Tháo bỏ rào cản, thúc đẩy thanh niên khởi nghiệp

Cơ chế đầu tư còn nhiều bất cập, khó tiếp cận nguồn vốn... là những rào cản lớn khi thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Vậy cần gỡ nút thắt này ra sao?

 

Đầu tư cho khởi nghiệp còn nhiều rào cản

Làm sao hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp đang là vấn đề “nóng” tại nhiều diễn đàn, nhất là khi đất nước đang nỗ lực phục hồi kinh tế sau 2 năm đại dịch Covid-19. Tại tọa đàm “Cơ chế, chính sách đặc thù để tạo sự bứt phá cho đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp Việt Nam” (Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp 2022 do TƯ Đoàn, TƯ Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp tổ chức) mới đây, nhiều ý kiến đã nêu những rào cản trong việc thu hút vốn đầu tư vào các doanh nghiệp doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp sáng tạo. Anh Thẩm Trung Hiếu, chuyên gia pháp lý đến từ ThinkZone Ventures, một quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo được góp vốn hoàn toàn bởi các nhà đầu tư Việt Nam, cho biết hiện pháp luật đầu tư ở Việt Nam có rào cản nhất định, tạo nên “nút nghẽn cổ chai” trong đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.“Về thủ tục đầu tư, các cổ đông Việt Nam tại DN  đổi mới sáng tạo, khi thực hiện tái cơ cấu sẽ phải thực hiện thủ tục đầu tư ra nước ngoài để thành lập công ty mẹ tại nước ngoài, rồi công ty mẹ lại cần thực hiện thủ tục đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam. Như vậy là 2 lần thực hiện thủ tục đầu tư. Việc thực hiện các thủ tục này vẫn còn mất nhiều thời gian, công sức của DN đổi mới sáng tạo”, anh Hiếu chia sẻ.

Ngay trong Nghị định 38 (hướng dẫn về đầu tư cho DN nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo) còn rất nhiều bất cập như: quy định quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo không có tư cách pháp nhân; quy định chỉ cho phép có tối đa 30 nhà đầu tư góp vốn thành lập, làm hạn chế số vốn góp. Đặc biệt, nghị định này quy định quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo đầu tư không quá 50% vốn điều lệ của DN đổi mới sáng tạo, đã tạo ra hạn chế tiếp cận vốn của DN. “Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa quy định quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo được hưởng ưu đãi về thuế. Tuy nhiên, trong các văn bản hướng dẫn cụ thể về thuế thì không có quy định được ưu đãi như thế nào, áp dụng ra sao”, anh Hiếu trăn trở.

Chị Trần Đào Hạnh, đại diện Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Bách Khoa Hà Nội - BK Fund, cũng phản ánh cơ chế đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo còn nhiều rào cản, khiến DN khó tiếp cận nguồn vốn. Các đại biểu đã đề xuất các cơ quan quản lý xem xét, sửa đổi các quy định và nghiên cứu kinh nghiệm của một số quốc gia phát triển trên thế giới để đẩy mạnh đầu tư cho hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thăm một số gian hàng của doanh nghiệp do các bạn trẻ làm chủ tại diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp 2022

 
“Thời gian qua T.Ư Đoàn, T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam đã có nhiều hoạt động hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp. T.Ư Đoàn đã tham mưu để Thủ tướng ban hành Chương trình Hồ trợ thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2022 - 2030, với mong muốn nâng cao nhận thức, khát vọng khởi nghiệp, phát triển năng lực khởi nghiệp của thanh niên Việt Nam trong và ngoài nước. Đồng thời, góp phần kiến tạo môi trường để thanh niên khởi nghiệp có thể đóng góp cho công cuộc phát triển đất nước dựa trên khoa học, công nghệ đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số...” Anh Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư thường trực T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam

Cần có cơ chế đặc thù riêng

Trước đó, tại hội thảo khoa học " Thanh niên khởi nghiệp và pháp luật về hỗ trợ vốn cho thanh niên khởi nghiệp” , PGS-TS Vũ Thị Lan Anh, Phó hiệu trưởng thường trực Trường ĐH Luật Hà Nội cho biết: “Hiện tượng DN khởi nghiệp thành công lại ở quốc gia khác chứ không phải ở Việt Nam. Nhiều DN được thành lập ở Singapore có uy tín quốc tế rồi mới về Việt Nam. Tại sao như vậy, rào cản ở đâu cần nghiên cứu tháo gỡ khó khăn; Do cơ chế chính sách hay thủ tục?, cần tìm nút thắt gỡ rối”. Cũng theo bà Lan Anh: “Vướng mắc về vốn là quan trọng nhất. Đây là vấn đề tiên quyết vì không có vốn thì không khởi nghiệp được. Mặc dù chính sách có ưu ái nhưng thanh niên khởi nghiệp vẫn thiếu vốn và khó tiếp cận vốn”.

Thạc sĩ Phạm Văn Tuyên, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, cho rằng: “Qua khảo sát thực tế tại nhiều ngân hàng thương mại cho thấy các ngân hàng không cho vay đối với thanh niên khởi nghiệp”. Ông Tuyên đề xuất, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần ban hành văn bản quy định về việc giao các ngân hàng thương mại cho vay khởi nghiệp đối với thanh niên. Chính phủ, Bộ Tài chính ban hành quy định hướng dẫn để thanh niên có cơ hội tiếp cận vốn sở hữu chủ và các nguồn tài chính khác một cách hợp pháp để hiện thực hóa hoạt động khởi nghiệp.

Nhiều ý kiến cho rằng, cần có cơ chế đặc thù riêng cho thanh niên khởi nghiệp, không thể đánh đồng với việc cho vay khác. Cần hỗ trợ sâu hơn, nhanh hơn, dứt khoát quyết đoán, chấp nhận rủi ro. Đầu tư cho khởi nghiệp phải xác định tinh thần mất chứ hệ số an toàn cao thế thì sao hỗ trợ được.

Sẽ sớm sửa đổi các quy định

Tại diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp 2022 đại diện các bộ, ngành đã thừa nhận những bất cập của các quy định hiện hành. Ông Phạm Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng, khung thể chế cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo rất quan trọng vì nó cho phép có thúc đẩy đổi mới sáng tạo hay không. “Tôi từng gặp một DN đổi mới sáng tạo (có phần mềm cho tương tác trên toàn thế giới) nhưng cái họ băn khoăn không phải là thị trường hay sự cạnh tranh sản phẩm mà băn khoăn nhất là rủi ro pháp lý. Họ không biết sản phẩm của mình phải tuân thủ luật pháp nào. Sản phẩm đó có phải xin giấy phép không khi nó thay đổi từng giây, nộp thuế thế nào?... Họ muốn tuân thủ luật nhưng rất khó vì không có quy định”, ông Hiếu dẫn chứng. Ông Hiếu đề xuất, cần có khung thể chế để thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Cần đẩy mạnh quyền tự do kinh doanh tất cả những gì pháp luật không cấm, không hạn chế, chứ không thể không có luật là vi phạm. Nếu thúc đẩy mạnh sẽ tạo ra được môi trường đổi mới sáng tạo. Đồng thời ông cũng ghi nhận những kiến nghị của đại biểu để đóng góp khi sửa luật và đề nghị các cơ quan liên quan cần rà soát toàn bộ quy định liên quan đến khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, để kiến nghị sửa đổi những quy định có nguy cơ gây ra rào cản, hạn chế sáng tạo đổi mới; cần mạnh dạn xóa bỏ thì sẽ có môi trường kinh doanh tốt.

Còn ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (Bộ KH-ĐT), cũng cho rằng chính sách đầu tư cho đổi mới sáng tạo đã có rồi, nhưng cơ chế chính sách thúc đẩy thì có nhiều vấn đề cần giải quyết. Đại diện các bộ, ngành như Bộ Tài chính, Bộ KH-CN… cũng cho biết sẽ sớm cùng nhau xem xét đề nghị sửa đổi các quy định đang là rào cản trong khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Tại diễn đàn này, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã chia sẻ với các startup về những khó khăn và đối mặt rủi ro cao. Với việc khởi nghiệp như hiện nay, mục tiêu có 1,3-1,5 triệu DN đến năm 2025 là khó thực hiện. Song Phó thủ tướng nhấn mạnh ngay từ đầu quá trình nên chú trọng vào tiêu chí phát triển bền vững và an toàn (như làm hữu cơ, mô hình tiết kiệm, nông nghiệp sạch) để không chỉ giúp bản thân mà còn giúp cộng đồng, lan tỏa trong xã hội. Dịp này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương đã chứng kiến phần ký kết hợp tác giữa Trung ương Đoàn TNCS HCM và Bộ Kế hoạch và Đầu tư giai đoạn 2022-2027 nhằm phát huy vai trò của thanh niên trong thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và của đất nước./.

 

 

 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận