Đồng thời, tạo cơ chế cạnh tranh theo vị trí việc làm dựa trên kết quả công việc, hướng tới nền công vụ thực tài. Liên quan nội dung này, PV VOV Giao thông có cuộc trao đổi với ông Ngô Dương, chuyên gia chính sách.
PV: Thưa ông, Bộ Nội vụ đề xuất theo hướng sửa đổi quy định về vị trí việc làm gắn với yêu cầu của ngành, lĩnh vực; từng bước bỏ quy định về ngạch và cơ cấu ngạch công chức; hoàn thiện cơ chế quản lý, sử dụng và trả lương đối với cán bộ, công chức theo vị trí việc làm. Ông đánh giá thế nào về nội dung này?
Ông Ngô Dương: Tôi cho rằng, đó là chủ trương rất hay, người ta trả lương theo công việc, khi có việc làm, và làm việc khó thì phải được hưởng thu nhập tốt hơn, nếu so với trả lương theo ngạch, anh chả làm gì vẫn được hưởng chế độ rất tốt. Đây là chủ trương nên làm.
Tuy vậy, nó có thể dẫn đến tình trạng phủ định, xóa bỏ hoàn toàn cái ngạch bậc. Giải quyết hậu quả ngạch bậc đó tốn rất nhiều chi phí cho nhà nước. Và nó cũng bất công. Người ta đang hưởng chế độ lương bổng, hàng loạt chế độ kèm theo, đóng bảo hiểm, công đoàn phí, Đảng phí theo mức lương đó. Hay chế độ lương hưu sau đó thế nào, khi chuyển chế độ công tác lương thấp hơn, trước khi nghỉ hưu lại trả hưu trí theo khoảng thời gian gần nhất trước khi nghỉ hưu. Nó gây thiệt thòi cho người lao động khu vực công. Số tiền cả quá trình lao động đóng góp thì lớn, nhưng đến khi hưởng lương hưu thì lại được hưởng thấp.
PV: Một số ý kiến e ngại việc xác định vị trí việc làm sẽ khó khăn ở các cơ quan có tính linh động về công việc cao?
Ông Ngô Dương: Quan ngại này hoàn toàn chính xác. Ở các cơ quan hành chính cấp cơ sở, sự linh hoạt và trách nhiệm hết sức đa dạng. Đôi khi người ta được phân công, điều động từ cấp trên để phù hợp tình hình thời điểm đó. Một ông trưởng phòng đôi khi phải làm việc của cả nhân viên, vì thiếu người hay tình huống cấp bách. Thế thì trong giai đoạn đó, việc lãnh đạo không có, toàn hành động thực tiễn, cụ thể thôi. Do đó, vị trí việc làm dường như thay đổi, thì trả lương thế nào?
Điều đó hoàn toàn có thể xảy ra, đặc biệt trong điều kiện tinh giản biên chế, một người phải làm rất nhiều việc, kể cả công việc có tính chất lãnh đạo, quản lý lẫn công việc của chuyên viên ở cấp độ thấp nhất, trong tình huống khẩn cấp. Bên cạnh đó, tính linh hoạt đấy mâu thuẫn với tính ổn định của Luật ngân sách, vì tính theo năm, có thể gây khó khăn cho cấp thực hiện.
Đề án vị trí việc làm, mô tả công việc đã triển khai nhiều năm qua. Cũng có thành công, nhưng bên cạnh đó cũng cần một hệ thống để xử lý những ngoại lệ phát sinh. Nếu cứng ngắc, có thể chủ trương trả lương theo vị trí việc làm có thể bị phá vỡ.
PV: Một nội dung khác cũng có trong Dự thảo sửa đổi Luật cán bộ công chức là cơ chế loại trừ, miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm đối với cán bộ, công chức khi thực hiện đề xuất đổi mới, sáng tạo. Việc này nhằm khuyến khích, bảo vệ cán bộ, công chức năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Quan điểm của ông thế nào về đề xuất này?
Ông Ngô Dương: Chúng ta đặt vấn đề bảo vệ trách nhiệm ở đây là chỉ áp dụng với những công việc phát sinh ra hậu quả không mong muốn. Nói cách khác là thất bại, chứ thành công thì chắc không có trách nhiệm nào đặt ra cả. Còn nếu đổi mới gây ra thất bại, thiệt hại thì đương nhiên chịu trách nhiệm thôi. Tôi cho rằng, chúng ta đặt vấn đề là bảo vệ tính sáng tạo, chủ động, tùy biến ở cấp thực hiện là hoàn toàn chính xác.
Nhưng khó ở chỗ, sự đổi mới luôn có rủi ro. Khi thất bại, anh có phải chịu trách nhiệm bồi thường không? Giới hạn bồi thường đến đâu. Việc đổi mới sáng tạo nên khuyến khích, nhưng ở khu vực công cần sự chín chắn, thận trọng. Cái này chúng ta phải đào bới, khảo sát kỹ lưỡng xem giới hạn đến đâu. Ví dụ, anh thay đổi về công nghệ thông tin mà gây ra đánh sập hệ thống thì quá nguy hiểm. Không phải sáng tạo nào cũng được phép áp dụng.
PV: Cảm ơn chia sẻ của ông!
Theo lộ trình, Dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) được đề xuất đưa vào chương trình xây dựng luật, sẽ trình Quốc hội cho ý kiến vào năm 2025.
Chu Đức/vovgiaothong.vn