Doanh nghiệp đơn độc trong cuộc chiến thương hiệu?

Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, mới đây cho biết, gạo ST24 và ST25 (giành giải 'Gạo ngon nhất thế giới 2019) đã bị 4 doanh nghiệp Mỹ đăng ký bản quyền.

Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, mới đây cho biết, gạo ST24 và ST25 (giành giải “Gạo ngon nhất thế giới 2019) đã bị 4 doanh nghiệp Mỹ đăng ký bản quyền trước. Như vậy, khi Việt Nam xuất khẩu 2 loại gạo này sang Mỹ sẽ phải thông qua doanh nghiệp chủ sở hữu thương hiệu ST24, ST25 ở Mỹ. Nếu không thông qua, doanh nghiệp Việt sẽ vi phạm về sở hữu trí tuệ.

Câu chuyện này không mới - đã từng xảy ra với cà phê Trung Nguyên, kẹo dừa Bến Tre, nước mắm Phú Quốc từ khoảng 20 năm trước. Theo kinh nghiệm của các doanh nghiệp nhiều năm làm ăn với thị trường Mỹ, tại đây, mặt hàng nào được người tiêu dùng chú ý lập tức sẽ có người đăng ký thương hiệu đón đầu. Chi phí đăng ký thương hiệu không cao, nếu mặt hàng bán chạy thì người đăng ký thương hiệu trước có thể bán lại cho chủ sở hữu thực sự hoặc đòi tiền bản quyền khi có hàng hóa xuất khẩu sang. Nếu chủ sở hữu muốn đòi lại thương hiệu phải trải qua cuộc chiến pháp lý khá phức tạp.

Khi trả lời báo chí, ông Nguyễn Văn Bảy - phó cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH-CN - khẳng định: Nhãn hiệu gạo ST25 sẽ không thể đăng ký bảo hộ nhãn hiệu độc quyền ở Mỹ hay các quốc gia khác cho bất kể cá nhân hay tổ chức nào, bởi theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành, chỉ có thể đăng ký bảo hộ đối với giống lúa ST25 (giống lúa này đã được cấp bằng), còn gạo ST25 là tên gọi chung một sản phẩm từ giống lúa ST25, vì thế không thể được bảo hộ nhãn hiệu độc quyền cho cá nhân, tổ chức nào ở Mỹ cũng như tại VN. Do đó, đơn đăng ký nhãn hiệu liên quan gạo ST25 đã nộp tại Mỹ sẽ bị bác. Bởi trong quy định của pháp luật các nước, trong đó có Hoa Kỳ, tên gọi chung của sản phẩm/dịch vụ sẽ không được bảo hộ làm nhãn hiệu.

Phía Hoa Kỳ có bác đơn đăng ký bản quyền hay không còn chờ thời gian. Sẽ cần có phương án phản ứng kịp thời nếu như đơn đăng ký này được chấp thuận, bỏ qua quy định chung. Tuy nhiên, câu chuyện mất thương hiệu, bị vi phạm kiểu dáng độc quyền… là nỗi đau lớn của doanh nghiệp và người nghiên cứu. Ông Đặng Lê Nguyên Vũ - chủ của thương hiệu cà phê Trung Nguyên - và các cộng sự đã phải vô cùng vất vả mới giành lại được thương hiệu ở thị trường nước ngoài, và cũng không trọn vẹn. Thương hiệu kẹo dừa Bến Tre của bà Phạm Thị Tỏ sau nhiều phen tranh đấu đành chịu thất bại. Nước mắm Phú Quốc cũng không khá hơn khi đa số “nước mắm Phú Quốc” bán tại Mỹ lại được sản xuất từ Thái Lan.

Thương trường thực sự là chiến trường. Từ người sản xuất, đến cơ quan quản lý và chính quyền địa phương có sản phẩm được thị trường ưa chuộng, cao hơn nữa là các cơ quan quản lý cấp trung ương như Bộ Khoa học - Công nghệ, Bộ Công Thương cần nghiên cứu và triển khai ngay những biện pháp cần thiết để tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá và bảo vệ quyền sở hữu đối với những sản phẩm Việt Nam được quốc tế quan tâm. Đừng để doanh nghiệp đơn độc trong cuộc chiến này./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận