Trong thị trường truyền thông 4 tỷ USD, có khoảng hơn 50% doanh thu chảy vào hoạt động mạng xã hội chứ không phải là báo chí. Vì thế, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo đã quy định tăng tỷ lệ diện tích, thời lượng quảng cáo, giúp cơ quan báo chí linh hoạt thay đổi các gói quảng cáo, tối ưu giá quảng cáo để cạnh tranh.
Theo cơ quan soạn thảo, hiện nay phần lớn các cơ quan báo chí đều hoạt động theo cơ chế tự chủ tài chính, vì vậy phải đối mặt với rất nhiều khó khăn.Trong khi đó, với xu hướng phát triển của công nghệ và trí tuệ nhân tạo mang lại sự sáng tạo và tương tác thì thị phần quảng cáo truyền thống (trong đó có quảng cáo trên báo chí, truyền hình) ngày càng sụt giảm, khách hàng không còn đầu tư quảng cáo trên các phương tiện này. Các cơ quan báo chí phải tận dụng mọi biện pháp để tối ưu hóa lợi nhuận từ quảng cáo và tái đầu tư vào việc mua bản quyền và sản xuất các nội dung hấp dẫn phục vụ độc giả.
Luật Quảng cáo năm 2012 quy định về quảng cáo trên báo in: “Diện tích quảng cáo không được vượt quá 15% tổng diện tích một ấn phẩm báo hoặc 20% tổng diện tích một ấn phẩm tạp chí, trừ báo, tạp chí chuyên quảng cáo; phải có dấu hiệu phân biệt quảng cáo với các nội dung khác” (khoản 1 Điều 21); tỷ lệ thời lượng quảng cáo trên báo nói, báo hình: “1. Thời lượng quảng cáo trên báo nói, báo hình không được vượt quá 10% tổng thời lượng chương trình phát sóng một ngày của một tổ chức phát sóng, trừ thời lượng quảng cáo trên kênh, chương trình chuyên quảng cáo; phải có dấu hiệu phân biệt nội dung quảng cáo với các nội dung khác” (khoản 1 và khoản 4 Điều 22). Các quy định trên gây bó buộc cho cơ quan báo chí trong việc linh hoạt thay đổi gói quảng cáo, khó có thể tối ưu giá quảng cáo để cạnh tranh, thu hút doanh nghiệp.
Do khống chế thời lượng, giá quảng cáo tăng và các sản phẩm quảng cáo có thời lượng ngắn nên việc chuyển tải thông tin đến với người tiêu dùng chưa đầy đủ, đặc biệt là đối với quảng cáo hàng hóa, dịch vụ đặc biệt như thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm…không đảm bảo được những nội dung bắt buộc phải thể hiện trên sản phẩm quảng cáo đến người tiêu dùng, hạn chế sự phát triển của hoạt động quảng cáo.
Ngày 16/3/2024, tại phiên thảo luận “Mô hình hợp tác hiệu quả giữa báo chí doanh nghiệp và đại lý quảng cáo” diễn ra trong khuôn khổ Hội báo toàn quốc năm 2024 tại Thành phố Hồ Chí Minh, chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc công ty Lê Group thông tin, thời gian gần đây dòng chảy ngân sách quảng cáo vào báo chí đang giảm dần theo tỷ lệ trên tổng chi quảng cáo hằng năm.
Nhiều cơ quan báo chí đối mặt với những khó khăn nhất định về doanh thu và tái đầu tư phát triển. Trong thị trường truyền thông 4 tỷ USD, có khoảng hơn 50% doanh thu chảy vào hoạt động mạng xã hội chứ không phải là báo chí.
Vì thế, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo đã khắc phục những khó khăn, hạn chế nêu trên, đảm bảo cân bằng lợi ích của cơ quan báo chí và người tiếp nhận: Sửa đổi, bổ sung Điều 21 quy định tăng diện tích quảng cáo trên báo in không được vượt quá 30% tổng diện tích một ấn phẩm báo hoặc 40% tổng diện tích một ấn phẩm tạp chí, trừ báo, tạp chí chuyên quảng cáo (gấp đôi diện tích được quy định trong Luật Quảng cáo hiện hành là không vượt quá 15% tổng diện tích một ấn phẩm báo hoặc 20% tổng diện tích một ấn phẩm tạp chí, trừ báo, tạp chí chuyên quảng cáo). Đồng thời, dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung Điều 22 quy định về hoạt động quảng cáo trên báo nói, báo hình: bổ sung khoản 2 về thời lượng quảng cáo trên kênh truyền hình trả tiền không vượt quá 10% tổng thời lượng chương trình phát sóng một ngày của một tổ chức phát sóng, trừ kênh, chương trình chuyên quảng cáo./.