Giải pháp nào để phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp tác động?

Cùng với việc thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nói chung, Chính phủ cũng dành sự quan tâm đặc biệt tới khởi nghiệp tạo tác động xã hội.

 

Mặc dù ngày càng nhiều dự án khởi nghiệp chọn hướng giải quyết các thách thức xã hội, tạo tác động xã hội dựa trên những giải pháp sáng tạo, song số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp tạo tác động ở Việt Nam còn rất khiêm tốn do doanh nghiệp khởi nghiệp tạo tác động gặp nhiều khó khăn, rào cản trong quá trình tiếp cận các biện pháp hỗ trợ, tiếp cận vốn và thị trường…

Ở Việt Nam những năm gần đây, cùng với việc thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nói chung, Chính phủ cũng dành sự quan tâm đặc biệt tới khởi nghiệp tạo tác động xã hội. Kể từ năm 2018, trong khuôn khổ Techfest quốc gia – sự kiện thường niên lớn nhất về khởi nghiệp tại Việt Nam, khởi nghiệp tạo tác động xã hội đã trở thành chủ đề quan trọng với sự xuất hiện của Làng khởi nghiệp tạo tác động (Impact Village). Trên cơ sở những hiệu ứng tích cực mang lại từ Impact Techfest 2018 và xu hướng phát triển của khởi nghiệp tạo tác động xã hội ở Việt Nam và trên thế giới, năm 2019, Impact Techfest đã được mở rộng và nằm trong chuỗi các sự kiện của Ngày hội khởi nghiệp quốc gia. Tiêu chí “tạo tác động xã hội” đã trở thành tiêu chí được chú trọng trong việc đánh giá các dự án khởi nghiệp tại các cuộc thi khởi nghiệp ở trong nước. Ngày càng có nhiều dự án khởi nghiệp chọn hướng giải quyết các vấn đề thời sự xã hội như xây dựng thương hiệu cho nông dân, nông sản Việt Nam; bảo vệ môi trường; dinh dưỡng cho người Việt; chăm sóc sức khỏe tâm lý, tâm thần cho thế hệ học sinh, sinh viên, các vấn đề về tiếp cận giáo dục, y tế, hay các giải pháp hỗ trợ các nhóm yếu thế trong xã hội... dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại như thực tế ảo, blockchain, hệ thống ứng dụng di động… đã tạo những tác động tích cực tới xã hội, cộng đồng và thu hút nguồn lực từ các nhà đầu tư.

Có thể nói, xu hướng khởi nghiệp xã hội ở nước ta đang và sẽ có nhiều thay đổi theo sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, công nghệ... Các doanh nhân, nhà khởi nghiệp trẻ và nhà sáng lập startup ngày càng lựa chọn các hướng khởi nghiệp xã hội đi vào giải quyết những vấn đề khó, đặc biệt trong bối cảnh thế giới bất định và nhiều rủi ro dưới tác động của đại dịch Covid-19 và những biến dịch địa chính trị. Lựa chọn những vấn đề khó đồng nghĩa với sự gia tăng những khó khăn, những nhu cầu cần được hỗ trợ của doanh nghiệp khởi nghiệp tạo tác động.

Những khó khăn của doanh nghiệp khởi nghiệp tạo tác động…

Phát biểu tại Hội nghị chính sách hỗ trợ khởi nghiệp tạo tác động được tổ chức mới đây tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, ThS. Vũ Tuấn Anh, Phó Tổng giám đốc Dr.SME, người có trên 10 năm kinh nghiệm hỗ trợ khởi nghiệp tạo tác động cho rằng, DN tạo tác động xã hội khó gấp trăm lần DN khởi nghiệp bình thường. Khởi nghiệp bình thường có thể khởi nghiệp ngay - sạt nghiệp luôn, nhưng đối với DN tạo tác động xã hội thì cực kì khó bởi vì tạo ra dòng tiền, lợi nhuận rất khó trong khi họ phải giải quyết các vấn đề của xã hội. Cái mà doanh nghiệp tạo tác động xã hội cần hỗ trợ chính là kỹ thuật, là thương hiệu và uy tín, là hàng lang pháp lý. Theo ông Vũ Tuấn Anh, cần phải tạo nên hạ tầng pháp lý, hạ tầng xã hội. Mà hạ tầng xã hội chính là nhận thức của nhân dân, của cộng đồng đối với cả doanh nghiệp tạo tác động xã hội, tiếp đến là hạ tầng khách hàng…

Các đại biểu nghe tham luận, phát biểu ý kiến.

 Từ góc độ của doanh nghiệp khởi nghiệp tạo tác động xã hội, chị Huyền My – gương mặt trẻ tiêu biểu của Forber under 30 năm 2022, người được giải quán quân trong cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp giải quyết các thách thức xã hội năm 2021 của Làng Thách thức và sáng tạo xã hội, Techfest Quốc gia 2021 cũng nhấn mạnh những khó khăn của doanh nghiệp khởi nghiệp tạo tác động chủ yếu gồm: kiến thức, kỹ năng hoạch định mô hình kinh doanh, các kỹ năng làm nổi bật ý tưởng, sản phẩm của mình và câu chuyện tiếp cận vốn, thuyết phục các Quỹ đầu tư rót vốn cho dự án của mình. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp tạo tác động với những đặc thù ở vùng sâu, vùng xa, giải quyết công ăn việc làm cho nhóm yếu thế gặp nhiều khó khăn và rào cản hơn các doanh nghiệp ở đô thị và cần được hỗ trợ mạnh mẽ hơn. Rất cần có một mạng lưới các bên trong hệ sinh thái với sự tương tác thường xuyên để có thể hiểu và hỗ trợ được cho nhau. Ngoài ra, cần hỗ trợ thủ tục đăng ký thành doanh nghiệp xã hội hoặc doanh nghiệp tạo tác động xã hội cũng như phát triển các chương trình cố vấn, ươm tạo để nuôi dưỡng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển nhanh.

 Hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp tạo tác động: cho cần câu hay cá mồi?

 Đó cũng là câu hỏi đặt ra cho các chuyên gia, các nhà đầu tư và doanh nghiệp khởi nghiệp tạo tác động tại Hội nghị chính sách hỗ trợ khởi nghiệp tạo tác động và Hội nghị tư vấn và kết nối đầu tư khởi nghiệp tạo tác động do Trường Đại học Kinh tế quốc dân tổ chức mới đây. Câu trả lời của hầu hết doanh nghiệp khởi nghiệp tạo tác động cũng như các chuyên gia đến từ các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp tạo tác động là: doanh nghiệp khởi nghiệp tạo tác động cần cả hai.

 

ECOSOI, doanh nghiệp sản xuất và nghiên cứu ứng dụng sợi dứa cho ngành thời trang và may mặc cho biết, doanh nghiệp có nhu cầu gọi vốn để phát triển sản phẩm và mở rộng sản xuất, song công ty gặp nhiều khó khăn trong quá trình tiếp cận nhà đầu tư – Bà Vũ Thị Liễu, nhà sáng lập, giám đốc điều hành chia sẻ. “Quá trình chứng minh năng lực của công ty quả không hề đơn giản. Những vấn đề về giá trị hữu hình và vô hình, định giá công ty, chứng minh hợp đồng nếu muốn gọi vốn đầu tư, chứng minh doanh thu với các sản phẩm sẽ có trong tương lai… đều là những thách thức đối với doanh nghiệp khi gọi vốn đầu tư mặc dù công ty đã nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư và sản phẩm của công ty cũng đã hiện diện trên thị trường nhiều nước”, bà Liễu cho biết.

Doanh nghiệp tạo tác động tiếp cận vốn khó do đâu? Liệu có phải các Quỹ đầu tư còn thiếu mặn mà với thị trường khởi nghiệp tạo tác động hay không?

Trên thế giới, đầu tư tác động đang nổi lên khá mạnh mẽ. Ước tính của GIIN về quy mô đầu tư tác động toàn cầu năm 2019 chỉ ra rằng, có khoảng 1.720 tổ chức tham gia đầu tư, với giá trị đầu tư khoảng 715 tỷ USD – theo chia sẻ của Hoàng Thị Nhật Lệ, Nhà sáng lập, Giám đốc điều hành LBG Asia.

Ở Việt Nam, theo nhận định của ông Trần Hoàng Thắng, Giám đốc vận hành VSV Foundation – một tổ chức tham gia mạnh mẽ vào đầu tư cho khởi nghiệp tạo tác động thì xu hướng về đầu tư các doanh nghiệp khởi nghiệp tạo tác động cũng là hướng đi rất tiềm năng và phát triển mạnh mẽ trong tương lai. Tuy nhiên, hiện nay số lượng vốn đầu tư cho khởi nghiệp tạo tác động ở Việt Nam còn thấp và thị trường này chưa hấp dẫn. Thực tế đầu tư của VSV cho thấy, rất khó khăn để có thể đầu tư được vào một doanh nghiệp tạo tác động. Nguyên nhân đầu tiên là chúng ta chưa có một quan điểm thống nhất và cụ thể về doanh nghiệp tạo tác động xã hội như thế nào, đặc biệt là vấn đề này chưa được quy định rõ trong Luật. Thứ hai là yêu cầu 51% tổng lợi nhuận để tái đầu tư để thực hiện mục tiêu xã hội môi trường và với góc nhìn của nhà đầu tư thì việc này không khiến cho doanh nghiệp này trở nên hấp dẫn. Nhìn chung, nhiều chính sách của Việt Nam đã có nhưng không giải quyết được vấn đề của thị trường. Để khuyến khích các nhà đầu tư tích cực bỏ vốn hơn, rất cần có các biện pháp về miễn giảm thuế đối với các nhà đầu tư trong lĩnh vực đầu tư tác động vì đầu tư tạo tác động xã hội rủi ro cao hơn, lợi nhuận thu về thấp hơn…”

Tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp tạo tác động xã hội có cần được hỗ trợ?

“Cần có các biện pháp hỗ trợ không chỉ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp tạo tác động mà còn cho cả các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp tạo tác động cũng như các quỹ đầu tư",  PGS.TS. Đỗ Hương Lan, Phó Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp và sáng tạo xã hội, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân chia sẻ. Những tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp này chính là những chủ thể tích cực hỗ trợ về mặt kỹ thuật cho doanh nghiệp khởi nghiệp tạo tác động như tư vấn pháp lý, đào tạo, coaching, mentor, kết nối mạng lưới chuyên gia, kết nối thị trường, kết nối đầu tư…, thậm chí, cần có những chính sách ưu đãi đặc biệt cho các tổ chức này và cần đơn giản hóa các thủ tục hành chính cũng như quy trình tiếp cận các chương trình dành cho các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp tạo tác động…

Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Bộ KH-ĐT, phát biểu tại hội thảo.

Đó cũng là mong muốn của các chuyên gia đến từ các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp tạo tác động như CSIP, FIIS (Trường Đại học Ngoại thương), BKH… Như lời chia sẻ đẩy tâm huyết của Ông Phạm Hồng Quất – Cục trưởng Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Bộ Khoa học và công nghệ tại Hội nghị, để phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp tạo tác động, không chỉ giới hạn các hoạt động hỗ trợ ở các bạn khởi nghiệp mà phải mở rộng đến khu vực doanh nghiệp và các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, đặc biệt là các trường đại học, tạo tác động lan tỏa tới các địa phương, tới toàn xã hội,…

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận