Tổng Bí thư nêu rõ những lợi thế của Đồng Tháp để phát triển như tiềm năng nông nghiệp to lớn, phát triển ngành du lịch, đặc biệt là lợi thế vị trí địa lý và khả năng kết nối giao thông khi nằm tiếp giáp với các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL.
Sáng 11/12, tại Thành phố Cao Lãnh, Tổng Bí thư Tô Lâm dẫn đầu đoàn công tác Trung ương chủ trì buổi làm việc với Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025; việc thực hiện Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV vủa Đảng.
Cùng dự có ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà; lãnh đạo một số ban, bộ ngành Trung ương.
Đồng Tháp trong nhóm 5 địa phương dẫn đầu PCI
Báo cáo Tổng Bí thư và Đoàn công tác, Bí thư Tỉnh ủy Lê Quốc Phong cho biết, kinh tế của tỉnh hàng năm tăng trưởng khá; sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, với thế mạnh là lúa gạo, thuỷ sản, cây ăn trái, hoa kiểng.
Tỉnh có Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 16 năm liên tiếp nằm trong nhóm 5 địa phương dẫn đầu cả nước. Ước tính tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân 4 năm (2020 - 2024) đạt 4,93%/năm, GRDP bình quân/người đến cuối năm 2024 ước đạt 77,55 triệu đồng, tương đương 3.258 USD.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, có 3/3 chỉ tiêu công tác xây dựng Đảng đạt và vượt kế hoạch, công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị tiếp tục được đẩy mạnh, công tác phát triển Đảng đạt kết quả tích cực.
Công tác cán bộ, sắp xếp bộ máy đã và đang triển khai nghiêm túc theo chỉ đạo của Trung ương (8/12 huyện, thành phố bí thư cấp uỷ cấp huyện không là người địa phương; 114/143 xã, phường, thị trấn bố trí bí thư cấp uỷ cấp xã không là người địa phương).
Công tác nội chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, cải cách tư pháp được tăng cường, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ kiểm tra 31 tổ chức đảng và 16 đảng viên; giám sát 14 tổ chức đảng và 9 đảng viên; xem xét thi hành kỷ luật 2 tổ chức đảng và 9 đảng viên.
Ủy ban Kiểm tra Tỉnh uỷ giám sát 7 tổ chức đảng và 5 đảng viên; kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm 3 tổ chức đảng và 9 đảng viên; kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng đối với 12 tổ chức đảng; giải quyết tố cáo 8 đảng viên; xem xét, thi hành kỷ luật theo thẩm quyền 1 tổ chức đảng và 22 đảng viên; giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng 01 đảng viên…
Phải huy động mọi nguồn lực, thế mạnh đặc trưng để bứt phá
Bày tỏ vui mừng về thăm và làm việc tại vùng đất giàu bản sắc văn hóa và truyền thống cách mạng, nơi đầu tiên thành lập An Nam Cộng sản Đảng, là nơi có những nét văn hóa đặc trưng giao thoa của nhiều nền văn hóa khác nhau, tạo nên sự đa dạng về phong tục, tôn giáo, ngôn ngữ và các hình thức lễ hội phong phú thấm đẫm chất văn hóa dân gian, qua nghe báo cáo của địa phương và ý kiến phát biểu của lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, Tổng Bí thư Tô Lâm đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực phấn đấu và những kết quả, thành tựu mà Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã đạt được trong thời gian qua.
Sau khi thẳng thắn chỉ ra những khó khăn, hạn chế của địa phương trong quá trình phát triển và phân tích những thuận lợi khó khăn của tình hình trong nước và thế giới, Tổng Bí thư nêu rõ những lợi thế của địa phương để phát triển như tiềm năng nông nghiệp to lớn, phát triển ngành du lịch, đặc biệt là lợi thế vị trí địa lý và khả năng kết nối giao thông khi Đồng Tháp có vị trí thuận lợi, nằm tiếp giáp với các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL, có thể dễ dàng kết nối đến các thị trường lớn trong cả nước và Campuchia; có cơ hội trở thành đầu mối giao lưu quan trọng theo định hướng phát triển của Tiểu vùng Mê Công mở rộng, với hai cửa khẩu quốc tế là Thường Phước và Dinh Bà; nhất là tiềm năng về con người và nguồn nhân lực.
