Bài học về quản lý tài chính cá nhân
Bắt đầu kinh doanh từ con số không đã khó, nhưng với bà Phạm Thị Hương Hoa bắt đầu từ con số âm. Bà không ngần ngại khi chia sẻ về những mảng tối trong cuộc đời của mình với những trường đoạn đầy kịch tính như cuốn phim dài kỳ. Sinh năm 1978 tại Cầu Không, Lý Nhân, Hà Nam, trước đây bà từng là cảnh sát môi trường và kinh doanh trong lĩnh vực xăng dầu. Khi đó, gia đình bà làm ăn phát đạt, có nhà, có xe, là niềm mơ ước của nhiều người. Tuy nhiên đến năm 2011 bà bị phá sản, nợ nần chồng chất, sự nghiệp và gia đình cũng tan vỡ theo. Hai đứa con nhỏ một đứa ở với nhà nội, một đứa gửi nhà ngoại.
Không đầu hàng số phận, năm 2012 bà quyết định lên Hà Nội với 50 nghìn đồng trong túi và một ý chí: “Người ta bán hàng rong cũng có thể nuôi con ăn học, năm nay mình mới 32 tuổi, chưa phải là quá muộn để làm lại mọi thứ. Tôi nung nấu quyết tâm cố gắng vượt lên khó khăn, tìm mọi cách kiếm tiền để nuôi con”.
Việc đầu tiên lên Hà Nội là bà Hoa mua vài tờ báo rao vặt vào quán nước ngồi để đọc xem Hà Nội họ có nhu cầu gì. Và rồi bà thuyết phục được bà bán nước cho thuê chỗ ở. Gọi là chỗ ở nhưng thật ra đó là chỗ mà người bán nước dùng để nuôi chó, mèo. Nhưng vì tin tưởng nên bà tạo điều kiện cho ở với giá rẻ. Và người bán nước còn đồng ý cho bà Hoa ăn gì ghi sổ nợ. Ngày ấy bà chỉ dám ăn những cái bánh mỳ bán ế khô khốc với một cốc nước dừa mà theo lời bà kể thì bà thèm nước dừa tới mức không thể chịu được.
Thế rồi việc gì bà cũng làm, ai thuê gì bà làm đó từ dọn nhà đến chăm sóc bệnh nhân trong bệnh viện, gánh rau đi bán. Và số phận cũng run rủi bà gặp được những người tốt bụng. Đó là vợ chồng cô chú là bạn của bố bà cho 5 triệu, mua cho ấm đun nước, vài quả bưởi và khách mua rau cho ở nhờ trông ngôi nhà để không. Rồi những người bạn, người chị hướng dẫn cho bà tìm về HTX rau sạch ở Sóc Sơn lấy rau để đi bán. Vì chưa có thương hiệu nên cứ ở nơi nào tập đông người là bà đem rau đến bán. Từng bước bà có thu nhập ổn định và trưởng thành từ những gánh rau đó.
“Và cứ thế con đường tôi đi bằng sự yêu thương, sự chăm chỉ mà tôi không nghĩ mình thành công, thành công lúc nào không biết”, bà Hoa trải lòng. Trên con đường thành công ấy bài học xương máu mà bà luôn khắc ghi đó là muốn thành công trong kinh doanh phải quản lý tài chính cá nhân thật tốt. Trước đây bà thất bại bởi vì bà là công chức nên không đứng ra làm chủ doanh nghiệp được. Vì thế dòng tiền cá nhân bị thất thoát ở các khâu trong quá trình giao dịch.
Linh hồn của chay Phú Quý
Đặc biệt, có một cuộc gặp gỡ “định mệnh”, đã đưa cuộc đời bà rẽ sang một hướng khác và làm nên thành công của bà bây giờ. “Lúc tôi bán rau tôi có một khách hàng rất thân thương. Anh ấy bảo với nói với tôi rằng với hình thức này, con người này và trình độ này phải nâng tầm lên. Tôi sẽ hướng dẫn cho cô gặp một người nhập đậu gà và đậu hà Lan từ Mỹ về. Bán hàng khô đỡ vất vả hơn. Với sự thông minh và nhanh nhẹn của cô tôi nghĩ cô sẽ tìm ra con đường”.
Bà Hoa còn nhớ rất rõ, khi ấy bà còn 1 triệu đồng tiền rau chưa bán hết, người khách đó sẵn sàng mua hết số hàng với mong muốn “Tôi trả cho cô tiền rau, cô cho ai là tuỳ cô, nhưng cô phải đến gặp người đó, tôi sẽ mở cho cô con đường”. Thế là sau khi bán hết số rau đó bà đã đến theo lời hẹn. Người bà gặp có tên Phạm Văn Thắng chuyên nhập đậu về Việt Nam. Và chú Thắng đưa cho bà hai loại hạt đậu đó, hướng dẫn bà cách dùng.
Đêm hôm đó, bà thực hành luôn. Tiếng nổ lách tách từ những hạt đậu vô hồn và sự biến hoá kỳ diệu khi chúng gặp nước đã tạo động lực cho bà Hoa. Bà bắt đầu mày mò để chế biến các món ăn từ hai loại hạt đậu này.
Bà kể: “Khi ấy tôi chưa biết món chay là gì. Tôi mua gà, thịt về nấu với hạt đậu không thấy ngon và không có gì đặc biệt. Sẵn rau củ quả, mộc nhĩ, nấm hương tôi kết hợp nấu canh, làm nem, rồi xay làm sữa hạt ăn thấy ngon quá và ăn thấy nhẹ người. Thế là làm tôi mang ra chợ bán, đồng thời tìm đến Trung ương Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam, Hội LHPN Hà Nội và Hội phụ nữ các phường, xin khi có sự kiện như ngày 8/3, các ngày họp phục vụ miễn phí nấu xôi và các món trên để mọi người nếm thử và đóng góp ý kiến”.
Lo ngại không đủ kiến thức và trong quá trình kết hợp các gia vị món ăn không may xảy ra phản ứng nào đó dẫn đến ngộ độc bà đã đem từng sản phẩm đến Viện Dinh dưỡng để kiểm tra chất lượng. Quá trình đó đã cho bà đủ niềm tin để đưa sản phẩm đến với cộng đồng. Cứ như thế sản phẩm của bà Hoa được khách hàng khen ngợi và đón nhận.
Và duyên lành một lần nữa đưa bà đến với nấm hầu. Cũng từ một cuộc gặp tình cờ với vị khách hàng, với gợi ý “ Cô đi Đài Loan thấy đồ chay bên đó ngon lắm. Cháu học mà làm”. Rồi vị khách đó đã kết nối để bà Hoa tìm đến được người đàn ông gốc Đài Loan, ông là đời thứ 3 trong gia đình truyền thống chừng 100 về đồ ăn chay. Đầu tiên bà phân phối sản phẩm cho ông. Sau này thấy được sự kiên trì của bà mà ông đã cho bà công thức chế biến.
Luôn luôn cho đi
Sản xuất, kinh doanh không chỉ bằng đam mê, nhiệt huyết mà cốt lõi là sự chân thật, với sản phẩm đảm chất lượng, giá cả phù hợp mà thương hiệu chay Phú Quý ngày một lớn mạnh. Thành lập doanh nghiệp từ năm 2013, từ một cơ sở nhỏ lẻ, đến nay mỗi ngày chay Phú Quý sản xuất và cung cấp ra thị trường từ 3 đến 5 tạ hàng, có những ngày cao điểm lên tới 7 tạ hàng. Hiện có 20 mặt hàng đã được thị trường chấp nhận và 90% các nhà hàng chay trên Hà Nội đã nhập sản phẩm của Phú Quý, và sản phẩm có mặt trên khắp cả nước. Chay Phú Quý đa số là sản phẩm chay phục vụ cho sức khoẻ và số ít là sản phẩm chay tôn giáo. Số phận cho bà Hoa gặp được nhiều người tốt nên bà cũng học cách cho đi. Bà luôn mở lòng cưu mang những mảnh đời bất hạnh như cậu bé mà bố mẹ mất trong tù, anh trai đi tù, chị gái lưu lạc trong nhiều năm. Ngay từ khi còn đang trong cảnh túng quẫn bà đã từng vào công an phường xin mỗi người một triệu để giúp đỡ một cô sinh viên không may mang thai ngoài ý muốn, sinh con và gửi giúp vào chùa Bồ Đề để cô bé đó có thể tiếp tục con đường học hành.
Công ty của bà nhận nhiều hoàn cảnh khó khăn vào làm việc, giờ đây mọi người đều có thu nhập ổn định cho với mức lương từ 5 – 10 triệu đồng/tháng. Và dù trong bối cảnh kinh tế khó khăn công nhân đều có thưởng và lương tháng 13. Mỗi thứ 7 hằng tuần bà Hoa mở lớp dạy làm món chay miễn phí tại nhà, với bà đó là ngày cho đi. Nhiều học viên trong số đó lập nghiệp và thành công từ các món chay.
Chị Nguyễn Thị Hồng, học viên của lớp cho biết: “Tôi ăn chay 10 năm nay. Tôi biết đến cô Hoa qua một người bạn. Cô Hoa rất tận tâm. Sản phẩm chay của cô Hoa không có phụ gia, an toàn cho sức khoẻ. Tôi được cô Hoa dạy cho cách làm, cách kinh doanh. Nhờ đó, tôi bén duyên với việc kinh doanh. Thu nhập chính của tôi giờ đây lại từ việc này”.
Mặc dù công ty còn nhiều khó khăn phía trước nhưng với những thành quả của hiện tại đủ để bà Phạm Thị Hương Hoa tin vào những bù đắp trên chặng đường dài sau những gian truân gập ghềnh. Bà đã trang trải hết nợ, có gia đình mới êm ấm và cùng 3 đứa con, trong đó hai con riêng.
“Tôi luôn giữ tinh thần khởi nghiệp để nhắc lại chặng đường quá khứ. Và yêu thương tất cả mọi người và nhất là phụ nữ, chị nào chưa có công ăn việc làm tôi sẽ dẫn dắt và đi đến thành công. Tôi đã trải qua mất mát và tôi đã sai. Tôi phải lấy cái đúng để sửa sai. Đến thời điểm này tôi chắc chắn mình đã đi đúng hướng, việc quan trọng lúc này là đi như thế nào”
Doanh nhân Phạm Thị Hương Hoa
|