Ngày 11/5, Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND tỉnh Tây Ninh tổ chức “Hội nghị triển khai xây dựng chuỗi, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh (ATDB)” tại tỉnh Tây Ninh do Lãnh đạo Bộ NN&PTNT và Lãnh UBND tỉnh Tây Ninh đồng chủ trì.
Tại Hội nghị, Cục Thú y, Cục Chăn nuôi, đại diện một số tỉnh, thành phố và doanh nghiệp tiên phong, có tiềm lực tổ chức xây dựng vùng, chuỗi ATDB được mời chia sẻ kinh nghiệm xây dựng thành công chuỗi, vùng ATDB động vật, cũng như những thuận lợi, khó khăn, thách thức và giải pháp triển khai thực hiện trong thời gian vừa qua.
Trong khuôn khổ hội nghị, dưới sự chứng kiến của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, đại diện lãnh đạo Sở NN-PTNT các tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Namvà Công ty TNHH De Heus đã tổ chức ký thỏa thuận hợp tác “Xây dựng chuỗi sản xuất thịt gà an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm để xuất khẩu giai đoạn 2023 – 2028”.
Thỏa thuận đề ra mục tiêu sẽ xây dựng thành công chuỗi cơ sở sản xuất thịt gà và các vùng chăn nuôi gia cầm an toàn dịch bệnh theo quy định của Tổ chức Thú y thế giới (WOAH/OIE), cụ thể an toàn với các bệnh và an toàn thực phẩm (như bệnh cúm gia cầm, Newcastle, Salmonella) đảm bảo phát triển chăn nuôi bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm, cung cấp sản phẩm an toàn phục vụ tiêu dùng trong nước, đáp ứng yêu cầu của quốc tế để xuất khẩu các sản phẩm gia cầm.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trong những năm qua đạt được nhiều kết quả tốt, về cơ bản đã kiểm soát tốt các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi. Công tác này tạo thuận lợi cho chăn nuôi phát triển. Đàn gia cầm có tốc độ tăng trưởng trung bình đạt trên 6,3% trong vòng 5 năm qua,tổng đàn đạt hơn 550 triệu con;bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho tiêu dùng trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu và bảo vệ sức khỏe con người.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng cho biết, mặc dù kết quả xây dựng chuỗi, vùng an toàn dịch bệnh trên đàn gia cầm thời gian qua đạt nhiều kết quả tích cực nhưng nguy cơ dịch bệnh trên đàn vật nuôi thời gian tới là rất lớn; việc xây dựng cơ sở, vùng an an toàn dịch bệnh vẫn còn nhiều hạn chế; chưa có cơ sở, vùng đạt an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới.
Để làm được điều đó, các tỉnh, thành phố cần chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các địa phương và các doanh nghiệp có hoạt động trên địa bàn các tỉnh, thành phố tổ chức nghiên cứu kỹ các quy định của Việt Nam, quy định của Tổ chức Thú y thế giới và yêu cầu của các nước nhập khẩu để xây dựng kế hoạch cụ thể và tổ chức xây dựng các chuỗi, vùng chăn nuôi ATDB hướng đến xuất khẩu.
Ông Johan van den Ban – Tổng Giám đốc Công ty TNHH De Heus Việt Nam chia sẻ,nhận thức được tầm quan trọng của việc phát triển chuỗi sản xuất và vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh nhằm mang lại những sản phẩm an toàn, đạt tiêu chuẩn, những năm qua, De Heus đã và đang nỗ lực cùng các đối tác và nông dân liên kết chuỗi, xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh để phát triển thị trường xuất khẩu, nâng cao giá trị ngành chăn nuôi gia cầm.