Do đó, Tổng Bí thư yêu cầu, thời gian tới tỉnh cần huy động mọi nguồn lực, các thế mạnh đặc trưng để bứt phá, góp phần tích cực vào sự phát triển chung của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và đất nước.
Phấn đấu đến năm 2030, phải xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long về xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh; phát triển bền vững ngành Nông nghiệp để làm trụ đỡ cho nền kinh tế.
Tầm nhìn đến năm 2050, Đồng Tháp trở thành tỉnh tiên phong trong đổi mới và chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, mở ra cơ hội cho các lĩnh vực kinh tế mới: Kinh tế sinh thái, kinh tế nước ngọt, nông nghiệp thích ứng, vận tải đa phương thức, chăm sóc sức khoẻ…
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh việc thường xuyên làm tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đề cao trách nhiệm người đứng đầu và vai trò nêu gương. Có cơ chế đột phá thu hút nhân tài trong và ngoài tỉnh, phát triển nguồn nhân lực có kiến thức, kỹ năng, đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, nỗ lực phấn đấu vì sự nghiệp chung. Quan tâm quán triệt, chỉ đạo thực hiện quyết liệt công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội Đảng các cấp và Đại hội đại biểu Đảng bộ Tỉnh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2025 - 2030 theo đúng tinh thần Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị.
Tổng Bí thư cũng lưu ý, địa phương quan tâm đầu tư cho giáo dục, đào tạo, nâng cao vốn con người; kết hợp tài nguyên bản địa với công nghệ, kiến thức và quản trị tiên tiến nhằm đưa kinh tế Đồng Tháp tiến lên những nấc cao hơn của chuỗi giá trị; trong đó cần tập trung phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao và bền vững: chuyển đổi mô hình sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và vật nuôi để thích ứng với thị trường, thích ứng với điều kiện tự nhiên mới và biến đổi khí hậu, xây dựng chuỗi giá trị nông sản gắn với chế biến sâu và xuất khẩu, đẩy mạnh phát triển du lịch bền vững, tăng cường quảng bá và xúc tiến du lịch, thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp chế biến, đặc biệt là chế biến nông sản và thực phẩm.
Cải thiện hạ tầng khu công nghiệp, có cơ chế chính sách ưu đãi, quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong tỉnh; thu hút đầu tư phát triển logistics hiện đại, hỗ trợ vận chuyển và bảo quản nông sản nhất là đẩy mạnh phát triển kinh tế số và đổi mới sáng tạo.
“Chuyển đổi cơ cấu cây trồng và vật nuôi để thích ứng với thị trường, thích ứng với điều kiện tự nhiên mới và biến đổi khí hậu, xây dựng chuỗi giá trị nông sản gắn với chế biến sâu và xuất khẩu. Chú trọng xây dựng và giữ gìn thương hiệu nông sản Đồng Tháp để tăng giá trị sản phẩm. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp là điều tất yếu. Tiếp tục mở rộng, nhân rộng các hình hình thức hợp tác, liên kết các mô hình Hợp tác xã kiểu mới, nhiều mô hình hội quán rất hay, rất hiệu quả, thiết thực cho người nông dân”, Tổng Bí thư nêu rõ.
Tại buổi làm việc, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng cho ý kiến về một số kiến nghị, đề xuất của tỉnh Đồng Tháp, đồng thời giao Văn phòng Trung ương Đảng tổng hợp các đề xuất, kiến nghị của địa phương gửi các cơ quan liên quan nghiên cứu, xem xét, giải quyết theo thẩm quyền, bảo đảm đúng quy định của pháp luật, trên nguyên tắc tạo điều kiện và hỗ trợ tối đa, cùng đồng hành với sự năng động, sáng tạo, đột phá của tỉnh Đồng Tháp.
* Trước đó, đầu giờ sáng nay, Tổng Bí thư Tô Lâm đến dâng hương, dâng hoa Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - Thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc, thành phố Cao Lãnh, viết sổ lưu niệm và trồng cây lưu niệm tại Khu di tích.
Trước anh linh Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng đoàn công tác bày tỏ lòng tưởng nhớ, tri ân sâu sắc công lao, đạo đức, nhân cách cao cả của Cụ, nguyện tiếp tục học tập, noi theo tấm gương của Cụ và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đoàn kết toàn Đảng, toàn dân, phát huy tinh thần yêu nước, tự lực, tự cường, không ngừng đổi mới, sáng tạo, đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc./.
Theo VOV.VN