Luôn chủ động cấp điện liên tục, an toàn, ổn định cho khách hàng
Lãnh đạo đơn vị trực tiếp trao đổi, làm việc với các khách hàng lớn trên địa bàn để nắm bắt kế hoạch sản xuất, thông tin các khó khăn trong việc cấp điện và vận động, tư vấn khách hàng chủ động có kế hoạch sản xuất phù hợp, hạn chế sử dụng điện vào giờ cao điểm, tham gia đầy đủ, nghiêm túc việc điều tiết phụ tải khi có thông báo từ ngành điện. Chủ động cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin liên quan đến tình hình sử dụng điện qua Zalo, SMS, Email, các kiến nghị khách hàng phản ánh về hành vi, thái độ của nhân viên ngành điện, các đơn vị phải kiểm tra, xử lý kịp thời, đúng quy định.
Để nâng cao hiệu quả khai thác thông tin dữ liệu từ CSDL dân cư Quốc gia phục vụ hoạt động kinh doanh bán điện, Công ty đã có hướng dẫn về việc khai thác, sử dụng CSDL quốc gia về dân cư trong tiếp nhận giải quyết dịch vụ điện, thông tin tra cứu được cần chụp, cập nhật trên phần mềm CMIS để quản lý. Công tác ghi chỉ số, phát hành hóa đơn, thu tiền điện phải tuân thủ nghiêm túc các quy định của EVN, EVNNPC về kiểm soát phiên ghi, thực hiện các biện pháp kiểm soát công tác ghi chỉ số, công tác phúc tra chỉ số, kiểm soát các trường hợp chỉ số tăng/giảm bất thường. Khi GCS/thu thập chỉ số nếu phát hiện sản lượng tăng/giảm bất thường, phải thông báo ngay cho khách hàng biết để phối hợp kiểm tra xử lý và giải đáp cho khách hàng kịp thời. Hàng ngày, các Điện lực phải chủ động khai thác, sử dụng chức năng kiểm soát chỉ số bất thường trên CMIS để tổng hợp danh sách và phân công kiểm tra, kiểm soát, kịp thời xử lý trường hợp khách hàng đã thu thập dữ liệu từ xa có sản lượng điện tiêu thụ tăng, giảm bất thường, không để xảy ra kiến nghị về chỉ số, hóa đơn tiền điện tăng cao. Các kiến nghị phản ánh về hóa đơn tiền điện tăng cao, lãnh đạo đơn vị phải chỉ đạo các bộ phận liên quan khẩn trương kiểm tra, giải quyết dứt điểm các kiến nghị của khách hàng trong vòng 24 giờ.
Ngoài lĩnh vực chuyên môn, các Điện lực chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông tuyên truyền về tác động bất lợi của thời tiết đến việc cung ứng điện, nỗ lực của ngành điện trong việc cấp điện trong mùa nắng nóng, tư vấn, vận động khách hàng sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả thông qua các kênh truyền thông tiếp cận được đông đảo khách hàng.
Đẩy nhanh công tác tiết kiệm điện
Do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, tình trạng nắng nóng, hạn hán, thiếu nước đã làm cho các hồ thủy điện ảnh hưởng nghiêm trọng. Bên cạnh đó nhu cầu sử dụng điện đang có xu hướng tăng cao, đặc biệt vào mùa nắng nóng tháng 5, 6, 7. Để góp phần đảm bảo cung ứng điện an toàn, ổn định phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân trên địa bàn tỉnh, đồng thời hạn chế tối đa ảnh hưởng của sự cố lưới điện Quốc gia, PC Ninh Bình đã triển khai ngay việc phối hợp với các Sở, Ban, Ngành, các cấp chính quyền địa phương, các cơ quan truyền thông (Đài phát thanh truyền hình Ninh Bình, Báo Ninh Bình, Đài phát thanh huyện/thành phố...) trong tỉnh đẩy mạnh truyền thông về tình hình cung ứng điện khó khăn trong năm 2023 trên các phương tiện thông tin đại chúng tại địa phương để các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp và người dân biết, cùng chia sẻ khó khăn và tăng cường thực hành tiết kiệm điện.
Cùng với đó khuyến cáo các Sở, Ban, Ngành, các cấp chính quyền địa phương và các khách hàng sử dụng điện trong tỉnh nghiêm túc thực hiện tốt chương trình tiết kiệm điện theo Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 07/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020-2025. Theo đó Các đơn vị hành chính sự nghiệp tiết kiệm điện năng tiêu thụ hàng tháng 10% so với cùng kỳ; các trường học, bệnh viện, bệnh xá, trạm xá, khu điều dưỡng tiết kiệm điện năng tiêu thụ hàng tháng 5% so với cùng kỳ; các đơn vị chiếu sáng công cộng (CSCC) áp dụng các biện pháp để tiết kiệm điện năng tiêu thụ hàng tháng 50% so với cùng kỳ. Đối với các nhà hàng, khách sạn, cơ sở dịch vụ thương mại, tổ hợp văn phòng và tòa nhà chung cư giảm 50% công suất chiếu sáng quảng cáo trang trí ngoài trời vào ban đêm, tuân thủ các quy định về chiếu sáng tiết kiệm và hiệu quả, sẵn sàng cắt, giảm nhu cầu sử dụng điện khi có thông báo của đơn vị Điện lực tại địa phương trong trường hợp xảy ra thiếu điện.
Khuyến cáo các khách hàng sản xuất công nghiệp, đặc biệt là các khách hàng có mức tiêu thụ điện lớn, thực hiện các chương trình điều chỉnh phụ tải điện tự nguyện (DR) theo Thông tư số 23/2017/TT-BCT ngày 16/11/2017 của Bộ Công Thương, sẵn sàng tiết giảm công suất, sản lượng khi có thông báo của Công ty Điện lực Ninh Bình. PC Ninh Bình có chương trình phối hợp với Sở Công thương đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 07/5/2020, có biện pháp xử lý đối với các cá nhân, tổ chức không tuân thủ.
Năm 2023 được dự báo sẽ có nắng nóng kỷ lục, kéo theo đó là nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt tăng cao. Nhận thấy những nguy cơ từ việc phụ tải tăng cao gây quá tải lưới điện, ban lãnh đạo điện lực Yên Mô đã chỉ đạo các đội tăng cường kiểm tra định kỳ đường dây và các trạm biến áp, vệ sinh bảo dưỡng, kiểm tra các thiết bị điện, đo nhiệt độ, kiểm tra và xử lí các điểm tiếp xúc đồng thời lên kế hoạch luân chuyển, thay thế các máy biến áp có nguy cơ quá tải./.