Xây dựng văn hóa trong Đảng là một trong những nhiệm vụ quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, giúp cho Đảng trong sạch, vững mạnh toàn diện.
Để đẩy mạnh công tác xây dựng văn hóa trong Đảng, một trong những nhiệm vụ, giải pháp đặt ra là thực hiện nghiêm các quy định về nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu. Cùng với đó là chủ động phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Tham luận tại Hội thảo khoa học quốc gia về xây dựng văn hóa trong Đảng giai đoạn mới, PGS.TS Phạm Duy Đức (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) nhấn mạnh, xây dựng văn hóa trong Đảng phải trở thành vấn đề cốt lõi dẫn dắt toàn dân tộc bước vào kỷ nguyên mới.
Phản ánh tình trạng phai nhạt lý tưởng hiện nay xuất hiện ở không ít cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ cấp cao, ông Phạm Duy Đức cho rằng, từ sự sa sút về lý tưởng chính trị dẫn tới tự chuyển hóa, tự suy thoái.
Điều đó lý giải vì sao không phải ngay từ đầu nhiều cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, mà vì họ đã đi vào con đường sa đọa về đạo đức, lối sống, dẫn tới xa rời lý tưởng chính trị và suy thoái về tư tưởng chính trị.
"Trước đây, trong chiến tranh chúng ta hết sức cảnh giác với “viên đạn bọc đường”, nhưng trong hòa bình và xây dựng đất nước, nhiều cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ cao cấp đã đi vào con đường suy thoái này", ông Đức nêu.
Theo Phó giáo sư Phạm Duy Đức, nhất thiết phải thực hành việc nêu gương. Cán bộ, đảng viên phải nêu gương về đạo đức, lối sống, sống giản dị, liêm khiết, không đặc quyền, đặc lợi; nêu gương trong thực thi trách nhiệm công việc, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Cán bộ nêu gương còn được thể hiện trong tuân thủ kỷ luật, nguyên tắc của Đảng.
“Nhiều khi cán bộ lãnh đạo nói cho người khác nghe, còn đối với bản thân thì buông lỏng, tự cho mình cái quyền đứng trên, đứng ngoài những nguyên tắc của Đảng, cho nên mới dẫn đến tình trạng một loạt cán bộ, kể cả cán bộ cao cấp vướng vòng lao lý”, ông Phạm Duy Đức cho biết.
PGS.TS Phạm Duy Đức nhấn mạnh, nêu gương giúp củng cố niềm tin của quần chúng vào Đảng, khẳng định sự liêm chính và trách nhiệm của lãnh đạo. Cán bộ chủ chốt nêu gương trong tuân thủ kỷ luật, đạo đức sẽ giúp ngăn ngừa nguy cơ suy thoái, tham nhũng và các biểu hiện tiêu cực. Cùng với đó, khi cán bộ lãnh đạo nêu gương sẽ tạo ra sự đoàn kết, khích lệ tinh thần hợp tác và phát huy trí tuệ tập thể trong tổ chức.
Giáo sư Mạch Quang Thắng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho biết, trong tư tưởng Hồ Chí Minh, giá trị văn hóa lớn nhất của văn hóa trong Đảng được nhìn ở sự trong sạch, vững mạnh của tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên.
"Nếu không trong sạch đừng nói gì tới văn hóa cả. Cán bộ làm sai, cả cán bộ cấp cao, cấp chiến lược làm sai thì làm sao mà nói tới văn hóa chính trị", ông Thắng đồng thời cho biết, việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch cũng chính là biện pháp cốt lõi xây dựng và phát triển văn hóa trong Đảng.
Theo ông, văn hóa trong Đảng còn được thể hiện ở việc ứng xử của Đảng trong nội bộ Đảng, tức là phải thực hiện đúng các nguyên tắc hoạt động; cán bộ, đảng viên ứng xử với nhau phải trên tinh thần đồng chí thương yêu lẫn nhau. Trong ứng xử với với nhân dân phải thực hiện như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy, thực sự là công bộc, đầy tớ của nhân dân.
Bàn về văn hóa chính trị, GS.TS Nguyễn Trọng Chuẩn, Phó Chủ tịch Hội Triết học Việt Nam cho rằng, yêu cầu đối với cán bộ các cấp trong hệ thống chính trị giai đoạn hiện nay, nhất là cấp chiến lược, không chỉ dừng lại ở ý thức thường ngày mà cần vươn lên có ý thức chính trị ở trình độ lý luận cao.
Ý thức đó thể hiện ở sự kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; không được phép phai nhạt lý tưởng cách mạng, không được mơ hồ hay dao động hoặc thiếu niềm tin vào con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn.
"Ý thức chính trị ở trình độ lý luận cao đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên cần nghiêm túc thực hiện trách nhiệm nêu gương, người có chức vụ càng cao, cương vị càng lớn càng phải gương mẫu trong tu dưỡng, rèn luyện để quần chúng, nhân dân noi theo", ông Nguyễn Trọng Chuẩn cho biết.
Phó Chủ tịch Hội Triết học Việt Nam cũng khẳng định, mỗi cán bộ, đảng viên cần phải thể hiện được tư tưởng vững vàng, quan điểm đúng đắn, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm, hết lòng vì nước, vì dân; có phong cách lãnh đạo khoa học, dân chủ, sâu sát thực tiễn, thật sự là hạt nhân đoàn kết, quy tụ, tạo động lực và phát huy trí tuệ tập thể theo tinh thần Bác đã dạy: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền".
Kim Anh/VOV.VN