Ai chạy, chạy ai?

Chưa bao giờ công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng ta lại diễn ra quyết liệt, đạt được nhiều kết quả như vậy

 

1. Ngày cuối cùng của tháng 7/2017. Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói một cách hình ảnh: “Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy...”. Thời điểm đó không phải không có người vẫn bán tín bán nghi khi mà “một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên thoái hóa biến chất” vẫn cơ bản nằm ngoài vòng ảnh hưởng Nghị quyết T.Ư 4. “Củi” mà Tổng Bí thư nói chính là những cán bộ nằm trong “bộ phận không nhỏ” không dễ gì “chỉ mặt, gọi tên”. Vậy mà 2 năm qua, “lò lửa chống tham nhũng” đã cháy sáng đến không ngờ...

Như một dự cảm tốt lành trước thềm năm mới Canh Tý 2020, câu nói hình ảnh của Người đứng đầu Đảng và Nhà nước cách đây 2 năm đã trở thành thông điệp của niềm tin, của niềm cảm hứng trong triệu triệu trái tim người dân.

Chưa bao giờ công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng ta lại diễn ra quyết liệt, đạt được nhiều kết quả, tạo được sự đồng thuận, hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội đến như vậy.

Hàng loạt vụ án lớn được đưa ra xét xử công khai, thuyết phục với nhiều bị cáo từng giữ chức vụ cao trong bộ máy lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Những nguyên Ủy viên Bộ Chính trị (UVBCT), nguyên UVTƯ, nguyên Bộ trưởng, nguyên tướng lĩnh quân đội, công an... đã phải hổ thẹn nhận tội trước Tòa, nghẹn ngào nói lời xin lỗi Đảng, xin lỗi Nhân dân. Một kết quả mà ngay cả người lạc quan nhất về chống tham nhũng cũng khó tưởng tượng ra.

Kể từ đầu nhiệm kỳ khóa XII đến nay, BCHTƯ, BCT, Ban Bí thư (BBT), Ủy ban Kiểm tra TƯ đã thi hành kỷ luật hơn 90 cán bộ cao cấp thuộc diện TƯ quản lý; trong đó có 2 UVBCT và nguyên UVBCT, 19 UVTƯ và nguyên UVTƯ, 1 nguyên Phó Thủ tướng, 5 Bộ trưởng và nguyên Bộ trưởng, 7 Bí thư Tỉnh ủy và nguyên Bí thư Tỉnh ủy, 17 tướng lĩnh. BCT, BBT cũng đã kỷ luật 7 tổ chức Đảng.

Chống tham nhũng không có vùng cấm đã và đang trở thành một hiện thực thuyết phục. “Một bộ phận không nhỏ” đã lần lượt bị bóc gỡ, “phơi sáng”, chứng minh tính đúng đắn của Nghị quyết T.Ư 4, đồng thời đập tan luận điệu xuyên tạc, phản động của các thế lực thù địch. 

2. Nhưng, cũng có điều khiến chúng ta trăn trở: Vì sao nhiều cán bộ được đào tạo, rèn luyện bài bản đến thế lại có thể phai nhạt lý tưởng, sa ngã, biến chất, thậm chí vướng vòng lao lý?

Nhớ lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Then chốt của mọi then chốt”, “Công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay xấu”, chúng ta càng thấy thấm thía và càng phải nghiêm túc nhìn lại công tác cán bộ. Bên cạnh nguyên nhân “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, thì rõ ràng công tác cán bộ của chúng ta có những “lỗ hổng” để “một bộ phận không nhỏ” leo cao, luồn sâu, tiếp tục đục khoét, gây hại cho đất nước.

“Lỗ hổng” đó vừa là nguyên nhân vừa là hậu quả của hành vi “chạy chức, chạy quyền”. Không kịp thời bịt lại, “lỗ hổng” sẽ ngày càng rộng ra, hành vi “chạy chức, chạy quyền” sẽ lại dồn lên như sóng, nguy hại vô cùng. Thực tế, hành vi “chạy” đang lan rộng trong đời sống xã hội: chạy chức, chạy quyền, chạy luân chuyển, chạy quy hoạch, chạy bằng cấp, chạy học hàm, học vị, chạy điểm đại học cho con, chạy thanh tra kiểm tra, chạy án, chạy tội... Những “cái chạy” làm trầm trọng thêm sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, sự yếu kém trong các cơ quan công quyền, tạo đà cho tình trạng tham nhũng, lãng phí, bất công xã hội gia tăng.

Phiên tòa xét xử vụ án MobiFone mua AVG gây sự chú ý lớn từ dư luận. Ảnh: K.T

Nếu không ngăn chặn được tình trạng này, dù ta có bóc bỏ được “bộ phận không nhỏ” thì theo thời gian, sẽ lại hình thành “một bộ phận không nhỏ” khác. “Bộ phận không nhỏ” là những kẻ cơ hội, không vì cái chung mà vì cái riêng, bất chấp mọi thủ đoạn để “vinh thân, phì gia”. Hậu quả chúng để lại về vật chất là nhiều công trình hàng nghìn tỷ đồng chưa khánh thành đã hư hỏng; hàng loạt đại dự án “đắp chiếu”; hàng tỷ viên thuốc giả chữa bệnh nhập khẩu tràn lan; những con tàu, ụ nổi, thiết bị máy móc hàng trăm triệu đô la trở thành rác thải công nghiệp; những AVG được “thổi” giá lên giời mặc Nhà nước và nhân dân gánh chịu... Ghê gớm hơn là hậu quả không thể tính thành tiền: hiệu lực quản lý của bộ máy nhà nước bị vô hiệu, cuộc sống bình an và lòng tin của nhân dân bị tước đoạt.

Bởi thế, hành vi chạy chức, chạy quyền và bao che cho chạy chức, chạy quyền,  phải được coi là hành vi nguy hiểm cho xã hội, nguy hiểm cho uy tín của Đảng và Nhà nước, cho sự tồn vong của chế độ, không thể không nghiêm trị.

3. Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã từng nói: “Ngay từ năm 2014, tôi nêu vấn đề, trong nhân dân có nói chuyện chạy chức, chạy quyền, đề nghị làm rõ, có hay không chạy ai, ai chạy? Nay đã làm rõ một bước, nhưng đây vẫn là vấn đề nhức nhối”.

Còn đó câu chuyện quan lộ thênh thang của Trịnh Xuân Thanh khiến dư luận không khỏi bất ngờ về việc chạy chức, chạy quyền, chạy luân chuyển. Để lại một “di hại” là TCty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam thua lỗ hơn 3 nghìn tỷ đồng nhưng ông Thanh vẫn được phong Anh hùng Lao động; rồi “luân chuyển” một cách tù mù vào Hậu Giang giữ chức Phó Chủ tịch tỉnh, trở thành cán bộ nguồn của Trung ương. Trước tòa, Trịnh Xuân Thanh đã mếu máo nhận án tù về hành vi phạm tội tham nhũng. Tuy nhiên, hành vi chạy chức, chạy quyền, chạy luân chuyển của Trịnh Xuân Thanh và những kẻ bao che cho hành vi này của Thanh thì chưa được xử lý triệt để, tương xứng, thích đáng với tính chất nguy hiểm của nó.

Hay như vụ bổ nhiệm “thần tốc” hot girl Trần Vũ Quỳnh Anh, cũng ăm ắp nỗi nhức nhối về hành vi chạy chức, chạy quyền. Từ một nhân viên phục vụ, chỉ một thời gian ngắn, hot girl này lướt qua nhiều chức vụ, chạm tới cả chức Phó Giám đốc Sở Xây dựng, rồi biến mất một cách bí ẩn. Chỉ đến khi Ủy ban Kiểm tra TƯ vào cuộc thì mới chỉ rõ ông Ngô Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã có hành vi “nâng đỡ không trong sáng” horl girl đình đám này. Ông Tuấn bị cách chức. Tuy nhiên, trước đấy, kết luận của cơ quan kiểm tra Thanh Hóa lại chỉ dừng ở mức khiển trách? Sự bức xúc của dư luận về vụ việc này đến nay vẫn chưa dứt, vẫn bám theo và phản đối gay gắt ông Tuấn trong cả 2 lần ông này có đơn xin chuyển công tác sau thời gian chịu án kỷ luật.

Hàng loạt vụ “nâng đỡ không trong sáng” khác cũng “lộ sáng” trong thời gian vừa qua, kể cả qua các đại án tham nhũng, nhưng dư luận vẫn đặt dấu hỏi về việc xử lý hành vi “ai chạy, chạy ai” chưa triệt để, chưa tương xứng với tính chất nguy hiểm của hành vi này, chưa thực sự có tính răn đe, giáo dục, thuyết phục, phòng ngừa. Lý do dễ thấy là hành vi “chạy chức, chạy quyền” chưa được pháp luật quy định vào nhóm hành vi nguy hiểm cho xã hội để điều chỉnh.

Nhận thức rõ mối nguy từ chạy chức, chạy quyền, ngày 23/9/2019, BCT đã ban hành quy định 205-QĐ/TW về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền. Theo đó, lần đầu tiên Đảng quy định rõ: 6 hành vi chạy chức, chạy quyền và 8 hành vi bao che chạy chức, chạy quyền. Trước đó, ngày 7/10/2017, Quy định số 98-QĐ/TW về luân chuyển cán bộ cũng được BCT ban hành. Theo đó, cán bộ được luân chuyển là để thực hiện chủ trương bố trí cán bộ không phải người địa phương và cán bộ không giữ chức vụ quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp ở một địa phương, cơ quan, đơn vị. Cụ thể: Bí thư tỉnh uỷ, huyện uỷ và tương đương; Chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp huyện; Viện trưởng VKSND, Chánh án TAND cấp tỉnh, cấp huyện; Cán bộ cấp trưởng các ngành thanh tra, công an, tài chính, thuế, hải quan cấp tỉnh, cấp huyện.

Quy định 205-QĐ/TW và Quy định số 98-QĐ/TW chính là thể hiện quyết tâm của Đảng ta tiếp tục xóa bỏ tận gốc “một bộ phận không nhỏ” mà Nghị quyết T.Ư 4 đã chỉ ra. Việc triển khai và cụ thể hóa chủ trương của Đảng đang là bước đi quyết định để chặn đứng vấn nạn chạy chức, chạy quyền, chạy luân chuyển.

“Ai chạy, chạy ai?”, vì thế, vẫn tiếp tục là câu hỏi nóng trong thời gian tới!./.

“Tiến tới Đại hội XIII của Đảng, phải quan tâm, chỉ đạo sâu sát, tránh tình trạng cứ sắp đến Đại hội là chỉ lo cho công tác nhân sự mà sao nhãng các công việc thường xuyên; kiên quyết chống chạy chức, chạy quyền, đã chạy là không dùng!”. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận