Ngày 17/11, Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) phối hợp cùng Báo VietnamNet công bố Bảng xếp hạng VNR500 - Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2023; trong đó Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) tiếp tục giữ vững vị trí trong Top 3 doanh nghiệp hàng đầu cùng với Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên và Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex). Đặc biệt, năm nay trong Top 5 lần đầu ghi nhận sự góp mặt của Công ty CP Lọc hóa Dầu Bình Sơn (BSR), là một đơn vị thành viên của Petrovietnam.
Các công ty tư nhân như Hòa Phát, Vingroup đều tụt 3 hạng, lần lượt xuống vị trí 8 và 10. Hai cái tên không còn trong danh sách Top 10 là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG).
Với việc xếp vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng VNR500 năm 2023, Petrovietnam ghi nhận năm thứ 16 liên tiếp đứng trong Top 3 của bảng xếp hạng này. Trong VNR500 năm 2023 cũng tiếp tục ghi nhận vị trí thứ hạng cao, cũng như sự có mặt của rất nhiều các công ty Dầu khí khác: Công ty CP Lọc hóa Dầu Bình Sơn - BSR (xếp thứ 4); Tổng công ty Dầu Việt Nam – PVOIL (xếp thứ 14); Tổng công ty Khí Việt Nam - PV GAS (xếp thứ 15). Ngoài ra, còn nhiều doanh nghiệp khác như: Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power); Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo); Tổng công ty CP Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí (PETROSETCO); Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC); Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVcomBank); Công ty CP PVI; Tổng công ty CP Vận tải Dầu khí (PVTrans);…
Bảng xếp hạng VNR500 đã bước sang năm thứ 17 trên chặng đường tìm kiếm, ghi nhận và tôn vinh những thành tích xứng đáng của các doanh nghiệp có quy mô lớn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả và ổn định, những doanh nghiệp đã cho thấy bản lĩnh kiên cường trước những cơn sóng biến động bất ngờ từ bối cảnh quốc tế và sự giảm tốc tăng trưởng của nền kinh tế.
Kết quả thống kê từ bảng xếp hạng VNR500 năm 2023 cho thấy tổng doanh thu của cả ba lĩnh vực Công nghiệp – Xây dựng, Dịch vụ và Nông nghiệp – Lâm nghiệp – Thủy sản đều có sự gia tăng so với năm 2022. Trong đó, ngành Công nghiệp – Xây dựng vẫn là một trong những động lực phát triển của ngành kinh tế và hoạt động Nông nghiệp – Lâm nghiệp – Thủy sản vẫn giữ được đà cải thiện đáng kể so với năm trước.
Kết quả còn cho thấy phần lớn các nhóm ngành chính trong bảng xếp hạng có sự tăng trưởng trở lại về doanh thu so với bảng xếp hạng năm trước ngoại trừ nhóm ngành Xây dựng, Thép và Cơ khí. Cùng thời điểm này năm ngoái có thể nói là giai đoạn khủng hoảng của doanh nghiệp Xây dựng, Thép khi bất động sản “đóng băng”, nhu cầu xây dựng xuống thấp, tiêu thụ thép chậm ở cả trong nước và thế giới khiến cho các doanh nghiệp trong ngành bị ảnh hưởng nặng nề dẫn kết quả năm 2022 giảm sút. Ngược lại, ngành Khoáng sản, xăng dầu lại có một năm bội thu, tăng trưởng hơn 42% so với kết quả thống kê từ bảng xếp hạng năm 2022, vươn lên vị trí ngành có tổng doanh thu lớn nhất bảng xếp hạng trong khi đó vị trí này năm ngoái thuộc về ngành Tài chính.
Xét về các tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động kinh doanh của toàn bộ doanh nghiệp trong bảng xếp hạng VNR500 2023, tỷ suất sinh lời trên tài sản (ROA) bình quân và tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) tăng trở lại, lần lượt tăng 0,2% và 4,1% so với năm trước xét trên tổng thể toàn bảng xếp hạng. Khu vực vốn nước ngoài (FDI) ghi nhận hiệu quả sử dụng tài sản và vốn chủ sở hữu tốt so với hai khu vực còn lại, tăng lần lượt 2,2% và 16,8%. Ngược lại, khu vực Tư nhân lại ghi nhận ROA bình quân và ROE bình quân ở chiều sụt giảm so với năm trước, lần lượt giảm 0,5% và 2,9%.
Trái ngược với ROA, ROE, tỷ suất sinh lời trên doanh thu (ROS) bình quân ghi nhận mức giảm 0,4% xét trên tổng thể, trong đó khu vực Nhà nước và Tư nhân có chung xu hướng giảm 0,5%, khu vực FDI ghi nhận tăng 0,5% so với năm trước.
Ngành Khoáng sản, xăng dầu có một năm bội thu, tăng trưởng hơn 42% so với kết quả thống kê từ bảng xếp hạng năm 2022, vươn lên vị trí ngành có tổng doanh thu lớn nhất bảng xếp hạng trong khi đó vị trí này năm ngoái thuộc về ngành Tài chính.