Sáng ngày 18/9/2024, Ban An toàn, Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) cho biết, đã khôi phục cấp điện trở lại cho 6.064.450 khách hàng (KH), chiếm tỷ lệ 98,59% so với số KH mất điện ban đầu.
Chung sức, đồng lòng chi viện
Cụ thể, về lưới điện 110kV, EVNNPC đã khôi phục 163/173 đường dây, còn 10/173 đường dây chưa khôi phục.
Về trạm biến áp, đã khôi phục 89/90, còn 01/90 TBA chưa khôi phục, cụ thể: PC Hải Phòng: TBA 110 kV Cát Bà (toàn bộ phụ tải của Cát Bà đã có điện lấy nguồn 35kV từ trạm 110kV Cát Hải).
Về lưới điện trung thế, đã khôi phục 1.645/1.678 đường dây/nhánh đường dây, còn 33/1.678 đường dây/nhánh đường dây chưa khôi phục (trong đó có 05 đường dây mới chưa đưa vào vận hành do PC Quảng Ninh quản lý).
Về công tác khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3 tại khu vực Quảng Ninh, EVNNPC cho biết, lưới điện 110kV đã đóng điện 52/59 đường dây được khôi phục vận hành (có 5 đường dây dự phòng không đóng điện), còn lại 2 đường dây chưa đóng điện; trạm biến áp đã đóng điện 30/30 TBA. Lưới điện trung áp đã đóng điện được 167/180 đường dây trung áp (có 05 đường dây mới không vận hành), đã khôi phục được 01 đường dây so với báo cáo lúc 17h00 ngày 17/9/2024, trong đó còn 06/134 đường dây trung áp tài sản ngành điện (có 02 đường dây mới không vận hành) và 07/46 đường dây khách hàng (có 03 đường dây mới không vận hành) chưa đóng điện. Đã cấp điện trở lại cho 390.095/461.678 khách hàng, chiếm tỷ lệ 84,49%, còn lại 71.583 khách hàng đang mất điện.
Tại các khu vực thuộc tỉnh Yên Bái, Bắc Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Ninh Bình… bị ngập lụt do hoàn lưu bão số 3, do nước sông dâng cao nên đã gây ngập lụt tại 16 khu vực, hiện còn 11 khu vực còn ngập gây ảnh hưởng mất điện khoảng 562.097 khách hàng. Số khách hàng đã khôi phục được là 547.488 khách hàng; số khách hàng còn mất điện là 14.609 khách hàng.
Được biết, việc khắc phục sự cố lưới điện trên địa bàn các tỉnh miền Bắc gặp muôn vàn khăn do rất nhiều khu vực bị lũ lụt do ảnh hưởng của hoàn lưu bão khiến giao thông chia cắt, cô lập. Nhiều khu vực khi nước tạm rút đi nhưng để lại hiện trường vô cùng ngổn ngang, bùn đất lầy lội, ngâp sâu hoặc đường xá bị phá hủy, cây đổ khiến ngành điện không thể hoặc rất khó tiếp cận. Các thiết bị của ngành điện như cột, dây... có khối lượng rất lớn, trước kia khi dựng cột hoặc kéo dây cần huy động lực lượng và phương tiện hỗ trợ nhưng hiện nay chủ yếu được thực hiện bằng sức người. Các thiết bị, tài sản của khách hàng do bão phá hủy hoặc ngập sâu dưới nước cần phải thay thế, khắc phục nên cũng làm kéo dài thời gian...
Trước thực trạng này, EVNNPC, ngành điện các tỉnh đã cử các đội xung kích chung sức, đồng lòng lên đường hỗ trợ, khôi phục hệ thống điện tại các tỉnh bị thiệt hại nặng nề do mưa bão. Lãnh đạo ngành điện miền Bắc cũng lưu ý, mỗi thành viên trong đội phải chủ động trang bị các dụng cụ cần thiết bảo đảm cho công tác hỗ trợ; quá trình thực hiện nhiệm vụ phải bảo đảm tuyệt đối an toàn cho bản thân, đồng nghiệp và hết sức hỗ trợ anh em đồng nghiệp, góp sức hoàn thành khắc phục hậu quả mưa bão trong thời gian nhanh nhất, hiệu quả nhất.
Nhanh chóng khôi phục hệ thống điện
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, tất cả lưới điện 500 kV đã được khôi phục. Các đường dây 220, 110 Kv đã được khôi phục, mỗi cấp điện áp chỉ còn vài đường chuẩn bị khôi phục, tuy nhiên không ảnh hưởng đến cấp nguồn cho phụ tải do có thể lấy từ các đường dây khác. Hầu hết các lưới điện 500 kV, 220 kV, 110 kV đã được Công ty Truyền tải điện 1 và các Công ty Điện lực tỉnh bàn giao cho NSMO để đóng điện; các nhà máy điện đã hoạt động trở lại.
Nguồn điện đã được chuẩn bị đầy đủ và có dự phòng để đáp ứng đầy đủ nhu cầu sử dụng điện. Các công trình thủy điện khác đang được đảm bảo an toàn và được chỉ đạo sát sao, tuân thủ đúng quy trình vận hành được phê duyệt.
Về công tác bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm cho người dân, các hệ thống phân phối lớn đã đẩy mạnh nhập rau, củ, quả từ các tỉnh miền Trung, miền Nam ra để đưa vào các hệ thống phân phối của mình tại miền Bắc, điển hình như: Saigon Co.op, Central Retail Việt Nam, MM Mega Market, AEON Việt Nam… đều tăng tần suất xe đưa hàng từ 3-5 lần so với bình thường từ miền Trung, miền Nam về các kho hàng tại miền Bắc để đáp ứng nhu cầu người dân.
Giá hàng hóa tại các hệ thống phân phối hiện đại được giữ ổn định; tại các chợ truyền thống, giá một số loại rau, củ, thịt lợn, mỳ có tăng nhưng không đột biến, nguồn cung được bổ sung thường xuyên từ việc điều phối của các doanh nghiệp từ phía Nam ra và từ nhập khẩu của Trung Quốc nên không có hiện tượng thiếu hàng tăng giá bất hợp lý.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng cho biết trước mắt, Bộ đã chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương khắc phục sự cố, khôi phục nhanh nhất hệ thống điện, bao gồm cả nguồn điện và lưới điện, có phương án dự phòng về mặt kỹ thuật để duy trì ổn định hệ thống điều độ điện khi có sự cố xảy ra; ưu tiên cấp điện cho các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, doanh nghiệp sản xuất, phục vụ cung cấp vật tư hỗ trợ người dân sửa chữa nhà ở, cơ sở sản xuất; Khắc phục sự cố đường dây, trạm biến áp gắn với đảm bảo an toàn sử dụng điện, cung cấp thông tin hướng dẫn các cơ sở sản xuất, người dân.