Phát triển cảng biển và Logistic Đồng bằng Sông Cửu Long

Logistics tại ĐBSCL chưa thể tích hợp, tổ chức và liên kết các hoạt động trong chuỗi logistics, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh hàng hóa trên thị trường.

 

Tuy có vị trí thuận lợi về giao thông với tổng chiều dài đường thủy lên tới hơn 14.826 km nhưng hệ thống logistics tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện nay, mới chỉ dừng lại ở việc giao nhận vận tải, cho thuê kho bãi, làm thủ tục hải quan, vận chuyển nội địa, gom hàng lẻ, chưa thể tích hợp, tổ chức và liên kết các hoạt động trong chuỗi logistics, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh hàng hóa trên thị trường.

Quang cảnh buổi tọa đàm.

Tại cuộc tọa đàm Phát triển cảng biển và logistic Đổng bằng sông Cửu Long do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) , chi nhánh Cần Thơ tổ chức tại tỉnh Long An ngày 18/3, các chuyên gia kinh tế, giao thông, logistic, cùng đại diện các cơ quan liên quan, doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng trong vùng cho rằng : Đồng bằng sông Cửu Long có nhu cầu cấp thiết đối với sự phát triển ngành dịch vụ logistics nhằm hướng đến phục vụ hàng nông thủy sản của toàn vùng, với những dịch vụ logistics chủ yếu như vận tải, kho hàng, bảo quản hàng hóa và các dịch vụ giá trị gia tăng. Cụ thể như: dịch vụ kho lạnh, chiếu xạ, hấp nhiệt đối với mặt hàng trái cây để đảm bảo chất lượng hàng xuất khẩu cũng như hàng phân phối cho nhu cầu tiêu dùng nội địa. Tuy nhiên,  đồng bằng song Cửu Long còn thiếu các trung tâm logistics trọng điểm và các hệ thống trung tâm vệ tinh, thiếu bãi container rỗng, hệ thống kho ở các cảng, đơn vị kiểm định vệ sinh an toàn thực phẩm, chiếu xạ đạt chuẩn… Do đó, hàng hóa phải vận chuyển qua nhiều địa điểm và đưa lên TP Hồ Chí Minh để xuất đi các nơi, trong khi hệ thống giao thông ở đồng bằng song Cửu Long  chưa phát triển xứng tầm với nhu cầu phát triển… Phần lớn hàng hóa xuất nhập khẩu phải trung chuyển qua các cảng Cát Lái ở TP Hồ Chí Minh và Cái Mép-Thị Vải của Bà Rịa-Vũng Tàu gây tốn nhiều thời gian và chi phí, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh hàng hóa trên thị trường.

Các đại biểu tham dự tọa đàm.

Hiện nay, phần lớn các dịch vụ logistics chỉ dừng lại ở từng hoạt động riêng lẻ, chưa có sự kết nối chặt chẽ với nhau giữa các phương thức vận tải nên thường gây ra chậm trễ, chi phí phát sinh cao. Các doanh nghiệp logistics hoạt động tại đồng bằng sông Cửu Long mới chỉ dừng lại ở việc giao nhận vận tải, cho thuê kho bãi, làm thủ tục hải quan, vận chuyển nội địa, gom hàng lẻ chứ chưa thể tích hợp, tổ chức và liên kết các hoạt động trong chuỗi logistic.

Cảng Quốc tế Long An.

Về các giải pháp, các đại biểu tham dự hội thảo đề nghị cần tập trung khai thác hiệu quả các cảng Cần Thơ, Long An, An Giang, Trà Vinh để đáp ứng tối đa nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa. Cải tạo, nâng cấp , bảo trì các luồng tàu biển chính trong khu vực (Luồng cho tàu trọng tải lớn vào sông Hậu, luồng Cửa Tiều, luồng Định An- Cần Thơ). Phát triển các cảng gắn với các trung tâm sản xuất hàng hóa, đẩy mạnh hình thành trung tâm logistic vùng để hỗ trợ phát triển công nghiệp và hàng hóa qua cảng biển. Tăng cường thu hút nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách cho phát triển hạ tầng phù hợp với qui hoạch và các chính sách phát triển của quốc gia. Phát triển, hoàn chỉnh mạng lưới bus container, cơ hội phát triển công nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long. Kiến nghị Chính phủ các Bộ ngành Trung ương hoàn chỉnh hệ thống giao thông thủy – bộ khu vực phía Nam, góp phần giảm chi phí Logistic, thúc đẩy phát triển kinh tế Vùng đồng bằng sông Cửu Long./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận