Chuyển đổi số góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành điện

EVNCPC được vinh danh tại giải 'Chuyển đổi số Việt Nam- 2022' với giải pháp 'Tự động thu thập và cung cấp, cảnh báo tư vấn thông tin sử dụng điện cho khách hàng

 

Hệ thống cảnh báo sử dụng điện tăng bất thường, trạm biến áp không người điều khiển, vận hành lưới điện thông minh, ứng dụng máy bay không người lái kiểm tra, phát hiện sự cố trên lưới điện ở những vị trí máy móc, con người khó tiếp cận.. là một loạt giải pháp chuyển đổi số được Tổng Công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) ứng dụng hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Với những kết quả này, Tổng Công ty Điện lực miền Trung vừa được vinh danh tại giải “Chuyển đổi số Việt Nam- 2022” với giải pháp “Tự động thu thập và cung cấp, cảnh báo tư vấn thông tin sử dụng điện cho khách hàng”.

Ông Ngô Tấn Cư, Tổng Giám đốc EVNCPC nhận giải thưởng chuyển đổi số 2022.

Thời gian qua, hàng trăm gia đình ở thành phố Đà Nẵng liên tục ghi nhận điện tăng bất thường, dù gia đình không sử dụng thêm thiết bị. Hộ sử dụng điện không hề hay biết nguyên nhân của tình trạng này. Khi ngành điện lực thực hiện giám sát từ xa thông qua hệ thống tự động cảnh báo sản lượng điện tăng bất thường, cử nhân viên đến kiểm tra mới phát hiện hệ thống điện của các gia đình này bị chạm chập, rò rỉ điện.

Ông Nguyễn Văn Hòa ở quận Cẩm Lệ cho biết, thông qua hệ thống cảnh báo sản lượng điện tăng bất thường, Điện lực Cẩm Lệ, Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng đã đến tận nhà hỗ trợ gia đình khắc phục sự cố. “Điện lực thông báo sản lượng điện tăng bất thường thì mới tìm ra nguyên nhân do sự cố rò rỉ và bên Điện lực Cẩm Lệ cũng đã cử người đến hỗ trợ, giúp cho trở lại bình thường. Vợ chồng tôi cũng rất cảm ơn Điện lực Cẩm Lệ đã giúp đỡ và phát hiện kịp thời, tránh sự nguy hiểm cho con cái của gia đình”, ông Nguyễn Văn Hòa chia sẻ.

Giám sát từ xa tại trung tâm điều độ Công ty Điện lực Đà Nẵng.

Hiện, Tổng Công ty Điện lực miền Trung đã hỗ trợ khách hàng theo dõi tình hình sử dụng điện hàng ngày, theo dõi tiến độ xử lý các yêu cầu dịch vụ điện. Tổng Công ty Điện lực miền Trung đã phát hiện sớm hơn 1.000 trường hợp hệ thống điện khách hàng bị chạm chập, sản lượng điện tăng bất thường. Đơn vị này cũng đang thử nghiệm hệ thống giám sát năng lượng hộ gia đình (HEMS) có kết nối đến các thiết bị điện thông minh trong nhà. Tổng Công ty Điện lực miền Trung và các Công ty điện lực thành viên đẩy mạnh vận hành lưới điện thông minh, ứng dụng trạm biến áp không người trực. Ông Hoàng Đức Quang Sáng, điều độ viên phòng Điều độ, Công ty TNHH Một Thành viên Điên lực Đà Nẵng cho biết, Công ty bắt đầu thực hiện tự động hóa lưới điện trên các trạm biến áp 110kv từ năm 2016 và chỉ sau 2 năm đã ứng dụng đến 100% trạm biến áp 110kv. Quá trình điều khiển, giám sát và thu thập dữ liệu được thực hiện ngay tại trung tâm thay vì phải điều nhân viên vận hành đến trực tiếp thao tác tại thiết bị. Thông số vận hành và trạng thái của thiết bị được cập nhật liên tục trên màn hình của Trung tâm điều khiển nên điều độ, trực ban có thể nắm bắt và xử lý nhanh chóng các sự cố. Hệ thống tự động hóa phát hiện, cô lập và khôi phục dịch vụ sau sự cố được đưa vào vận hành đã nhanh chóng cung cấp điện trở lại cho khách hàng chỉ sau từ 11s đến 40s, phạm vi cô lập là nhỏ nhất cho nên việc phát hiện sự cố cũng nhanh hơn so trước đây.

Sử dụng thiết bị đo phóng điện cục bộ để đo từ xa tình trạng phóng điện trên các thiết bị tại trạm biến áp 110kV.

Đến nay, Tổng Công ty Điện lực miền Trung đã chuyển 100% các trạm biến áp 110 kV vận hành không người trực. Giai đoạn 2021-2025, Tổng Công ty thực hiện 72 nhiệm vụ chuyển đổi số; trong đó, giai đoạn 2021-2022 có 54 nhiệm vụ, giai đoạn 2023-2025 có 18 nhiệm vụ. Trọng tâm chuyển đổi số là thu hút khách hàng tham gia các kênh giao tiếp số và làm hài lòng khách hàng trên các kênh giao tiếp này. Ngành Điện miền Trung xác định, trọng tâm chuyển đổi số trong mảng người lao động là nâng cao trải nghiệm trên môi trường số và phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo. Hiện, người lao động ngành Điện có thể làm việc mọi lúc, mọi nơi. Đồng thời ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để xử lý 100% hình ảnh hiện trường trong chương trình IMIS và đang thử nghiệm kết hợp máy bay không người lái (flycam) với AI để thay thế cho công tác kiểm tra đường dây thủ công hiện nay. Ông Ngô Tấn Cư, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực miền Trung cho biết, chuyển đổi số là giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động lưới điện, nâng cao chỉ số tin cậy đối với khách hàng.

Công ty Điện lực Cẩm Lệ lắp đặt công tơ điện tử cho khách hàng.

“Chuyển đổi số là công việc làm nhiều năm, liên tục và không được dừng lại nên chúng tôi đang tiếp tục thực hiện các giải pháp chuyển đổi số tiếp tục phát huy các giái pháp đã được thực hiện. Sang năm chúng tôi thực hiện 100% công tơ điện tử, đến nay 99,95% rồi. Ngoài ra trong vận hành hệ thống điện, điều hành sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng cơ bản, tất cả đều áp dụng chuyển đổi số. Làm như vậy thì đảm bảo mang tính chính xác, an toàn, minh bạch, công khai và mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp”, ông Ngô Tấn Cư nhấn mạnh./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận