao kiểm soát chặt chẽ được hành vi nhũng nhiễu, tham nhũng, tiêu cực của những cá nhân trong thực hiện công vụ, tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm đối với những trường hợp này.

Tổng Kiểm toán nhà nước, Ngô Văn Tuấn:

Trong kết luận, kiến nghị kiểm toán, ngoài kết luận, kiến nghị về tài chính như tôi đã báo cáo, 5 năm 2019-2023 chúng tôi đã kiến nghị xử lý tài chính hơn 331.000 tỷ, trong đó tăng thu cỡ khoảng 30.500, giảm chi khoảng hơn 96.000, còn xử lý tài chính khác hơn 204.000 tỷ đồng. Đồng thời, trong 1345 báo cáo tài chính có tới 663 báo cáo đề xuất xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan, trong đó có kiến nghị sửa đổi, bổ sung 1069 văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có 14 luật, 1 nghị quyết của Quốc hội, 42 nghị định và 124 thông tư.

Tôi cho rằng với cơ chế hiện tại trong hoạt động kiểm toán và quy trình, quy chế, nhất là về kiểm soát phòng, chống tham nhũng của ngành, đã tương đối đầy đủ, từ vai trò, trách nhiệm của từng kiểm toán viên và khi đi hoạt động kiểm toán thì kiểm toán viên phải ghi nhật ký điện tử từng ngày và chuyển về cơ sở dữ liệu của trung ương cho Vụ Kiểm soát chất lượng theo dõi và thanh tra, kiểm toán theo dõi. Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh vai trò của thanh tra, kiểm toán, thanh tra công vụ, một cơ quan nữa là Vụ Kiểm soát chất lượng làm sao kiểm soát thật chặt chẽ, công tâm, khách quan hoạt động này”.

Đại biểu Lý Thị Lan, Hà Giang:

Thực tế, từ năm 2020 đến nay cho thấy tình trạng chồng chéo về đối tượng hoặc nội dung giữa KTNN và các thanh tra chuyên ngành, thanh tra địa phương vẫn diễn ra. Trong đó có nguyên nhân hiện nay vẫn chưa có văn bản chỉ đạo chung thống nhất trong việc chia sẻ thông tin hoạt động giữa Thanh tra tỉnh với Kiểm toán khu vực thuộc KTNN, dẫn đến việc thường xuyên xảy ra tình trạng chồng chéo, trùng lặp giữa các địa phương.

Đối với công tác phòng chống tham nhũng, Tổng kiểm toán Nhà nước cũng nêu quan điểm, để tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà không giảm tính năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thường nói làm sao “đánh chuột để không vỡ bình” thì trước hết đẩy mạnh, tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Theo ông Tuấn, để làm được điều trên, phải xây dựng một thiết chế phòng ngừa hiệu quả, chặt chẽ để không thể tham nhũng; xây dựng thiết chế về phát hiện, xử lý nghiêm minh để không dám tham nhũng; xây dựng chế độ đãi ngộ hợp lý để không muốn và không cần tham nhũng. “Có như vậy thì công tác tham nhũng của chúng ta mới hiệu quả”, ông Tuấn nói.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận