EVNSPC tăng hiệu quả kinh doanh và chất lượng dịch vụ khách hàng sử dụng điện

Chuyển đổi số tại EVNSPC được triển khai đồng bộ theo Đề án tổng thể chuyển đổi số trong EVN đến năm 2022, tính đến năm 2025.

 

EVNSPC xác định chuyển đổi số là chương trình trọng tâm quan trọng nhất của EVNSPC, là động lực mạnh mẽ giúp EVNSPC tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh, phát huy tốc độ tăng trưởng và gia tăng uy tín đối với khách hàng.

Kiểm tra, đo ghi chỉ số điện bằng Smartphone tại Công ty Điện lực Bình Dương.

Trong giai đoạn 2016 – 2022, quy mô quản lý của Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) ngày càng tăng, đến hết năm 2022 về sản lượng điện thương phẩm EVNSPC đạt 83 tỷ kWh; phát triển khách hàng đạt trên 9,1 triệu khách hàng ánh sáng sinh hoạt; ký hợp đồng theo phương thức điện tử đạt 98,31%; các yêu cầu về dịch vụ điện được cung cấp qua các kênh Internet chiếm > 98%; đồng thời các chỉ tiêu liên quan đến chất lượng hoạt động như độ tin cậy, tổn thất điện năng, điểm đánh giá mức độ hài lòng khách hàng… ngày càng tốt hơn. Điều này đã phản ánh rõ các nỗ lực về ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ thông tin và quyết tâm số hoá, chuyển đổi số của EVNSPC trong thời gian qua.

Cụ thể việc ứng dụng CNTT, công nghệ mới đã được EVNSPC cụ thể hoá tại Đề án phát triển hệ thống Công nghệ thông tin, Viễn thông dùng riêng, An toàn thông tin và ứng dụng công nghệ của của cuộc CMCN 4.0 vào các hoạt động điều hành, sản xuất, kinh doanh giai đoạn 2021-2025 (gọi tắt là Đề án 261).

Đề án 261 được ban hành đã tạo định hướng, cơ sở pháp lý nhất định để phát triển cơ sở hạ tầng CNTT, VTDR, ATTT và Chuyển đổi số đồng thời đã xây dựng được lộ trình triển khai đồng bộ với hoạt động sản xuất kinh doanh giai đoạn 2021-2025 của EVNSPC. Sau hai năm triển khai, mặc dù còn rất nhiều khó khăn nhưng EVNSPC đã thực hiện được các mục tiêu trọng tâm đề ra của đề án.

Về hạ tầng truyền dẫn dùng riêng được kết nối từ Văn phòng EVNSPC đến 21 Công ty Điện lực thành viên, 203 Điện lực huyện/Thành phố, 21 Trung tâm Điều khiển xa, 243 Trạm biến áp 110kV và 09 Đơn vị trực thuộc; băng thông từ 1Gbps đến 10Gbps, có dự phòng vật lý 1+1 về cáp quang trên 85% tuyến kết nối. Mạng lưới cáp quang đang vận hành trên 15.000 km cáp quang hỗn hợp (OPGW: 4.177 km, ADSS/F8: 7.899 km, Cáp quang tiếp nhận chia sẻ với các nhà mạng: 3.191 km).

Về cơ sở dữ liệu các hệ thống phần mềm dùng chung của EVNSPC được tổ chức lưu trữ theo từng ứng dụng và tích hợp vào kho dữ liệu dùng chung, quản lý khia thác qua trung tâm dữ liệu EVNSPC.

Đẩy mạnh công tác chăm sóc khách hàng qua Trung tâm CSKH Điện lực miền Nam.

EVNSPC cũng ứng dụng CNTT nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp trong lộ trình thực hiện đề. Đáng chú ý, hệ thống hội nghị truyền hình được kết nối từ trụ sở EVNSPC đến 203 Điện lực huyện/thị xã/thành phố đã tiết kiệm chi phí và đảm bảo các hoạt động điều hành sản xuất, cung cấp điện xuyên suốt không bị gián đoạn. Trong lĩnh vực quản trị doanh nghiệp, EVNSPC bước đầu xây dựng và khai thác dữ liệu lớn (Big data), từ đó triển khai thành công một loạt các hệ thống ứng dụng CNTT nâng cao hiệu quả kết nối và làm nền tảng để EVNSPC và từng Công ty Điện lực thành viên chuyển đổi vận hành theo hướng doanh nghiệp điện tử đúng lộ trình bao gồm các dạng giao dịch của doanh nghiệp điện tử với 03 chủ thể gồm: Quan hệ doanh nghiệp với khách hàng; quan hệ doanh nghiệp với doanh nghiệp; Quan hệ doanh nghiệp với các cơ quan Chính phủ.

Ngày 21/01/2022, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã ra mắt “Hệ sinh thái số EVN-EVNCONNECT”, đây là sự kiện đánh dấu bước tiến quan trọng của EVN trong lộ trình trở thành Doanh nghiệp số vào năm 2025. Là một thành viên của EVN, EVNSPC xác định chuyển đổi số là chương trình trọng tâm quan trọng nhất của EVNSPC, là động lực mạnh mẽ giúp EVNSPC tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh, phát huy tốc độ tăng trưởng và gia tăng uy tín đối với khách hàng.

Khách hàng tại Bà Rịa–Vũng Tàu tra cứu hóa đơn điện tử trên App CSKH.

Trong chương trình này, chuyển đổi số tại EVNSPC được triển khai đồng bộ theo Đề án tổng thể chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam đến năm 2022, tính đến năm 2025. Kết quả đạt được theo lộ trình chuyển đổi số giai đoạn 2021-2022 có thể kể đến là: (i) EVNSPC hoàn thành kết nối kỹ thuật tích hợp dịch vụ xác thực và chia sẻ thông tin công dân bằng số CCCD với CSDL Quốc gia thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia cho 21 công ty điện lực thành viên; (ii) Kết nối với Tổng cục thuế và trên 28 tổ chức thanh toán trung gian để triển khai Dịch vụ hóa đơn điện tử, Thanh toán không dùng tiền mặt; (iii) Kết nối liên thông trục hệ thống văn bản điện tử nội bộ với trục liên thông văn bản Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước và sẵn sàng hạ tầng để kết nối với UBND các tỉnh thành phố phía Nam theo kế hoạch.

Đối với lĩnh vực KD&DVKH, kết quả chuyển đổi số đã làm thay đổi phương thức điều hành, phong cách lãnh đạo, quy trình làm việc, mô hình kinh doanh và phương thức kinh doanh qua sự chuyển đổi sang giao dịch điện tử. Việc ứng dụng CNTT và số hóa KD&DVKH, EVNSPC đã hiện đại hóa hệ thống đo đếm, khai thác phần mềm thu thập dữ liệu công tơ điện tử từ xa, kết nối với hệ thống CMIS hỗ trợ công tác ghi chỉ số và tính toán hoá đơn cho khách hàng. Đồng thời tạo thuận lợi cho việc quản lý hệ thống đo đếm của ngành Điện, cũng như giúp khách hàng trong việc chủ động giám sát, tra cứu và điều chỉnh mức tiêu thụ điện của gia đình, doanh nghiệp một cách hợp lý nhất.

Bên cạnh đó, EVNSPC cũng đã đẩy mạnh dịch vụ cung cấp điện 100% qua các kênh online như: Cổng dịch vụ công Quốc gia, Zalo, APP CSKH trên điện thoại di động, Website CSKH... Khách hàng có thể tiếp cận dịch vụ điện mọi lúc, mọi nơi chỉ cần vài lần click chuột trên máy tính hoặc thao tác trên điện thoại di động. Qua đó, vừa giúp khách hàng tiết kiệm chi phí đi lại, có thể tiếp cận quy trình cung cấp dịch vụ điện trên môi trường mạng một cách rõ ràng, công khai, minh bạch.

Điều khiển hệ thống sửa chữa điện nóng (hotline) tại Công ty Điện lực TP Cần Thơ.

Ngoài ra, để tạo thuận lợi cho khách hàng thanh toán tiền điện, Điện lực thực hiện đa dạng hóa hình thức thu tiền điện không cần giao dịch tiền mặt mọi lúc, mọi nơi, an toàn như: Trích nợ tự động qua ngân hàng, ứng dụng Internet banking của các ngân hàng; Ví điện tử của các tổ chức trung gian như Payoo, MoMo, VNPT, VNpay, Viettel bankplus, Zalo Pay…

Trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, chuyển đổi số cũng được EVNSPC xác định là một trong những mục tiêu quan trọng và là giải pháp cốt lõi nâng cao năng suất lao động, chất lượng công trình và hiệu quả trong từng khâu đầu tư xây dựng với hệ thống phần mềm Quản lý đầu tư xây dựng (IMIS 2.0) là trung tâm. Theo đó EVNSPC đã hoàn thành được các mục tiêu cụ thể như: 1.883 gói thầu được thực hiện qua hệ thống điện tử, 1.645 hợp đồng được đánh giá chấm điểm trong năm 2022; 274 dự án khởi công áp dụng nhật ký điện tử với 24.324 nhật ký điện tử đã thực hiện; 630 dự án đã ứng dụng công nghệ AI trong phân tích hình ảnh đánh giá chất lượng các bước thi công, 241 dự án đã áp dụng phần mềm MicroSoft Project quản lý tiến độ; trên 1.400 dự án đã được đưa vào lưu trữ theo hồ sơ điện tử…

Đồng thời, EVNSPC đã thực hiện chuyển đổi số một cách tích cực, hiệu quả trong tất cả các lĩnh vực liên quan hoạt động sản xuất kinh doanh như quản trị nội bộ; kỹ thuật, an toàn và trong công tác chỉ đạo điều hành.

Theo dõi vận hành trạm biến áp không người trực tại Công ty Điện lực Kiên Giang.

Với sự quyết tâm, đồng lòng của cấp ủy, Ban điều hành đến từng phòng, ban chức năng và toàn thể CBCNV, tính đến thời điểm hiện nay EVNSPC đã hoàn thành 100% khối lượng thực hiện chuyển đổi số của 5 lĩnh vực trọng tâm giai đoạn 1.

EVNSPC xác định chuyển đổi số là một lộ trình dài hạn và đồng bộ trên diện rộng từ Tổng công ty đến từng đơn vị thành viên, trong đó đòi hỏi nhiều sự thay đổi và thích ứng nhanh lẹ, với một chiến lược có phân kỳ về nguồn lực một cách cụ thể rõ ràng nhằm giúp việc thực thi giảm thiểu những rủi ro thách thức và tận dụng thành công những cơ hội trên hành trình số trong giai đoạn tiếp theo/.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận