Chiều 17/9, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc, bà Kang Kyung Wha đang có chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 17 - 18/9. Thủ tướng đề nghị năm nay hai nước phấn đấu đạt kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỷ USD; đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ các lĩnh vực hợp tác khác.
Thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh và đánh giá cao chuyến thăm của Bộ trưởng Kang Kyung Wha, góp phần tăng cường quan hệ, tình cảm hữu nghị đặc biệt của hai nước.
Thủ tướng nêu rõ, hai nước là đối tác chiến lược, tin cậy, chia sẻ lợi ích và Hàn Quốc hiện đang dẫn đầu về đầu tư tại Việt Nam. Thủ tướng đề nghị năm nay hai nước phấn đấu đạt kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỷ USD; đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ các lĩnh vực hợp tác khác. Hai bên cũng đang nỗ lực hết sức để tháo gỡ những khó khăn, thúc đẩy quan hệ hợp tác hiệu quả hơn nữa.
Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Kang Kyung Wha đánh giá cao Việt Nam đã có nhiều thành công trong phòng chống Covid-19, đồng thời thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Ngay trong quá trình phòng, chống Covid-19, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam vẫn thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước.
Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc chuyển lời thăm hỏi của Tổng thống Hàn Quốc tới Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; bày tỏ hy vọng hai bên sẽ sớm nối lại các cuộc trao đổi đoàn cấp cao. Đánh giá quan hệ hợp tác không chỉ quan hệ hợp tác đối tác chiến lược mà còn là quan hệ kinh tế - xã hội bền chặt, Bộ trưởng cho biết, hiện có rất nhiều người Hàn Quốc đang mong muốn được nhập cảnh vào Việt Nam để đầu tư và ngược lại, nhiều người Việt Nam muốn sang Hàn Quốc để học tập, làm việc. Điều đó cho thấy giao lưu nhân dân đóng vai trò hết sức quan trọng trong quan hệ hai nước. Phía Hàn Quốc cũng sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho người Việt Nam nhập cảnh vào nước này. Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn hiện nay, Bộ trưởng hy vọng hai nước thống nhất quy trình nhập cảnh đặc biệt nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp Hàn Quốc được vào Việt Nam với thủ tục, quy trình rút gọn hơn nữa.
Nhân dịp này, bà bày tỏ mong muốn hai nước sớm ký hiệp định về bảo hiểm xã hội để bảo đảm quyền lợi hơn nữa cho người lao động; đề nghị Việt Nam đưa Hàn Quốc vào danh sách tham chiếu các nước trong đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế vì Hàn Quốc có thế mạnh về sản xuất thiết bị y tế đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Hoan nghênh các đề xuất của Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Việt Nam đã và sẽ tạo mọi điều kiện cho các chuyên gia, nhà quản lý Hàn Quốc vào Việt Nam để phục vụ đầu tư, làm việc. Đây là điều cần thiết, có lợi cho quan hệ hai nước. Thủ tướng khẳng định ủng hộ "Chính sách hướng Nam mới" của Hàn Quốc và đề nghị hai bên tiếp tục duy trì giao lưu cấp cao linh hoạt trên cơ sở bảo đảm phòng chống dịch. Đẩy mạnh giao lưu giữa các bộ, ngành, địa phương hai nước để thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hợp tác hai nước.
Thủ tướng đề nghị Hàn Quốc phối hợp có các biện pháp hiệu quả, tạo thuận lợi về thủ tục để hai bên sớm đạt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên mức 100 tỷ USD. Việt Nam là nước nhập siêu lớn từ Hàn Quốc, do đó hai bên cần tiến tới cân bằng thương mại song phương.
Về đầu tư, Việt Nam có chương trình tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài và Việt Nam đã quyết định mở lại đường bay thương mại tới một số nước, khu vực, trong đó có Hàn Quốc. Nhiều tập đoàn lớn của Hàn Quốc đang đầu tư, làm ăn thành công tại Việt Nam và thông qua đó đóng góp vào thành công của quan hệ hai nước. Mọi kiến nghị của các doanh nghiệp Hàn Quốc đều được Chính phủ Việt Nam quan tâm, xem xét giải quyết phù hợp.
Thủ tướng cũng mong Hàn Quốc giảm, tiến tới bỏ các điều kiện ràng buộc đối với các khoản vay ODA, vay ưu đãi, mở rộng các khoản viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam; tăng tiếp nhận lao động Việt Nam, dành nhiều quan tâm, hỗ trợ hơn nữa cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay.
Về tình hình Biển Đông, Thủ tướng mong Hàn Quốc tiếp tục duy trì ủng hộ lập trường của Việt Nam và ASEAN trong vấn đề Biển Đông, trong đó duy trì hoà bình, ổn định, bảo đảm an toàn, an ninh hàng hải, hàng không; tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982)./.
Vũ Dũng/VOV1