Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đảm bảo rút ngắn thời gian các khâu chuẩn bị văn bản hướng dẫn để quy định mới đi vào thực tế nhanh nhất, phải đảm bảo các luật được thông qua đi vào thực tiễn khơi thông dòng tín dụng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội.
Sáng nay, 10/12, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc phiên thường kỳ thứ 40, phiên họp cuối cùng của năm 2024. Phiên họp này sẽ xem xét tập trung rà soát, giải quyết các công việc còn lại cần hoàn thành trong năm 2024; đồng thời quyết định chương trình công tác và chương trình đối ngoại của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội năm 2025 và xem xét, quyết định một số nội dung khác theo thẩm quyền.
Khai mạc phiên thường kỳ thứ 40 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phiên họp cuối cùng của năm 2024.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, trong hai ngày diễn ra phiên họp, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ tập trung xem xét việc tổng kết, rút kinh nghiệm kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV và công tác lập pháp, xem xét thông qua chương trình của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội năm 2025, cho ý kiến bước đầu về chuẩn bị cho kỳ họp thứ 9 của Quốc hội.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, thông qua các chương trình công tác cho năm 2025, bao gồm: Nghị quyết Chương trình công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2025; xem xét, thông qua Chương trình hoạt động đối ngoại năm 2025 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và chương trình hoạt động đối ngoại hợp tác quốc tế của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, của Tổng Thư ký Quốc hội, các nhóm nghị sĩ, Văn phòng Quốc hội và các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Các đại biểu dự phiên họp.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua dự án Pháp lệnh Chi phí tố tụng, với dự án này Uỷ Ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến tại phiên họp tháng 12/2023; xem xét đề nghị bổ sung 06 dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 gồm: dự án Luật Phá sản (sửa đổi); dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi); dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân; dự án Luật Báo chí (sửa đổi); dự án Luật Luật sư (sửa đổi); dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, về việc sắp xếp, thành lập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành nghị quyết sắp xếp 50/51 địa phương. Vì thế, tại phiên họp này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét tỉnh duy nhất còn lại là Ninh Bình.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến 7 nội dung về tài chính, ngân sách, bao gồm: bổ sung dự toán chi thường xuyên cho Ủy ban Sông Mê Công Việt Nam năm 2024; bổ sung dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; bổ sung dự toán chi thường xuyên cho các bộ, cơ quan trung ương và bổ sung dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2024; phân bổ dự toán ngân sách trung ương năm 2024 kinh phí xử lý bù giá trong bao tiêu sản phẩm dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn; bổ sung kinh phí chi sự nghiệp khoa học, công nghệ của ngân sách trung ương năm 2024; bổ sung kinh phí chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2024 cho Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Văn phòng Trung ương Đảng; giao, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.
Phiên họp này sẽ xem xét tập trung rà soát, giải quyết các công việc còn lại cần hoàn thành trong năm 2024.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào báo cáo công tác dân nguyện tháng 11/2024, trong đó có công tác dân nguyện tháng 10/2024; cho ý kiến về dự thảo Nghị định quy định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư; cho ý kiến về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của một số chức danh.
Theo Chủ tịch Quốc hội, trong trường hợp các cơ quan chuẩn bị kịp tài liệu, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, quyết định mức chi phí tổ chức và hoạt động quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2025 - 2027.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, trước mắt, các cơ quan chức năng phải khẩn trương chuẩn bị các điều kiện để triển khai ngay các Luật được Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV thông qua, đảm bảo rút ngắn thời gian các khâu chuẩn bị văn bản hướng dẫn để quy định mới đi vào thực tế nhanh nhất, phải đảm bảo các luật được thông qua đi vào thực tiễn khơi thông dòng tín dụng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội. Dự kiến các văn bản quy định chi tiết các luật, nghị quyết tại kỳ họp thứ 8 là: 122 văn bản, trong đó có 60 nghị định, 06 quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 56 thông tư.
Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại phiên họp.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng yêu cầu cần khẩn trương hoàn thành các phương án, đề án, sửa đổi các luật để tiến hành đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả./.
Theo VOV.VN